Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến khốc liệt nhất trong 3 kỳ chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần

Quân Nguyên Mông tung đòn gió, Trần Nhật Duật phá thế gọng kìm

07/10/2016, 08:08

Đại Việt, tuy mất kinh đô như đã phá được một gọng kìm trong thế ba gọng kìm. Quân Đại Việt giờ đây lại tập trung đối phó thế gọng kìm mới. Phía bắc là quân của Thoát Hoan ào ào đánh xuống, phía nam là quân của Toa Đô thừa thế đánh lên.

Các kỳ trước

Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2

Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu

Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động

Kỳ 4: Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt

Kỳ 5: Trần Hưng Đạo cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc

Kỳ 6: Ngại Đại Việt, Nguyên Mông xua quân đánh Chiêm Thành​

Kỳ 7: Đại Việt khẳng khái từ chối yêu sách phương Bắc, bảo vệ đồng minh

Kỳ 9: Nhà Nguyên huy động nhiều quân Hán khai chiến với Đại Việt​

Kỳ 10: Vì sao nhà Trần phải hỏi ý kiến nhân dân trước khi đánh Nguyên?​

Kỳ 11: Giặc Nguyên đổ quân như nước lũ, Hưng Đạo vương chia tướng giữ thành

Kỳ 12: 30 vạn quân Đại Việt quyết chiến 50 vạn quân Nguyên tại Vạn Kiếp

Kỳ 13: Tướng Nguyên nướng quân dưới chân thành Thăng Long

1. Tương quan lực lượng mặt trận tây bắc :

Trong lúc chiến sự diễn ra quyết liệt ở trung châu nước Đại Việt, thì ở vùng biên thùy mạn tây bắc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cũng cầm quân đương đầu với quân Nguyên từ Vân Nam tiến sang. Cánh quân Nguyên ở Vân Nam do viên Bình chương Vạn hộ hầu Nạp Tốc Lạt Đinh (Naxirut Din) chỉ huy, ước chừng có hơn 1 vạn quân. Trong thành phần cánh quân này bao gồm cả quân lính người Mông Cổ và người Vân Nam. Nạp Tốc Lạt Đinh dẫn quân tiến theo con đường mà ngày trước đội quân của Ngột Lương Hợp Thai đã đi, từ châu Quy Hóa đánh xuống. Cánh quân Nguyên này đóng vai trò thứ yếu trong kế hoạch của Nguyên triều, cốt là để phân tán lực lượng của Đại Việt mà thôi. Tuy vậy, quân Đại Việt cũng không thể không điều quân trấn giữ vùng tây bắc. Nếu để hở hướng này, thì đòn hư sẽ biến thành đòn thực. Quân của Nạp Tốc Lạt Đinh một khi tiến xuống phối hợp với đại quân của Thoát Hoan hai mặt giáp công thì quân Đại Việt tất sẽ rơi vào thế hiểm nghèo. Bởi vậy, Hưng Đạo vương đã giao cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật phụ trách mặt trận tây bắc, có nhiệm vụ chặn đứng quân địch, không cho chúng phối hợp với đại quân phía đông bắc của Thoát Hoan. Hưng Đạo vương còn bố trí quân đóng ở Tam Đái, do Hoài Thượng hầu Trần Lộng chỉ huy làm hậu viện cho quân ở mạn tây bắc.

Chiêu Văn vương là em thứ 6 của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, chú của vua Trần Nhân Tông. Bấy giờ ông còn rất trẻ, chỉ mới 30 tuổi đã đảm nhận trọng trách trong quân. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là người tuổi trẻ tài cao, tài khiêm văn võ. Đặc biệt, Chiêu Văn vương có kỳ tài về ngoại ngữ, không chỉ am hiểu tiếng nói mà còn hiểu biết phong tục tập quán của các sắc dân. Nhờ có năng lực, ngoài 20 tuổi ông đã được triều đình cho phụ trách ngoại giao và giao thiệp với các sắc dân thiểu số. Năm 1280, Trịnh Giác Mật ở Đà Giang làm phản, ông một mình vào trong sào huyệt của địch dụ hàng, khiến cho Trịnh Giác Mật cảm phục mà theo về kinh thành tạ tội. Triều đình Đại Việt nhờ ông mà dẹp yên được đạo Đà Giang, vừa không tốn một binh một tốt vừa thu phục được lòng dân ở đó.

