“Ngân hàng Nhà nước có thể phải giảm giá tiền đồng thêm 2% nữa từ nay đến cuối năm khi đồng tiền Nhân dân tệ yếu hơn sẽ tạo ra một môi trường ngày càng cạnh tranh cho ngành xuất khẩu của Việt Nam” HSBC dự báo.
Khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC ngày 20.8 vừa công bố báo cáo tổng hợp về tiền tệ và kinh tế châu Á với chủ đề "Tiền đồng giảm giá".
Tiền đồng có thể giảm 2%
Ngày 19.8, Ngân hàng Nhà nước ra thông báo tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và nới rộng biên độ giao dịch lên +/-3%. Đây là lần giảm giá tiền đồng thứ ba trong năm nay, tổng mức 3% và lần thứ hai nới biên độ trong chưa đầy một tuần (thêm +/-2%).
Trước việc điều chỉnh tỷ giá đó, theo HSBC, tiền đồng Việt Nam đã có phản ứng phù hợp, giảm gần 3% so với đồng USD trong tuần vừa qua và có thể phải giảm thêm 2% từ nay tới cuối năm.
HSBC cho rằng những thay đổi mới đây của cơ cấu xác định tỷ giá đồng Nhân dân tệ và việc ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ có lẽ là những lý do quan trọng nhất sau quyết định giảm giá tiền đồng của NHNN.
Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tới 21% tổng thương mại, do đó, đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ làm trầm trọng hơn nỗi lo sợ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm sút, từ đó có thể đẩy cán cân thương mại của Việt Nam rơi vào ngưỡng thâm hụt sâu hơn.
“Thậm chí vấn đề đáng quan tâm hơn là việc Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu chính yếu của Việt Nam đặc biệt ở các mặt hàng sản xuất” – HSBC nhấn mạnh.
NHNN đã nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng việc phá giá tiền đồng lần này là một bước đi cần thiết để đảm bảo các nhà xuất khẩu của Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh trên các thị trường quốc tế.
HSBC đánh giá động thái phá giá của NHNN nêu bật những thách thức sâu sắc mà tiền đồng đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại
HSBC còn khẳng định “Nỗi lo sợ tỷ giá sẽ làm tổn thương khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam có căn cứ”. Trước khi có việc giảm giá tiền đồng và nới biên độ giao dịch gần đây, quyết định của NHNN để đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ thực sự có ý nghĩa rằng tiền đồng là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất châu Á trong năm 2015.
Theo HSBC, thực tế tiền đồng đã tăng 9% so với năm trước trên cơ sở tính tỷ giá hối đoái hiệu quả thực, đây là mức độ tăng giá nhanh nhất kể từ năm 2000.
Tỷ giá có thể tăng lên 23.300 đồng/USD cuối năm 2016
Từ thực tế này, HSBC tăng mức dự báo cuối năm cho cặp tỷ giá USD/VND trong năm 2015. Theo đó, ngân hàng này dự báo mức tăng từ 21.830 đồng/USD lên 22.800 đồng/USD và cho cuối năm 2016 từ mức 22.300 đồng/USD lên 23.300 đồng/USD.
Giải thích rõ hơn cho dự báo này, HSBC cho rằng việc giảm giá mạnh tiền đồng trong tuần qua phản ảnh những khó khăn khách quan đang có tác động chống lại tiền đồng. Quan trọng nhất là đồng Nhân dân tệ suy yếu trong thời gian gần đây.
“Điều này cũng có nghĩa rằng NHNN sẽ phải thực hiện việc giảm giá tiền đồng thêm nữa nếu như họ muốn các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì trì năng lực cạnh tranh với Trung Quốc. Ngoài ra, nếu như FED bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay, tiền đồng cũng đối mặt với áp lực đồng tiền xuất ngoại thêm nữa”, HSBC nhận định.
Thế nhưng, HSBC lại không nghĩ rằng đồng Việt Nam sẽ bị phá giá mạnh từ nay về sau. Nền kinh tế Việt Nam thực sự là một trong những điểm sáng trong khu vực châu Á. Nhu cầu nội địa đã hồi phục và cán cân thanh toán cân bằng hơn cộng với mức độ lạm phát thấp và lãi suất thực tế khá cao cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD.
Ngoài ra, nợ nước ngoài của Việt Nam cao hạn chế cơ hội cho NHNN phá giá tiền đồng quá nhanh.
Phan Diệu