Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng diễn ra từ ngày 6 đến 8.11 đã thu hút hơn 500.000 lượt du khách.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch (VHTT-DL) tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ngày hội VHTT-DL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022 đã thu hút hơn 500.000 lượt khách tham quan du lịch.
Ngày hội VHTT-DL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng là lễ hội lớn của người dân vùng ĐBSCL.
Năm nay, lễ hội có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển” đã thu hút hàng trăm ngàn người, bao gồm người dân địa phương và du khách đến trải nghiệm.
Ngày hội có sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố với nhiều hoạt động như: Giải đua ghe ngo; phục dựng Lễ Cúng trăng, trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe cà hâu; Triển lãm lưu động ảnh, tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở cơ sở năm 2022; Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần III, năm 2022.
Lễ hội đua ghe Ngo diễn ra vào ngày 7.11 đã thu hút hàng trăm ngàn người đến xem và cổ vũ. Hai bên bờ sông Maspero chật kín người xem.
Được biết, giải thưởng cuộc đua ghe Ngo năm nay rất hấp dẫn các tay đua. Đối với đua ghe Ngo nam tranh tài cự ly 1.200m, đội vô địch sẽ được trao cup, tiền thưởng 200 triệu đồng; giải nhì 150 triệu đồng; giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng. Đối với ghe Ngo nữ thi đấu cự ly 1.000m, đội vô địch sẽ nhận được cúp, tiền thưởng 150 triệu đồng; giải nhì 100 triệu đồng; giải ba 80 triệu đồng; giải tư 50 triệu đồng. Ngoài ra, ban tổ chức còn hỗ trợ cho mỗi đội tham dự với số tiền 20 triệu đồng.
Không chỉ xem đua ghe Ngo dưới nước trong ngày hội này, du khách còn được thưởng thức những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Saravan, Răm vông, múa trống Sadăm.
Nghệ thuật sân khấu Dù kê, Rô Băm say đắm lòng người. Khách có dịp thưởng thức âm thanh của nhạc cụ ngũ âm, không gian văn hóa - là tiếng lòng của người dân Khmer Nam Bộ với thần linh, với thiên nhiên và con người.
Ở lễ hội Sóc Trăng, du khách được chiêm ngưỡng nét cổ kính của chùa cổ Khmer Nam Bộ hay những người phụ nữ Khmer trình diễn các điệu múa dân tộc trong những bộ trang phục rực rỡ.
Trong Ngày hội văn hóa, du khách được xem trình diễn Lôi Protip -thả đèn nước và ghe cà hâu trên đoạn sông Maspero. Đèn nước được thả từ giữa cầu C247 và cầu 30-4 khu vực trung tâm thành phố Sóc Trăng. Sự kiện này diễn ra trong hai ngày chính của lễ hội. Đây là một trong những điểm nhấn của Lễ hội năm nay ở Sóc Trăng.
Trình diễn Lôi Protip - thả đèn nước năm nay, có 18 chiếc protip đến từ các đơn vị huyện, thị xã, thành phố và 4 chiếc ghe Cà Hâu của các chùa: Prếk Ta Kuône (Mỹ Xuyên), Tum Núp (Châu Thành), Bâng Kók (Mỹ Tú) và Săng Ke (Long Phú). Mỗi chiếc Protip được mô phỏng giống như những ngôi chánh điện, sala, ngôi bảo tháp và được trang trí rất đặc sắc, mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc.
Lôi Protip và ghe Cà Hâu là sắc thái văn hóa mang tính nhân văn cao trong tâm thức người Khmer.
Tại lễ khai mạc vào tối 6.11, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Tạ Quang Đông khẳng định, kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Khmer Nam bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa (như múa Răm vông, Lăm leo, Sarvan), nghệ thuật sân khấu độc đáo và đặc sắc (với các loại hình sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù kê).
Bên cạnh đó, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer Nam bộ đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc Chùa Phật giáo Nam tông - đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ còn đa dạng, phong phú bởi hệ thống các lễ hội, bởi kho tàng văn học dân gian đồ sộ - từ tục ngữ, dân ca, truyện dân gian, thần thoại, truyền thuyết… gắn bó lâu đời trên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
Các giá trị văn hóa đặc sắc ấy đã và đang được đồng bào Khmer Nam Bộ bảo tồn, phát huy trong đời sống hàng ngày, phát triển hài hòa trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Chính vì lẽ đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer Nam Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện, coi đó là nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.