Đặc điểm của các lực lượng quân sự tại vùng biên giới tây bắc có khác biệt lớn với vùng trung châu nước Đại Việt. Do binh lực Đại Việt phần lớn phải dồn cho chiến trường chính phía mạn đông bắc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chỉ trực tiếp nắm giữ vài ngàn quân, với thành phần lực lượng đủ mọi sắc tộc. Quân của ông bao gồm quân triều đình người Việt trung châu, quân sơn cước người Tày và các tộc thiểu số, quân người Tống sang quy phụ. Với lực lượng ít, không đồng nhất lại phải tác chiến độc lập, nhiệm vụ của Trần Nhật Duật không hề dễ dàng.

Triều đình Đại Việt không áp dụng chế độ trực trị đến châu huyện mà cho các tù trưởng nơi này quyền tự trị và thế tập. Họ thể hiện sự quy phục triều đình bằng cách nộp thuế, nốp cống phẩm, cho đất trú quân và điều quân phối hợp khi có chiến tranh. Tù trưởng các trại, châu, động nơi này tự cầm quân bản bộ của mình. Họ chỉ chiến đấu hiệp đồng với quân triều đình chứ không tách ghép quân lực, triều đình cũng không thể can thiệp sâu vào nhân sự, nội bộ của các đội quân người thiểu số. Thậm chí, nếu tình hình diễn biến phức tạp thì các sắc dân thiểu số có thể còn trở giáo theo phe địch. Bởi dù có chung một quốc gia, các sắc dân tây bắc thời kỳ này vẫn chưa thực sự coi người Việt là đồng chủng đồng văn. Quốc gia đối với họ đơn giản là một liên minh cực lớn của các cộng đồng. Trấn thủ vùng tây bắc, Chiêu Văn vương đã phải rất khéo léo thu phục được lòng trung thành của các sắc dân nơi này. Gặp dân ăn bốc thì ông cũng ăn bốc, gặp người uống bằng mũi thì ông cũng uống bằng mũi. Dân trong vùng người người đều cảm mến. Nhờ vậy mà các tù trưởng và quân dân các sắc dân thiểu số sẵn lòng xả thân cho Đại Việt ngay cả khi quân Nguyên chiếm thế thượng phong và quân triều đình phải rút lui khỏi vùng.

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

2. Chiến sự tây bắc:

Tại vùng tây bắc nước Đại Việt, châu Quy Hóa là cửa ngõ đầu tiên mà quân Nguyên tiến vào. Tại đây có dòng họ Hà người Tày, đời đời nối giữ chức trại chủ, là thế lực lớn mạnh và có uy tín nhất vùng Quy Hóa. Bấy giờ Hà Đặc là trại chủ Quy Hóa, cùng em là Hà Chương cả hai đều là người tuấn kiệt, mưu trí. Quân Nguyên với lực lượng mạnh đánh vào Quy Hóa, Chiêu Văn vương không thể mạo hiểm đem quân quá xa đại doanh ở trại Thu Vật mà ứng cứu. Bởi nhiệm vụ của ông là phòng thủ, bảo toàn lực lượng. Hà Đặc thế cô không thể đương đầu trực diện với giặc, chỉ đánh thăm dò rồi rút quân, nhường đường lớn cho Nạp Tốc Lạt Đinh tiến qua. Tuy nhiên, Hà Đặc không dễ dàng để yên cho quân Nguyên tung hoành. Ông chỉ huy quân rình rập sau hậu tuyến của quân Nguyên, đêm ngày đánh tỉa, bám đuôi giặc từ vùng núi non biên giới đến tận vùng đồng bằng. Mặc dù cách đánh này không ảnh hưởng lớn đánh tiến độ hành quân của quân Nguyên nhưng khiến cho giặc phải phân tán tinh thần và lực lượng.

