Tín hiệu đáng khích lệ là năm 2019 đã có 24 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước (tương ứng với nhóm A - điểm xếp hạng từ 75-100), trong khi năm 2018 chỉ có có 6 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách tỉnh; 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ và 3 tỉnh ít công khai.
Ngày 8.7.2020 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức Hội thảo Công bố Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2019. Đây là khảo sát nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước” do Oxfam Việt Nam và Viện KAS tại Việt Nam tài trợ.
Kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65.55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 là 30.5 điểm.
“Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018”, báo cáo nhận định.
Theo đó, tín hiệu đáng khích lệ là năm 2019 đã có 24 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước (tương ứng với nhóm A - điểm xếp hạng từ 75-100), trong khi năm 2018 chỉ có có 6 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách tỉnh.
Ngoài ra, có 27 tỉnh công khai tương đối, thuộc nhóm B (điểm xếp hạng từ 50 đến dưới 75 điểm); 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ (nhóm C, điểm xếp hạng từ 25 đến dưới 75) và chỉ có 3 tỉnh ít công khai là Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.
Như vậy, đối với 2019, đã có 51 trong tổng số 63 tỉnh thành có mức điểm trên trung bình, trong khi con số này trong năm 2018 chỉ là 31 tỉnh. Điều này cho thấy nỗ lực rõ rệt trong việc cải thiện công khai minh bạch ngân sách của các địa phương.
POBI 2019 tiếp tục cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77,16 và 73,81 điểm, tiếp theo đó là vùng Tây Nguyên (70,27 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (68,24 điểm).
Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 52,62 điểm, tiếp đó là Đồng bằng sông Cửu Long (58,7 điểm) và khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ với 63,5 điểm.
Kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy, mức độ công khai dự thảo dự toán ngân sách năm 2020 trình HĐND tỉnh tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Số tỉnh công khai tài liệu này trong POBI 2019 là 54 tỉnh, so với 47 tỉnh trong POBI 2018.
Ngoài ra, tính kịp thời và tính đẩy đủ của tài liệu này được cải thiện nhiều so với năm 2018. Số tỉnh công bố đúng hạn tăng từ 29 tỉnh (46%) lên 36 tỉnh (57,14%).
Dự toán ngân sách được HĐND tỉnh quyết định vẫn tiếp tục là nhóm tài liệu được công khai nhiều trong số các loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai, mặc dù chỉ có 58 tỉnh (92,06%) tỉnh có công khai tài liệu này, ít hơn 1 tỉnh so với kết quả trong POBI 2018.
Số tỉnh công bố đúng hạn là 35 tỉnh (55,56%), ít hơn so với POBI 2018 là 39 tỉnh (61,9%), số tỉnh công bố đầy đủ 13 bảng biểu của dự thảo dự toán trình HĐND tỉnh tăng từ 16 tỉnh (25,4%) lên 27 tỉnh (42,86%).
Quyết toán ngân sách tỉnh năm 2018 là tài liệu ngân sách có số lượng các tỉnh công bố công khai tương đối cao. Kết quả khảo sát cho thấy có 57/63 tỉnh thành (tương đương 90,48%) có công bố công khai loại tài liệu này. Quyết toán ngân sách tỉnh năm 2018 cũng là loại tài liệu có tỉ lệ các tỉnh công bố đúng thời hạn tương đối cao.
Có 40 tỉnh (tương đương 63,49%) công bố tài liệu này trong vòng 30 ngày sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán ngân sách tỉnh năm 2017, đúng thời hạn quy định của Thông tư 343. Có 6 tỉnh (tương đương 9,52%) công khai kể từ ngày thứ 31 đến ngày thứ 60, và 11 tỉnh (tương đương 17,46%) công khai chậm hơn 60 ngày hoặc không xác định được chính xác thời điểm công khai.
Ngoài ra, POBI 2019 cũng chấm điểm về việc công khai Báo cáo tình hình nợ công của tỉnh trong năm 2019. Có 31 tỉnh (tương đương 49,21%) công bố tài liệu này. Trong số đó có 28 tỉnh (tương đương 44,44%) công bố tài liệu đi kèm với ngày công khai, 3 tỉnh còn lại (tương đương 4,76%) có công bố tài liệu nhưng không đi kèm với ngày công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, HĐND tỉnh và Sở Tài chính tỉnh.
Về tính dễ tiếp cận, đối với các tỉnh có thư mục riêng về công khai ngân sách, có 58 tỉnh phân chia cụ thể thư mục riêng về công khai ngân sách theo tài liệu hoặc theo năm và có nội dung cập nhật. Có 1 tỉnh phân chia nội dung trong thư mục riêng về công khai ngân sách theo tài liệu hoặc theo năm nhưng không cập nhật nội dung, đó là Cà Mau.
Có 2 tỉnh không phân chia cụ thể thư mục riêng về công khai ngân sách theo tài liệu hoặc theo năm nhưng vẫn có tài liệu, là Cần Thơ, và Ninh Thuận.
Lam Thanh