Những khách thuê diện tích lớn cho các khu trò chơi - giải trí, chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp đang phải vật lộn để duy trì diện tích thuê khi người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm ngân sách cho nhóm hàng và dịch vụ này.

Hậu COVID-19, khách thuê diện tích lớn đang chật vật từng ngày

07/07/2020, 20:27

Những khách thuê diện tích lớn cho các khu trò chơi - giải trí, chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp đang phải vật lộn để duy trì diện tích thuê khi người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm ngân sách cho nhóm hàng và dịch vụ này.

Thị trường bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Nhiều diện tích trung tâm thương mại trống sau đại dịch

Theo JLL Việt Nam, trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4.2020, tất cả các trung tâm thương mại tại TP.HCM đều phải đóng cửa tạm thời do thực hiện chính sách giãn cách xã hội. Sau giai đoạn này, hầu hết các trung tâm thương mại bắt đầu hoạt động trở lại nhưng với diện tích trống nhiều hơn, đặc biệt là các trung tâm thương mại vùng ven trung tâm.

Cụ thể, tỷ lệ trống trung bình ở TP.HCM tăng lên mức 30% trong quý 2/2020 và không có nguồn cung mới nào được ghi nhận. Một trung tâm mua sắm và một khối đế bán lẻ dự kiến hoàn thành trong quý cũng buộc phải trì hoãn khai trương do tỷ lệ lấp đầy thấp hơn mong đợi.

Đáng chú ý, những khách thuê diện tích lớn tại các khu trò chơi - giải trí, chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp đang phải vật lộn để duy trì diện tích thuê trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm ngân sách cho nhóm hàng và dịch vụ này.

Ngược lại, mảng bán lẻ thực phẩm và đồ uống trong các trung tâm thương mại ở TP.HCM có nhu cầu thuê tốt hơn và ghi nhận nhiều yêu cầu thuê trong quý 2. Theo quan sát của JLL, việc áp dụng chính sách giãn cách xã hội trong thời gian ngắn ở Việt Nam đã không thay đổi quá nhiều thói quen sử dụng dịch vụ ẩm thực. Điều này được chứng minh bởi lưu lượng khách hàng đang dần quay trở lại các nhà hàng và dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố.

Đặc biệt, giá thuê mặt bằng trong quý 2 không thay đổi nhiều so với quý trước và giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,4 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm và 38,5 USD/m2/tháng ở khu vực ngoài trung tâm. Một số chủ nhà trong quý này phải duy trì các chính sách hỗ trợ cho đến cuối tháng 5, bao gồm hỗ trợ giảm giá hoặc trì hoãn lịch thanh toán. Tuy nhiên, giá thuê vào tháng 6 đã trở lại như trước khi đại dịch bùng nổ.

Mặc dù giá thuê tăng trở lại khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, các nhà phát triển trung tâm thương mại nội địa nên xem xét lại mô hình cho thuê cố định truyền thống sang mô hình chia sẻ doanh thu để giúp chia sẻ rủi ro và tăng cường mối quan hệ giữa chủ nhà và khách thuê. Ngoài ra, về lâu dài, với sự tăng trưởng của thương mại điện tử, các trung tâm thương mại nên tái cấu trúc mô hình kinh doanh và đa dạng hóa ngành hàng, dịch vụ để giữ chân khách hàng cũng như tránh đi theo vết xe đổ ở các thị trường phát triển”, JLL nhìn nhận.

Văn phòng cho thuê cũng “ngấm đòn”

Không riêng gì mảng bán lẻ, JLL còn cho biết các văn phòng cao cấp, trung cấp ở TP.HCM cũng đang bắt đầu cảm thấy áp lực. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là nguồn khách thuê chính ở văn phòng hạng trung cấp đã giảm quy mô và sớm chấm dứt hợp đồng do các tác động của dịch COVID-19.

Thị trường văn phòng cao cấp mặc dù khả năng chịu đựng tốt hơn nhờ khách thuê là các công ty có tiềm lực tài chính tốt cũng đang phải chịu áp lực. Điều này được chứng minh bởi dấu hiệu chững lại từ nhu cầu mở rộng và thành lập mới của doanh nghiệp trong thời gian xảy ra đại dịch.

Mặc dù tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài, giá thuê văn phòng vẫn tiếp tục tăng trong 10 quý liên tiếp, khi đạt 30,9 USD/m2/tháng trong quý 2. Giá thuê tăng trung bình 3,1% theo quý và 8,5% theo năm vì phần lớn chủ nhà vẫn khá tự tin trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung trong hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 làm yếu nhu cầu thuê, các chính sách hỗ trợ khách hàng từ phía chủ nhà đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn trong quý này. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ giá thuê hoặc linh hoạt hóa hơn trong các điều khoản đàm phán.

JLL cho rằng viễn cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, đặc biệt dưới tác động của dịch COVID-19 nên khách thuê văn phòng hạng trung cấp, bình dân sẽ bị tác động trước và có thể kéo theo sau là khách thuê văn phòng cao cấp nếu tình hình dịch COVID-19 không được kiểm soát trên toàn cầu. Do đó, các tòa nhà có diện tích trống lớn, đặc biệt là ở các phân hạng thấp nên xem xét lại giá thuê và chiến lược cho thuê để duy trì tỷ lệ lấp đầy cần thiết.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu COVID-19, khách thuê diện tích lớn đang chật vật từng ngày