Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã đến Trung Quốc để chuẩn bị 3 trận giao hữu chất lượng trước khi bước vào giai đoạn quyết định: Vòng loại thứ nhì World Cup 2026 khu vực châu Á.

HLV Philippe Troussier với thời gian thử nghiệm dần cạn

Đặng Hoàng | 08/10/2023, 16:50

Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã đến Trung Quốc để chuẩn bị 3 trận giao hữu chất lượng trước khi bước vào giai đoạn quyết định: Vòng loại thứ nhì World Cup 2026 khu vực châu Á.

Hai trong số 3 trận giao hữu chính thức trong đợt FIFA Days là với Trung Quốc (ngày 10.10) và Hàn Quốc (17.10). Trận còn lại gặp Uzbekistan (13.10) sẽ là trận đấu kín, không ảnh hưởng đến điểm số trên bảng xếp hạng FIFA, vì theo quy định, các đội tuyển quốc gia không được thi đấu quá 3 trận giao hữu quốc tế trong dịp FIFA Days.

Mới và cũ

Quan điểm của HLV Philippe Troussier từ khi ông làm việc ở Việt Nam từ tháng 3 đến nay rất rõ ràng và kiên định: Đội tuyển quốc gia là hòa quyện giữa các cựu binh và tân binh với đa số cầu thủ được tuyển chọn và trui rèn qua các giải U: 20, 22+3, 23, 23+3 cùng 3 trận giao hữu đều thắng trước Hồng Kông, Syria và Palestine.

Từ các giải trẻ ở các giải đấu giao hữu cũng như chính thức và với cả 3 trận giao hữu của đội tuyển quốc gia, tất cả đều thể hiện triết lý của ông Troussier, triết lý về một lối chơi kiểm soát bóng rất rõ ràng.

Ông Troussier cũng nhiều lần tuyên bố cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở, và trước ngày đi Trung Quốc, khi công bố danh sách 28 tuyển thủ, ông Troussier nhấn mạnh, ông tuyển chọn cầu thủ dựa trên phong độ hiện tại, hoàn toàn không triệu tập rồi tuyển chọn theo danh tiếng quá khứ.

Đó cũng là lý do ông Troussier đã tạo điều kiện cho những cầu thủ trẻ và mới như Thái Sơn, Tuấn Tài, Văn Tùng, Văn Khang, Văn Toản, Minh Trọng, Tuấn Dương ra sân thi đấu, trong đó Thái Sơn được ra sân thi đấu với thời gian tương đương các cựu binh.

Đây cũng là điều giải thích việc những cầu thủ tên tuổi vắng mặt như Công Phượng (Yokohama FC); Thành Chung, Văn Quyết (Hà Nội); Văn Thanh, Tấn Tài (CAHN); Hồng Duy, Nguyên Mạnh (Nam Định). Đáng tiếc nhất là do chấn thương, nên Văn Hậu (CAHN) vắng mặt trong đợt tập trung với 3 trận giao hữu quan trọng này.

Thế nhưng những hạt nhân, những cầu thủ được nhìn nhận là chất lượng nhất hiện nay của BĐVN như thủ môn Văn Lâm; hậu vệ Duy Mạnh, Ngọc Hải, Thanh Bình; tiền vệ Hoàng Đức, Tuấn Anh, Hùng Dũng, Quang Hải; tiền đạo Tuấn Hải… vẫn được trọng dụng.

Chất mới của đội tuyển Việt Nam lúc này lại là những cầu thủ chỉ thi đấu ở giải Hạng nhất, nếu có khoác áo các CLB V-League thì cũng thường xuyên ngồi ghế dự bị. Đó chính là sự khác biệt không mấy lạc quan của “mới ngày nay” so với “mới đầu năm 2018” - những chàng trai trẻ Việt Nam hạng nhì giải U.23 châu Á 2018 với những tên tuổi mới ở cấp đội tuyển Việt Nam nhưng đã là những cầu thủ trụ cột của các CLB ở V-League.

Đây cũng là vấn đề nan giải dành cho ông Troussier nói riêng và BĐVN nói chung khi làn sóng mới chỉ thi đấu tròn vai, trong đó rất ít tìm được tiếng nói chung với các đàn anh, còn đa số đều non kinh nghiệm, yếu bản lĩnh, thậm chí về chuyên môn cũng chưa có ai nổi bật.

