Sáng 11.9, gần 6.000 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn S&H Vina Thạch Thành (Thanh Hóa) đã trở lại làm việc sau 3 ngày nghỉ việc tập thể.

Hàng nghìn công nhân Thanh Hóa đi làm trở lại sau 3 ngày đình công

Trí Lâm | 11/09/2017, 12:56

Sáng 11.9, gần 6.000 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn S&H Vina Thạch Thành (Thanh Hóa) đã trở lại làm việc sau 3 ngày nghỉ việc tập thể.

Ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã cử đoàn công tác xuống phối hợp với UBND huyện Thạch Thành và các đơn vị chức năng trực tiếp lắng nghe ý kiến của người lao động, đồng thời đã làm việc trực tiếp với doanh nghiệp.

Vị này cho biết, 10 trong tổng số 16 kiến nghị của công nhân Công ty S&H Vina Thạch Thành đã được doanh nghiệp thông qua bằng văn bản và cam kết thực hiện thời gian tới. Còn lại 6 kiến nghị doanh nghiệp chưa thông qua do còn phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Hà Long Biên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận công nhân của Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành đã đi làm trở lại sau nhiều ngày ngưng việc .

"Công ty hứa trả đủ 4 ngày lương cho người lao động từ ngày 6 đến ngày 9.9. Còn một số kiến nghị của công nhân chưa đáp ứng được do đã có quy định, quy chế cụ thể khi ký hợp đồng", ông Biên nói.

Trước đó, trong 3 ngày 6, 7 và 8.9, gần 6.000 công nhân Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành đã ngừng việc đòi quyền lợi và phản đối một số quy định chưa phù hợp đối với người lao động của đơn vị này.

Nguyên nhân trực tiếp của vụ đình công này xuất phát từ bức xúc cho rằng viên quản đốc của công ty này "có hành động thiếu tình người".

Các công nhân cho biết vào lúc hơn 13g ngày 6.9, sau bữa cơm trưa, công nhân dùng các tấm vải lót xuống sàn để nghỉ trưa. Sau đó, quản đốc của công ty đến thu các tấm vải lại và nói với các công nhân muốn nghỉ thì nằm xuống sàn gạch, không được lót vải tại nơi nằm nghỉ.

Sau đó hơn 2.000 công nhân xưởng may I của công ty đã đình công phản đối hành động của viên quản đốc.

Chiều 6.9, hàng nghìn công nhân ở xưởng may II và III cũng đồng loạt nghỉ việc đòi công ty đáp ứng một số quyền lợi. Cụ thể, các công nhân yêu cầu: tăng lương cơ bản cho phù hợp mức sống hiện tại, khi công nhân nghỉ ốm đau, có việc quan trọng đột xuất thì không bị trừ tiền chuyên cần, phải tính vào ngày nghỉ phép năm, không quá ép sản lượng công nhân, đảm bảo chế độ thai sản đầy đủ cho công nhân…

Sau buổi làm việc với các ngành chức năng về 16 kiến nghị của công nhân, Công ty TNHH S&H Vina không đáp ứng 10 kiến nghị. Cụ thể, về tiền lương, công ty không chấp thuận theo đề xuất của công nhân mà chỉ xét nâng bậc lương hằng tháng đối với những người làm việc từ đủ 12 tháng; thưởng năng suất theo dây chuyền chứ không đánh giá riêng từng người.

Về phép năm, công ty cho rằng khi xin phép nghỉ giải quyết công việc gia đình hoặc bị ốm 1 ngày mà không đi bệnh viện thì công nhân có thể sử dụng phép năm (nếu còn phép). Khi đã sử dụng phép năm và nghỉ phép năm mà không báo trước thì không được hưởng tiền chuyên cần.

Vấn đề hỗ trợ xăng xe, công ty chỉ hỗ trợ cho người lao động đang đi vé 300.000 đồng đến 350.000 đồng/tháng là 300.000 đồng/tháng, vé 400.000 đồng đến 450.000 đồng/tháng thì hỗ trợ mức 350.000 đồng. Các trường hợp còn lại vẫn hỗ trợ như cũ là 260.000 đồng/tháng.

Công ty cũng cam kết tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn và yêu cầu nhà cung cấp có thêm món ăn để người lao động lựa chọn. Riêng đối với những kiến nghị như về trừ tiền chuyên cần, tăng tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ, lương thâm niên, tiền thưởng ngày lễ, Tết… công ty không đồng ý với lý do đang làm ăn thua lỗ.

Tiếp đó, công ty này cũng đã sa thải ngay ông Mai Sỹ Nghĩa, phiên dịch viên kiêm quản đốc xưởng 1 vì có lời lẽ xúc phạm, coi thường công nhân.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng nghìn công nhân Thanh Hóa đi làm trở lại sau 3 ngày đình công