Web Summit, hội nghị công nghệ thường niên lớn nhất châu Âu, sẽ diễn ra từ ngày 11.11 đến 14.11 ở Lisbon (thủ đô Bồ Đào Nha), nơi các nhà lãnh đạo ngành và nhà làm luật sẽ cân nhắc những ưu và nhược điểm từ việc ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Thế giới số

Hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu: Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và Elon Musk là chủ đề thảo luận chính

Sơn Vân 11/11/2024 16:38

Web Summit, hội nghị công nghệ thường niên lớn nhất châu Âu, sẽ diễn ra từ ngày 11.11 đến 14.11 ở Lisbon (thủ đô Bồ Đào Nha), nơi các nhà lãnh đạo ngành và nhà làm luật sẽ cân nhắc những ưu và nhược điểm từ việc ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Lãnh đạo Apple, Microsoft và Meta Platforms sẽ tham gia cùng các quan chức cấp cao từ châu Âu để tranh luận về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI), quy định về phương tiện truyền thông xã hội và tác động mà nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Trump có thể gây ra cho lục địa này.

Trước đó, Trump hứa rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh giữa Ukraine và Nga trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Không lâu sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, hai quan chức chính phủ cấp cao của Ukraine là Alex Bornyakov và Mykhailo Fedorov sẽ lên sân khấu Web Summit để thảo luận về cách đất nước này tiếp tục đổi mới khi đối mặt với xung đột.

John Adam, Giám đốc về doanh thu tại công ty phát triển phần mềm Aimsoftpro, là một trong những người tham dự Web Summit. Khoảng 70% lực lượng lao động của Aimsoftpro vẫn còn ở Ukraine, phần còn lại đã di dời khắp châu Âu sau khi cuộc chiến với Nga nổ ra vào năm 2022.

“Có nhiều cảm xúc lẫn lộn vì cách tiếp cận của ông Trump dường như tập trung hơn vào những điểm nóng hiện tại của cuộc xung đột. Đây không phải là kịch bản lý tưởng cho Ukraine và có sự miễn cưỡng chấp nhận điều đó. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn có một điểm dừng cho cuộc chiến này”, John Adam nói.

Yếu tố X

Dù dự kiến sẽ không tham dự Web Summit, Elon Musk (tỷ phú công nghệ hỗ trợ rất nhiều giúp ông Trump đắc cử) sẽ là chủ đề thường xuyên, từ vai trò của ông tại Ukraine thông qua dịch vụ internet vệ tinh Starlink cho đến thành công với công ty thám hiểm không gian SpaceX và việc quản lý nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) gây tranh cãi.

Một hội thảo sẽ tranh luận về cách châu Âu có thể phát triển đối thủ cạnh tranh với SpaceX. Một hội thảo khác sẽ xem xét liệu Elon Musk có "hủy hoại X" hay không.

Từ bỏ vai trò là người phát ngôn trên thực tế của X và là người đứng đầu bộ phận kinh doanh vào tháng 6, Joe Benarroch sẽ tham gia hội thảo có tiêu đề "Cần làm gì với phương tiện truyền thông xã hội?".

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng buộc các nền tảng trực tuyến phải kiểm duyệt nội dung có hại, việc ông Trump đắc cử có thể khiến họ giảm bớt nỗ lực này, theo Mark Weinstein - người sáng lập nền tảng truyền thông xã hội tập trung vào quyền riêng tư MeWe. Mark Weinstein sẽ chia sẻ sân khấu với Joe Benarroch vào ngày 13.11 tới.