Trong khi đó “thế hệ mới” nổi lên từ 2018 nhưng đến nay họ chưa già, ngược lại họ đang ở đội tuổi đẹp của đời cầu thủ chuyên nghiệp như Hoàng Đức, Tuấn Hải (25 tuổi); Quang Hải, Tiến Linh (26); Duy Mạnh (27); Tuấn Anh (28). Bên cạnh đó, ở tuổi 23 - 24 nhưng Văn Hậu, Việt Anh, Thanh Bình đã khẳng định giá trị đỉnh cao trong môi trường BĐVN. Ngay cả Hùng Dũng, Ngọc Hải, Văn Lâm tuy ở ngưỡng "già", nhưng cả ba đều cho thấy họ vẫn còn khả năng thi đấu đỉnh cao vài ba năm nữa.

Thời gian không đợi một ai

Triết lý của ông Troussier về đội tuyển Việt Nam cần trẻ hóa, cần thay đổi lối chơi từ phòng ngự phản công qua kiểm soát bóng và được VFF ủng hộ tuyệt đối là hoàn toàn đúng.

Quá trình chuyển đổi trong 6 tháng qua đã có dấu hiệu tích cực nhưng cũng đủ để cho thấy thế hệ mới chưa tạo được làn gió mới. Những tân binh vẫn cần sự dìu dắt của các đàn anh.

Vậy mà ông Troussier chỉ còn đợt tập huấn này để kết thúc giai đoạn thử nghiệm, lắp ghép cho dù tương lai đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ phải đổi mới và hoàn thiện hơn triết lý của lối chơi kiểm soát bóng.

Dẫu biết rằng, đội tuyển của bất kỳ quốc gia nào sau giai đoạn thăng hoa sẽ đến lúc phải đi xuống. Quan trọng là không để tuột dốc rồi không thể lên dốc trở lại. Thực tế này đã được chứng minh trên toàn thế giới, đặc biệt đối với những nền bóng đá không thật sự mạnh.

Hy Lạp là điển hình. Sau khi làm nổ tung châu Âu với chức vô địch Euro 2004, bóng đá Hy Lạp đã mất hút trên mọi đấu trường từ cấp đội tuyển cho đến câu lạc bộ, từ giải châu Âu cho đến World Cup.

Hay như Costa Rica đứng đầu bảng tử thần ở World Cup 2014 khi xếp trên Uruguay, Ý, Anh và chỉ bị Hà Lan loại ở tứ kết trên chấm luân lưu 11m khi hòa 0-0 sau 120 phút thi đấu, nhưng sau đó Costa Rica cũng trở về với năng lực, trình độ thật của họ.

Tương tự là Iceland tại Euro 2016, sau khi thắng Anh 2-1 để vào tứ kết và thua chủ nhà Pháp, thì họ cũng quay về với vị trí thực của họ.

Có nghĩa, trình độ, đẳng cấp ở môn bóng đá là sự khẳng định cả quá trình dài lâu, do đó không thể vội vã đánh giá về sự tiến bộ hay thụt lùi của một nền bóng đá qua một, hai thành tích đột biến ở những giải chính thức dành cho đội tuyển quốc gia.

Nhắc - nhớ về sự trồi sụt này của thế giới bóng đá để nhìn lại BĐVN. Thật ra dưới thời HLV Park Hang-seo được coi là thành công nhất thì BĐVN cũng chỉ có một danh hiệu vô địch AFF Cup 2018 và vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, thành tích tốt nhất trong lịch sử BĐVN.

Trong khi đó đội tuyển Việt Nam đã 2 lần thua Thái Lan ở AFF Cup 2020 và 2022, hai giải mà Thái Lan là nhà vô địch, một quốc gia mà Thai-League hơn hẳn V-League về mọi mặt.

Đánh giá sức mạnh của môt nền bóng đá chỉ dựa vào 2 tiêu chí là giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia. Còn thành tích các đội tuyển U quốc gia từ 17 - 23, từ Đông Nam Á, qua châu Á cho đến World Cup, tất cả chỉ mang tính tham khảo và là nơi phát hiện, bổ sung lên đội tuyển quốc gia.

Nhìn thẳng và soi lại mình mới thấy BĐVN sau giai đoạn lên cao thời HLV Park Hang-seo đã đến thời kỳ đi xuống của thời HLV Philippe Troussier mà nếu không quyết liệt đầu tư, định hướng đúng, đi đúng thì không loại trừ khả năng BĐVN khó có thể làm hơn được so với giai đoạn 2018-2022 đã giúp cho BĐVN có vị thế mới ở Đông Nam Á cũng như là châu Á.

Khó cho ông Troussier là đây khi mà giờ G vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á đã đến rất gần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
HLV Philippe Troussier với thời gian thử nghiệm dần cạn