Qua được địa bàn châu Quy Hóa, Nạp Tốc Lạt Đinh đối đầu với cửa ải Thu Vật (Yên Bình, Yên Bái ngày nay) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trong lúc mà chiến sự ở vùng Vạn Kiếp – Thăng Long đang gay go. Nhật Duật vừa giao chiến với quân của Nạp Tốc Lạt Đinh, vừa nghe ngóng quân tình ở mặt trận miền đồng bằng. Theo các sử liệu cũ, đã không có trận quyết chiến nào diễn ra ở đây. Nạp Tốc Lạt Đinh có ý muốn diệt gọn quân của Chiêu Văn vương, sai kỵ binh ngầm đi vòng ra sau trận tuyến của Đại Việt một quãng xa để mai phục, sau đó tung quân chia làm nhiều cánh tấn công mạnh vào trại Thu Vật. Chiêu Văn vương sau khi giao chiến vài trận nhỏ tiêu hao lực lượng địch, bèn hạ lệnh rút quân bảo toàn lực lượng. Bấy giờ căn cứ Tam Đái vẫn còn phía sau, Chiêu Văn vương vẫn có thể trông cậy vào đó mà phối hợp chặn giặc bảo vệ Thăng Long. Quân Đại Việt xuống thuyền rút theo dòng sông Lô về xuôi. Chiêu Văn vương ngồi trên chiến thuyền, quan sát thấy quân Nguyên trên bờ đuổi theo sau nhưng lại đi thong thả bèn nói với tướng sĩ: “Phàm đuổi thì cần nhanh, nay giặc tiến từ từ, sợ có tiền quân chắn ngang phía trước”.Nói xong sai quân đi trước do thám, quả nhiên phát hiện thấy phục binh của địch đợi sẵn ở phía hạ lưu. Chiêu Văn vương đã biết được quỷ kế của Nạp Tốc Lạt Đinh, sai quân bỏ thuyền lên bộ, hướng về Thăng Long.

Ngày 20.2.1285, quan quân về đến vùng Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) thì được tin Thăng Long đã thất thủ, đại quân cùng triều đình đã rút lui về đông. Lúc này trong quân có nhiều người hoang mang lo lắng. Chiêu Văn vương bèn cho dừng quân bên ngã ba sông Bạch Hạc, cùng ba quân làm lễ cắt tóc tuyên thề trước thần linh: “Nguyện dốc hết lòng trung để báo đền quân thượng”.Làm lễ xong, tinh thần quân sĩ lại lên cao. Chiêu Văn vương cùng các tướng sĩ trèo đèo vượt sông, tìm về với đại quân triều đình. Tại Tam Đái, quân của Trần Lộng cũng rút lui để tránh việc bị kẹt giữa hai khối quân lớn của Nạp Tốc Lạt Đinh và Thoát Hoan. Nạp Tốc Lạt Đinh tuy đánh lui được Chiêu Văn vương nhưng chịu thiệt hại không nhỏ do bị quân của Hà Đặc tập kích và cũng bị tổn thất tại Thu Vật.

Nạp Tốc Lạt Đinh phải chia quân đối phó với quân của các tù trưởng khá vất vả, chỉ còn có thể huy động được 1.000 quân đến hội với cánh quân của Thoát Hoan. Chẳng những vậy, tuyến hành lang hậu cần phía sau liên tục bị quấy rối,khiến quân của Nạp Tốc Lạt Đinh trở thành một gánh nặng về quân lương cho toàn bộ đoàn quân Nguyên xâm lược. Còn về phía Đại Việt, tuy mất kinh đô như đã phá được một gọng kìm trong thế ba gọng kìm. Quân Đại Việt giờ đây lại tập trung đối phó thế gọng kìm mới. Phía bắc là quân của Thoát Hoan ào ào đánh xuống, phía nam là quân của Toa Đô thừa thế đánh lên. Tình hình vẫn còn rất cam go, đòi hỏi phải có được bản lĩnh phi thường để đi đến thắng lợi.

(còn tiếp)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân Nguyên Mông tung đòn gió, Trần Nhật Duật phá thế gọng kìm