"Trong lịch sử, ông Trump đã chỉ trích gay gắt hoạt động kiểm duyệt trực tuyến. Để tránh bị trả đũa chính trị, các mạng xã hội lớn có thể tiếp tục xu hướng trở nên dễ dãi hơn với những nội dung mà họ cho phép trên nền tảng của mình", Mark Weinstein nói.

hoi-nghi-cong-nghe-lon-nhat-chau-au-ong-trump-dac-cu-tong-thong-my-va-elon-musk-la-chu-de-chinh.jpg
Web Summit, hội nghị công nghệ thường niên lớn nhất châu Âu, sẽ diễn ra từ ngày 11.11 đến 14.11 ở Lisbon - Ảnh: Reuters

Trump từng công kích Google và Meta Platforms trong nhiều năm, nên việc ông đắc cử tổng thống có vẻ là tiêu cực với hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ này.

Trump chỉ trích Google trong suốt chiến dịch tranh cử thứ hai của mình, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ "gian lận" vì không hiển thị những câu chuyện tích cực về ông khi người dùng tìm kiếm. Trump nói rằng Google "rất tệ" với ông và gợi ý rằng sẽ "làm gì đó" với quyền lực của công ty này.

Vào tháng 9, ông Trump đã gia tăng mối bất hòa của mình với Google bằng cách đe dọa sẽ ra lệnh cho Bộ Tư pháp Mỹ truy tố hãng này "ở mức tối đa" trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Ông Trump cáo buộc Google có hành vi bất hợp pháp và can thiệp vào cuộc bầu cử bằng những câu chuyện mà họ hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của mình.

Bộ Tư pháp Mỹ thường hoạt động độc lập với tổng thống. Ông Trump nói trong chiến dịch tranh cử rằng hệ thống tư pháp hình sự đã bị vũ khí hóa chống lại ông và đe dọa sẽ làm điều tương tự với các đối thủ chính trị của mình.

Sự thay đổi phá vỡ chuẩn mực này có thể gây ra thêm nhiều vấn đề pháp lý cho những Big Tech như Google, nếu ông Trump thực hiện đúng lời hứa của mình.

Trong hồ sơ tòa án hôm 8.10, Mỹ cho biết đang xem xét yêu cầu của một thẩm phán buộc Google phải bán bớt các bộ phận kinh doanh đã giúp gã khổng lồ công nghệ duy trì thế độc quyền bất hợp pháp ở lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Các công tố viên cho biết những hành động như vậy nằm trong số những biện pháp có thể đề xuất trong vụ kiện quan trọng này. Đây là vụ án có khả năng định hình lại cách người Mỹ tìm kiếm thông tin trên internet sau khi Thẩm phán liên bang Amit Mehta hôm 5.8 phán quyết rằng Google vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới. Google xử lý 90% các tìm kiếm trên internet ở Mỹ.

Các biện pháp khắc phục cụ thể của thẩm phán với phán quyết, mà Google có thể kháng cáo, vẫn chưa được biết đến. Ông Trump chỉ trích Google trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg hôm 15.10. Thế nhưng, Trump thừa nhận Google có sức mạnh và từ chối nói ông ủng hộ việc chia tách công ty này.

Khi được hỏi "Google có nên bị chia tách không?", Trump cho biết Google có "nhiều quyền lực" và ông sẽ "làm điều gì đó" về vấn đề này nhưng không đến mức ủng hộ việc chia tách công ty.

"Họ đối xử rất tệ với tôi", Trump nói, cáo buộc rằng gã khổng lồ tìm kiếm này đã "gian lận" và không đưa ra những câu chuyện tích cực về ông. Cựu Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông đã gọi điện cho lãnh đạo Google để bày tỏ mối quan ngại của mình.

Thế nhưng, các vấn đề chống độc quyền liên quan đến Google khó khăn hơn để xem xét, ông Trump cho biết.

"Tôi dành cho Google rất nhiều sự tín nhiệm, họ đã trở thành một thế lực lớn. Bạn biết đấy, cách họ trở thành một thế lực là chủ đề đáng bàn luận. Việc có các công ty lớn mạnh như Google là cần thiết cho nước Mỹ. Chúng ta không muốn Trung Quốc có những công ty tương tự. Hiện tại, Trung Quốc sợ Google", ông Trump nói.

