Thức ăn nhanh, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại cổng trường, gốc phố luôn tìm ẩn những nguy hại về sức khỏe. Thế nhưng, gạt ngoài tai những hiểm họa đó, cứ đến giờ tan trường là những em học sinh, sinh viên lại vô tư vây quanh những gian hàng này để chọn mua cho mình những món ăn ưa thích như hộp bánh tráng trộn, xâu bò viên chiên hoặc là ly trà sữa…
“Thấy ngon thì ăn thôi”!
Dạo một vòng quanh các điểm trường học, góc đường trên địa bàn TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau), không quá khó để chúng tôi tìm thấy những gian hàng bán bánh tráng trộn, trà sữa trân châu hoặc bò viên chiên… Đây được xem là những món ăn ưa thích của học sinh, sinh viên hiện nay. Qua ghi nhận của PV, hầu hết những món ăn này được bán tràn lan và được bày biện sẵn ở quầy, tủ hàng của người kinh doanh.
Khi có người mua, chọn lựa món ăn, thì họ chỉ việc lấy ra sơ chế, rồi sau đó cho thức ăn vào hộp để giao cho thực khách. Hình ảnh, những mẫu bánh tráng như một đống hỗn độn được bỏ bừa trong các túi nilon lớn, bên ngoài chẳng có bất cứ bao bì, hình ảnh nào để chứng minh về nguồn gốc xuất xứ, cũng như hạn sử dụng.
Em L.T.A., sinh viên Trường đại học Bạc Liêu, cho biết: “Em rất thích ăn quà vặt, nhất là món bánh tráng trộn. Những khi đến lớp hoặc lúc tan trường em và các bạn cùng lớp mỗi đứa mua một món ăn khác nhau, riêng em thì bánh tráng trộn muôn thuở. Sau đó, vào lớp ngồi tụm năm tụm bảy lại để cùng ăn. Đây là những món ăn rất rẻ nên hợp túi tiền đối với sinh viên tụi em”.
Nguồn gốc xuất xứ? Bạn A. nở nụ cười xuề, và cho rằng: “Thú thật, bọn em thấy món nào ngon, hợp khẩu vị thì mua ăn thôi, chứ đó giờ cũng không quan tâm lắm đến vấn đề nguồn gốc, hạn sử dụng. Em nghĩ, người bán sẽ không bán cho mình những hàng hóa mà không có nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng đâu. Nói chung là em ăn món này lâu rồi và thấy bình thường à, không vấn đề gì xảy ra hết”.
Em N.N.N., học sinh mộttrường THPT trên địa bàn TP.Bạc Liêu, chia sẻ: “Em rất thích món bò viên chiên, hôm nào tan trường em cũng thưởng thức món ăn này. Những món ăn đường phố không quá đắt, chỉ cần 5.000 - 10.000 đồng là có món ngon để thưởng thức rồi. Còn chuyện những món ăn này được chế biến như thế nào, có nguồn gốc từ đâu thì em không rõ, chúng em ít quan tâm lắm, thấy ngon là mua ăn thôi”.
Những hộp bánh tráng đã trộn sẵn được bày bán tại mộtquán cà phê - Ảnh: Anh Duy
Theo quan sát của chúng tôi tại các điểm bán hàng, thì tất cả các sản phẩm này đều không có bất kỳ nhãn mác nào để chứng minh những loại thức ăn này đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. “Chúng em ăn rất nhiều món khoái khẩu ở lề đường, những món này rất ngon và ăn nhiều rồi cũng không thấy có vấn đề gì về sức khỏe, nên chúng em rất an tâm.
Duy chỉ có điều mà tụi em băn khoăn đó là, bánh tráng được cắt sợi, rồi bỏ vào túi, khi bán thì lấy ra trộn gia vị, xong bỏ vào hộp thôi chứ không thấy hạn sử dụng, cũng như nguồn gốc. Chẳng biết về lâu dài, có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không nữa”, em P.N.H., sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu nêu ý kiến.
Thực hư ly trà sữa “nhà làm”?
Trời mưa, chúng tôi tạt vào mộtquán trà sữa ven đường, trên địa bàn P.2, TP.Bạc Liêu. Khách hàng quen thuộc tại đây đều là học sinh, sinh viên. Chị chủ quán tươi cười: “Em cứ vào đi, bên trong còn chỗ. Uống trà sữa ở đây, em yên tâm về giá cả và chất lượng. Vì tất cả chị đều làm ở nhà cả, nên rất sạch sẽ. Ở đây, quân bình mỗi ngày chị bán trên trăm ly đấy, khách hàng của chị chủ yếu là học sinh”.
