Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến bày tỏ, việc tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao “là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều lãnh đạo và chính bản thân tôi. Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình và tiếp tục có giải pháp”.
Tỷ lệ nghèo còn cao, trách nhiệm Bộ trưởng ở đâu?
Sáng 13.8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước và đâu là trách nhiệm của Bộ trưởng và Uỷ ban Dân tộc miền núi?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến bày tỏ “đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều lãnh đạo và chính bản thân tôi”. Uỷ ban tham mưu ban hành quyết định 2085 ngày 31.10.2016 về chính sách đặc thù nhằm giải quyết 4 vấn đề: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.
“Hỗ trợ giúp đỡ đồng bào là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với trách nhiệm của mình, là cơ quan tham mưu chính, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm và tiếp tục có giải pháp”, ông Chiến nói.
Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp sơ bộ là: Phát triển đồng bộ hạ tầng như giao thông và thông tin. Phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi. Tiếp theo là tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư. Riêng Tây Nguyên có 19.000 hộ cần ổn định dân cư. Bà con sản xuất được nhưng chưa vươn ra được thị trường, do đó cần kết nối cho bà con; tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), các chương trình dự án đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi có nhiều nội dung chồng chéo, dẫn đến phân tán nguồn lực, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đồng bào di cư vào Tây Nguyên hiện không có giấy tờ tuỳ thân, khó khăn tiếp cận học tập.
Nêu giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện nay có 13 nhóm chính sách phân công cho 14 bộ chủ trì. Bộ đôn đốc còn địa phương tập trung triển khai. “Do đó, tốt hay chưa tốt có trách nhiệm của Bộ nhưng vai trò chính là ở địa phương”, ông Chiến nói.
Bộ trưởng Chiến cho rằngphải có nghiên cứu tầm quốc gia để giải quyết cho 14 triệu đồng bào có đời sống tốt hơn, bởi đây là vùng có vị trí chiến lược. Hiện ủy ban hoạt động là cơ quan ngang Bộ, không phải là Bộ nhưng thực hiện quản lý Nhà nước. Do đó, nếu không thành lập được Bộ thì đề nghị cấp có thẩm quyền để ủy ban hoạt động trở lại đúng nghĩa là ủy ban.
Trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng đề cập, có tình trạng đồng bào dựa dẫm và không muốn ra khỏi diện hộ nghèo. Các đại biểu đi tiếp xúc cử tri có thể thấy rõ việc này.
Giải pháp là cần nghiên cứu tích hợp các chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong 10 năm để đầu tư thỏa đáng; tăng vay ưu đãi, giảm cho không. Ngoài ra, Bộ trưởng gợi ý nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, ví dụ đầu tư xong thì 3 năm phải giảm nghèo, 5 năm phải thoát nghèo, như kinh nghiệm ở Quảng Ngãi…
Xu hướng tái mù chữ gia tăng
ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về giáo dục khu vực miền núi. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, tuy nhiên, so với yêu cầu hiện vẫn rất khó khăn. Cơ sở vật chất trang thiết bị đến nay nhiều địa phương chưa được 50% kiên cố, còn nhiều thiết bị hỏng. Trẻ xa trường lớp nên có hiện tượng bỏ học.
Bộ trưởng cho rằng dù tinh giản đầu mối nhưng phải đảm bảo điều kiện dạy và học cho trò và thầy. Chính phủ có quyết định vẫn đảm bảo giáo viên trong cơ số. Hiện một số tỉnh giáo viên mầm non rất ít, vậy biên chế giáo viên cho một lớp ở nhiều tỉnh còn khó khăn, trong 3 năm không thay đổi.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện tượng tái mù chữ là có. Tỷ lệ mù chữ cách đây 3 năm có khảo sát sơ bộ, xu hướng tái mù gia tăng. Số liệu cần rà soát lại để nắm con số thật.Hiện Bộ đang rà soát, dạy song ngữ. Với cấp 1 thì tiếng Việt cần tăng cường, từ đó hạn chế bỏ học và tiếp cận học tốt hơn; Kiến nghị Chính phủ cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn.
“Còn về sách giáo khoa không chỉ với đồng bào mà nhìn chung nhiều địa phương khi thay đổi chương trình, từ cách tiếp cận, phương pháp thực hiện cần sự đồng bộ về giáo viên, cơ sở vật chất. Do đó vùng miền núi khó khăn rất nhiều, cần có tính toán hỗ trợ sách giáo khoa địa phương, biên soạn tài liệu phù hợp. Đây là vấn đề khó và chúng tôi đang rà soát”, Bộ trưởng nêu.
Về dồn các điểm trường, bộ trưởng cho biết đang hướng dẫn các tỉnh dồn điểm lẻ thành điểm chính, đảm bảo các cháu tiểu học gần nhà; khuyến khích trường phổ thông dân tộc nội trú hiệu quả. Học sinh nội trú có thể sống chung trong ký túc để chia sẻ, học tập với nhau. Việc sắp xếp trường bán trú, điểm trường trong hệ thống thì Bộ đang hướng dẫn.
Về chính sách cử tuyển, giai đoạn trước phát huy cao, cử được người rất tốt, nhưng gần đây xem ra không hiệu quả. Khi học xong về không bố trí được việc làm. Cử đi chưa trúng, chất lượng học của cán bộ này chưa phải cao, khi cử đi và sử dụng không khớp với nhau nên về không có việc.
Hiện nay, nhiều học sinh dân tộc khôngdiện cử tuyển và giỏi nếu đi học về thì bình đẳng khi tìm việc. Do đó, cần cử người thực sự gắn với đầu ra; có thể liên tỉnh có trường để người đó ra thực sự là hạt giống về phục vụ cho địa phương.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng vẫn cử tuyển nhưng phải đúng đối tượng, tránh ưu tiên cho con cán bộ, tập trung ở một số dân tộc ít người và 3 dân tộc chưa có người học đại học. Việc cử tuyển phải qua dự bị chứ không tiến hành như hiện nay. “Cần ưu tiên, cử tuyển nhưng không châm trước về trình độ, chí ít cũng phải một 8 một 10 chứ yếu quá thì cũng không thể học được, mà học thì cũng không hành được”.
Trí Lâm