Lượng mưa giảm suốt nhiều tháng khiến người dân miền nam và miền đông Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu nước uống.
Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cuối tuần qua cho biết đã có hơn 500.000 ha đất canh tác bị hạn hán ảnh hưởng, 330.000 người dân nông thôn không đủ nước uống.
Kể từ tháng 10.2020, lượng mưa tại khu vực phía nam sông Dương Tử thấp hơn mức bình thường từ 50 - 80%. Hạn hán ảnh hưởng khoảng 2,4 triệu dân trên địa bàn ba tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến; Quảng Tây, Hồ Nam, Vân Nam đang rất lo lắng.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin thành phố Đài Châu thuộc tỉnh Chiết Giang đang chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm. Chính quyền nhiều địa phương buộc phải ra lệnh cắt nước sinh hoạt cách ngày, doanh nghiệp không thiết yếu dùng nhiều nước bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động.
Tại các vùng nông thôn, nước uống được cung cấp cho người dân bằng xe cứu hỏa. Họ còn đào thêm giếng mới.
Ông Chen Yun sống tại huyện Tam Môn (Chiết Giang) chưa từng chịu hạn hán nghiêm trọng như vậy: “Năm nay đặc biệt quá. Trước đây chúng tôi chưa từng thiếu nước vào mùa đông”.
Chủ tiệm rửa xe Wang Zhangmeng cũng than vãn: “Trời không mưa mấy tháng nay. Tôi chưa thấy vậy bao giờ cả”.
Nguồn cấp nước cho nhà Wang bị cắt nhiều lần. Ông lấy nước suối trên núi để duy trì hoạt động kinh doanh mà không phạm luật, nhưng chi phí tăng do phải đi lấy nước và kinh doanh ảm đạm khiến thu nhập giảm khoảng 30.000 Nhân dân tệ (4.600 USD).
“Gần đến Tết nguyên đán - vốn là mùa bận rộn - nhưng mỗi ngày có rất ít xe đến rửa”, Wang cho biết.
Quan chức Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) Yuan Yuan nhận định nguyên nhân hạn hán là La Nina – một hình thái thời tiết phức tạp do nhiệt độ bề mặt đại dương dọc theo dải xích đạo Thái Bình Dương thay đổi. Nhà nghiên cứu Qian Yonglan thuộc CMA lo ngại sau các loại cây trồng thu đông như khoai tây, ớt, cà chua, chuối, hạn hán nếu kéo dài sẽ đe dọa đến trồng và thu hoạch lúa.
Theo chính quyền Chiết Giang, hạn hán nhiều khả năng kéo dài đến tháng 4.