Người được hưởng di sản thừa kế đã ký văn bản từ chối nhận di sản tại Văn phòng công chứng. Sau một thời gian người đó có được quyền hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản hay không?
Pháp luật hiện hành không quy định chi tiết về việc có cho phép hủy bỏ văn bản từ chối di sản hay không. Hiện nay tồn tại hai luồng quan điểm về vấn đề này. Một quan điểm là không đồng ý việc hủy bỏ văn bản từ chối di sản thừa kế với lý do việc này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác. Quan điểm khác đồng ý với việc cho phép hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Hãy cùng chúng tôi phân tích một số quy định pháp luật liên quan để tìm hiểu sâu hơn đối với tình huống pháp lý nêu trên.
Pháp luật quy định sau khi phát sinh quyền hưởng di sản thừa kế, người được hưởng có quyền từ chối nhận di sản thừa kế đó, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra trường hợp sau khi đã ký văn bản từ chối nhận di sản thì chính người từ chối lại muốn hủy bỏ văn bản đã ký để tiếp tục hưởng quyền thừa kế.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, không có quy định về việc hủy bỏ văn bản khai nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Còn tại khoản 4, điều 3 Bộ luật Dân sự 2015, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Như vậy, do văn bản từ chối nhận di sản là một giao dịch nên về nguyên tắc người tham gia giao dịch có quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Luật Công chứng năm 2014 có quy định về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
Trường hợp sau khi có văn bản từ chối nhận di sản mà di sản đã được phân chia thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác. Tuy nhiên, nếu trước khi di sản thừa kế được phân chia thì không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của họ.
Hành vi công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
Từ các phân tích trên, chúng tôi cho rằng có thể sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản khi chưa thực hiện việc khai nhận, phân chia di sản. Khi đó, người thừa kế đã ký văn bản từ chối nhận di sản thừa kế được quyền đến tổ chức công chứng để yêu cầu công chứng hủy bỏ văn bản đã ký.
Bộ luật Dân sự năm 2015
Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Điều 620. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Luật Công chứng năm 2014
Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.