Sau khi thưởng thức xong ly trà sữa trân châu mà chị chủ quán giới thiệu là món ăn nhà làm, khi tính tiền, PV vờ hỏi: “Công nhận trà sữa ở đây ngon thiệt, đặc biệt là những viên trân châu có vị ngọt vài dai dai rất ngon, còn thạch thì mềm thơm, nói chung là ly trà sữa rất đặc biệt. Tất cả những gia vị trong ly đều làm ở nhà hả chị?”. Lúc này, chị chủ quán vẫn nhiệt tình: “Ừ, nhà làm cả em”.
Chị chủ quán vội nói tiếp: “Nguyên liệu thì chị mua ở chợ đem về rồi chế biến rất sạch sẽ trước khi bán cho thực khách. Nhà làm là chị mua về nhà, chị chế biến thôi. Chẳng hạn, thạch bánh plan, sương sáo hay trân châu thì những loại này mua ở tiệm tạp hóa rồi về sơ chế mới ra sản phẩm được. Chứ thời gian đâu mà làm thạch xanh xanh đỏ đỏ, rồi vò tuần viên trân châu hả em? Những thứ đó, ra chợ rất nhiều, mà giá cả thì… bình dân lắm”, chị chủ quán trà sữa, cho biết.
PV tiếp tục tìm đến các tiệm tạp hóa tại chợ P.3, TP.Bạc Liêu. Tại đây, PV nhận được sự giới thiệu của rất nhiều chủ tiệm về mẫu mã hàng hóa, nguyên liệu dùng để chế biến trà sữa, với giá rất rẻ. Theo ghi nhận, nguyên liệu làm trà sữa như thạch trái cây, hạt trân châu có giá bán chỉ vài chục ngàn mỗi ký.
Khi hỏi về nguồn gốc sản phẩm, thì chủ mộtcửa hàng tạp hóa ở ngôi chợ này cho biết: “Có nguồn gốc hết, chúng tôi toàn kinh doanh những mặt hàng đạt tiêu chuẩn”. Tuy nhiên, khi chúng tôi nghi ngờ về giá cả thì chủ cửa hàng nói, giá nêm yết như thế nào thì bán thế ấy.
Thầy L. đang công tác tại mộttrường trung học trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhận xét: “Phải nói rằng, học sinh, sinh viên hiện nay rất mê quà bánh, thức ăn nhanh. Tôi không bàn đến việc ngon hay không ngon, vì ngon thì các em mới chọn mua và sử dụng. Nhưng về vấn đề nguồn gốc và sức khỏe thì chúng ta cần lưu ý, bởi những sản phẩm này có thể không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng liền, nhưng về lâu về dài thì rất khó xác định được”.
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng - Ảnh: Anh Duy
Theo thầy L., những sản phẩm thức ăn nhanh như, bò viên, cá viên, xúc xích… hiện được bày bán tràn lan ở chợ. Thậm chí, có những mặt hàng chỉ đóng gói mà không có bất kỳ nhãn mác nào vẫnbán rất chạy và hút khách.
“Tôi lấy ví dụ như xúc xích, bò viên… anh ra chợ hỏi mua bao nhiêu mà không có, mà giá rất rẻ, những loại này được bày bán rất nhiều ở các điểm trường học và được người bán chiên trong chảo dầu đục ngầu, rất nguy hại về sức khỏe. Bởi thế, trong các buổi sinh hoạt cuối tuần, chúng tôi thường đề cập đến mối nguy hại của thức ăn đường phố để khuyên bảo các em, không nên ăn những thực phẩm này”, thầy L. thông tin thêm.
Với việc bày bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan như hiện nay tại các điểm trường học, góc đường, thì ngành chức năng địa phương cần vào cuộc để kiểm tra, lấy mẫu kiểm định để đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi cung cấp đến người tiêu dùng, cần xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng không hợp vệ sinh, kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đối với học sinh, sinh viên, các em cần xác định rõ những thực phẩm nào tốt, có lợi cho sức khỏe thì hãy mua sử dụng. Tuyệt đối không nên ăn những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc như thế nào. Có như thế, thì tình trạng bày bán thức ăn nhanh, kém chất lượng mới được đẩy lùi.
Anh Duy