Gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 trong năm với mức giảm từ 0,2 - 0,5% nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý.
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng lớn thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 1.7, BIDV thông báo giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay. Đây là lần thứ 3 ngân hàng này hạ lãi suất trong năm nay, với tổng mức giảm là 2,5 - 3%.
Bên cạnh hạ lãi suất, BIDV cũng công bố gói tín dụng hỗ trợ khách hàng với quy mô lên tới 93.000 tỉ đồng và đã giải ngân trên 70.000 tỉ đồng cho 5.400 khách hàng với mức lãi suất đang áp dụng giảm 2%/năm so với lãi suất trước thời điểm dịch.
Tương tự, Agribank thông báo giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.
Agribank cho biết đến hết tháng 5.2020, ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí là 41.788 tỉ đồng. Ngoài ra, cho vay mới 42.458 tỉ đồng với 23.656 khách hàng và thực hiện hạ lãi suất cho hơn 54.000 khách hàng với số dư hạ lãi suất gần 40.000 tỉ đồng.
VietinBank thì thông báo triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất quý 3/2020 với quy mô 60.000 tỉ đồng và 600 triệu USD. Lãi suất cho vay với VND từ 4,3%/năm, và 2%/năm đối với USD, giảm 0,2 - 0,5% so với gói ưu đãi lãi suất quý 2.
Không kém cạnh, vừa qua, tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2020 ở TP.HCM, 16 ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh sau dịch COVID-19. Trong đó, Sacombank dành 1.000 tỉ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 6%/năm cho doanh nghiệp.
Trước đó, vào giữa tháng 6, ABBank cũng lần thứ 3 hạ lãi suất cho vay cá nhân xuống 6,8%. Ngân hàng này còn cung cấp gói vay cho nhóm khách hàng có nhu cầu kinh doanh đến hết 31.12 với lãi suất giảm 0,5%, xuống 7%/năm.
Vào cuối tháng 5, Vietcombank có chương trình giảm tiền lãi phải trả cho khách hàng trong giai đoạn 3, từ 15.5 đến hết 31.7 cho khoảng 85.000 khách hàng với dư nợ 64.000 tỉ đồng.
Đầu tháng 5, HDBank tung ra gói 10.000 tỉ đồng, lãi vay giảm 2 - 4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước. Nam A Bank giảm thêm 2 - 2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã 2 lần liên tục giảm lãi suất điều hành ở mức rất mạnh là 1,5%. Cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo rất kiên quyết các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận cũng như giảm lương thưởng để giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, kể cả các khoản vay hiện hữu cũng như các khoản cho vay mới đã được giảm khá mạnh.
Tính hết tháng 6, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỉ đồng. Ngân hàng còn miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỉ đồng, Trong khi đó, cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỉ đồng, xấp xỉ 240.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch.
Chia sẻ định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế. Cơ quan này cũng sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay và đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống.
Phan Diệu