Tin vui khác cho Google là ông Trump có thể bãi bỏ các quy định và quy tắc với doanh nghiệp, điều này có thể có lợi cho gã khổng lồ tìm kiếm.

Alphabet (công ty mẹ Google) sở hữu Waymo, hãng xe tự lái có thể được hưởng lợi từ việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Những dấu hiệu nhỏ về việc thực thi luật chống độc quyền nhẹ hơn cũng có thể giúp ích cho Google, vốn đang đối mặt hàng loạt vụ kiện.

"Quy định về xe tự lái có thể được nới lỏng và các nhà đầu tư có thể hy vọng áp lực từ Bộ Tư pháp Mỹ có thể giảm bớt", Stefan Slowinski, nhà phân tích của hãng BNP Paribas Exane, viết trong lưu ý gửi cho các nhà đầu tư sau chiến thắng của ông Trump.

BNP Paribas Exane là chi nhánh thuộc ngân hàng BNP Paribas, chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu, tư vấn đầu tư và giao dịch tài chính. BNP Paribas Exane tập trung vào mảng nghiên cứu thị trường và phân tích chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu châu Âu, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định đầu tư. BNP Paribas Exane được biết đến với các báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm cả ngành công nghệ, tài chính và công nghiệp.

Về Meta Platfortms, ông Trump có mối quan hệ không tốt với Mark Zuckerberg, thậm chí từng dọa bỏ tù giám đốc điều hành công ty này.

"Meta có nguy cơ chứng kiến ​​vướng mắc chính trị", Stefan Slowinski viết.

"Trump từ lâu đã bày tỏ sự ác cảm cá nhân với các hãng công nghệ lớn mà ông cho rằng ủng hộ đảng Dân chủ, đặc biệt là Meta, do Mark Zuckerberg quyên góp tiền cho các sáng kiến bỏ phiếu năm 2020 mà Trump tin rằng đã tài trợ cho các hoạt động kêu gọi bỏ phiếu của đảng Dân chủ”, blogger công nghệ Ben Thompson viết.

Đầu tháng 7, Trump nói rằng nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ "theo đuổi những kẻ gian lận bầu cử và bỏ tù họ dài lâu", ám chỉ cả Mark Zuckerberg.

Hôm 31.7, Trump đã kêu gọi các người theo dõi ông trên Truth Social: “Hãy giám sát Meta và Google. Hãy để họ biết rằng chúng ta đều nhận ra chiêu trò của họ, sẽ cứng rắn hơn lần này".

Khi được hỏi về vụ ám sát hụt ông Trump diễn ra hôm 13.7, chabot Meta AI của Meta Platforms cho rằng vụ việc này chưa xảy ra. Sau đó, Trump tiết lộ Mark Zuckerberg đã gọi điện xin lỗi ông vì chuyện này.

"Cậu ấy thực sự đã xin lỗi, nói rằng họ đã mắc lỗi. Cậu ấy thực sự thông báo rằng sẽ không ủng hộ một đảng viên Dân chủ vì tôn trọng tôi, sau những gì tôi đã làm ngày đó (hôm bị ám sát hụt – PV)", ông Trump nói trên chương trình Mornings with Maria của Fox Business.

Lời xin lỗi này có thể xoa dịu Trump trước việc Facebook và Instagram từng cấm tài khoản ông hai năm sau vụ bạo động ở Điện Capitol ngày 6.1.2021.

Bài liên quan
Các hãng công nghệ lớn hưởng lợi hoặc gặp rủi ro dưới nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Trump
Thị trường chứng khoán hiếm khi biến động rõ ràng như vậy chỉ sau một sự kiện duy nhất và khi điều này xảy ra, nó thường cung cấp những tín hiệu có giá trị về tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích về quy định khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm
2 giờ trước Giáo dục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vì xét tuyển sớm, nhiều học sinh có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu: Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và Elon Musk là chủ đề thảo luận chính