Với những lợi ích nhất định từ việc phân phối hàng qua hệ thống siêu thị, nhất là thời điểm cuối năm doanh nghiệp nào cũng muốn hàng hóa mình xuất hiện tại đây để đạt hiệu quả tối đa. Tuy vậy người muốn vào nhiều thì đường vào càng hẹp và khó khăn hơn.

Hàng nội “kiệt sức” trước cửa siêu thị

Một Thế Giới | 22/11/2013, 10:00

Với những lợi ích nhất định từ việc phân phối hàng qua hệ thống siêu thị, nhất là thời điểm cuối năm doanh nghiệp nào cũng muốn hàng hóa mình xuất hiện tại đây để đạt hiệu quả tối đa. Tuy vậy người muốn vào nhiều thì đường vào càng hẹp và khó khăn hơn.

           

Trong những năm gần đây, thông điệp “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên ở một kênh mua sắm phổ biến nhất là hệ thống siêu thị thì hàng nội vẫn khó để chen chân vào. Những điều kiện để được “yên vị” trong siêu thị đã ngoài tầm với của doanh nghiệp nội, may ra chỉ có những doanh nghiệp nước ngoài đủ khả năng đáp ứng..

Thời điểm cuối năm chỉ cần sản phẩm có chỗ đứng trong hệ thống phân phối thì được xem là kinh doanh thành công 50%. Tuy vậy tới thời điểm này có hàng trăm sản phẩm chất lượng, đặc sản của các địa phương vẫn đứng ngoài trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị.

Hầu hết các doanh nghiệp đều chạy vạy tìm đường đi cho hàng hóa song không phải cứ muốn là được. Mong muốn sản phẩm làm ra có mặt trong hệ thống siêu thị luôn có nhưng  kế hoạch để thực hiện đã gian truân hơn.

Đại diện một công ty sản xuất sản phẩm nông sản ở Bình Tân cho rằng: “Cả năm kinh doanh phập phù, thời điểm này chỉ còn hi vọng vào mùa kinh doanh Tết để gỡ gạc. Việc đưa được sản phẩm vào siêu thị là kế hoạch mà công ty đang ưu tiên hàng đầu, biết là khó nhưng cũng chỉ còn kênh siêu thị mới giải quyết được bài toán doanh thu của công ty.”

Cũng trong trường hợp tương tự ông Đặng Thành Bửu, Giám đốc Công ty Sa Giang (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, hiện chi phí để đưa hàng hóa vào siêu thị là rất cao, tổng cộng lên tới 23% (gồm chiết khấu và lợi nhuận của siêu thị…). Trên thực tế, mức chi phí cao như vậy nhưng không phải DN nào cũng có thể đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. mọi việc sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi càng về cuối năm số doanh nghiệp đăng ký vào siêu thị càng nhiều.

Có thâm niên hơn mười năm sản xuất các mặt hàng gia vị, thực phẩm…, doanh nghiệp của chị Lê Thanh Thúy ở quận Bình Tân  vẫn “đau đáu” với giấc mơ sản phẩm của mình chen được “chân” vào hệ thống siêu thị. Bắt đầu từ tháng 6 chị phải chạy khắp nơi làm thủ tục để đáp ứng đủ loại giấy tờ của siêu thị nhằm bảo đảm những tiêu chuẩn hàng hóa, xuất xứ rõ ràng… để kịp cho mùa kinh doanh cuối năm.

Tuy vậy sau một thời gian dài chuẩn bị dường như thời điểm hiện tại doanh nghiệp này phần nào kiệt sức.

“Những yêu cầu từ phía siêu thị như giá cả  cạnh tranh, năng lực phát triển sản phẩm, sản lượng ổn định; rồi có các chiến dịch khuyến mãi, giảm giá, quảng bá truyền thông thương hiệu để tạo sức hút… thật sự nằm ngoài khả năng của công ty”. Chị Thúy chia sẻ.

Hàng Việt làm ra nhưng không thể đến với hệ thống phân phối không chỉ làm cho DN sản xuất thiệt thòi mà người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi từ những sản phẩm có chất lượng nhưng giá bán phải chăng.

Không chỉ các doanh nghiệp ở TP.HCM mà các doanh nghiệp ở các địa phương khác cũng tham gia vào cuộc đua đến kênh phân phối này. Đại diện Sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, toàn tỉnh có 70 HTX với hàng trăm sản phẩm nông sản, thủy sản nhưng chỉ có mặt hàng trứng của HTX Tam Phước và nhãn Xuồng Cơm Vàng là vào được siêu thị.

Nói về nguyên nhân dẫn đến hàng hóa địa phương khó vào siêu thị, đại diện một doanh nghiệp tại An Giang cho rằng, các sản phẩm của địa phương chưa có thương hiệu, chưa có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm; số lượng và chất lượng không ổn định; nuôi trồng theo quy mô nhỏ.

Đặc biệt là mức độ liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất, nuôi trồng và các cơ sở phân phối chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Như vậy hàng nội đã nhường lại suất vào siêu thị cho các nhãn hàng nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, ngoài những tiêu chuẩn thông thường, các nhà cung cấp trong nước nên đưa ra các sản phẩm có ưu điểm vượt trội về giá hoặc tính năng. Về phía siêu thị, vì số lượng quầy, kệ có hạn cho nên  không thể ngay lập tức thay thế những nhãn hàng doanh số ổn định. Ngoài ra, do sản phẩm không bảo đảm cung cấp một cách ổn định về chất lượng và số lượng cũng như các yếu tố cạnh tranh kèm theo nên siêu thị rất khó khăn trong hỗ trợ  lâu dài.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn được “đổ bộ” vào siêu thị để giải quyết bài toán doanh thu, hay quảng bá sản phẩm. tuy nhiên vào được đã khó nhưng để trụ lại cũng gian truân không kém. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã vào được siêu thị cũng phải rút lui sau một thời gian gồng gánh mệt mỏi.

Anh Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc  Công ty TNHH Hiệp Hòa Bình (Đồng Nai) chia sẻ: “Thời gian đầu tôi đưa vào siêu thị 5 mã hàng, nhưng bị loại chỉ còn lại 2 mã sản phẩm. Vào siêu thị đã khó nhưng giữ được chỗ đứng lâu dài còn khó hơn. DN đang phải gồng mình trước khó khăn vì doanh số bán hàng sụt giảm trong khi nhiều chi phí khác lại tăng”.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp các tỉnh kết nối được với nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định, trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động của chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa với các địa phương. Đồng thời bà Hồng cũng cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất địa phương tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối nhằm đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất – cung ứng – tiêu thụ hàng hóa.

Việt Lê

Ảnh: Đa số hàng hóa trong hệ thống siêu thị vẫn là hàng ngoại. Nguồn: Internet

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng nội “kiệt sức” trước cửa siêu thị