Ngày 13.4, Reurtes dẫn lời phát ngôn viên hải quân Indonesia Manahan Simorangkir cho hay nước này muốn tập trận thường xuyên với Mỹ trong vùng biển Natuna phía nam biển Đông sau cuộc tập trận Sea Survex diễn ra thành công hồi tuần trước.
Sea Survex được tiến hành ở đảo Batam gần vùng biển Natuna từ ngày 6 - 10.4 với sự tham gia của 4 máy bay Indonesia và phi cơ do thám biển Orion của Mỹ.
Vùng biển Natuna giàu dầu mỏ của Indonesia bị phần chót của bản đồ đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chồng vào. Gần đây, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo liên tục tuyên bố đường 9 đoạn “không hề tồn tại” “không có cơ sở pháp lý”. Nước này cũng không ngừng tăng cường phương tiện quân sự và cảnh giác ở Natuna.
Trả lời phỏng vấn tờ The Jakarta Post hôm qua, Tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, nói thẳng: “Tình hình biển Đông hiện nay rất phức tạp. Chúng ta cần luôn cảnh giác vì sẽ có ảnh hưởng đến nước ta. Chúng ta phải tiên lượng mọi tình huống và chuẩn bị cho điều không thể lường trước”.
Trong khi đó,
Philippines ngày 13-4 cáo buộc các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở vùng biển này đã tàn phá 1,2 km2 rạn san hô, ước tính gây thiệt hại 100 triệu USD/năm cho các quốc gia ven biển. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh các hoạt động cải tạo của Trung Quốc đang gây thiệt hại “không thể đảo ngược và lan rộng” đối với đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở biển Đông. Manila còn cho rằng hoạt động cải tạo đó sẽ gia tăng mức độ quân sự hóa và đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. “Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên biển Đông bất kể người dân các nước xung quanh - vốn phụ thuộc sinh kế vào biển cả bao đời nay” - Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ. Ngoài ra, Manila cho rằng Bắc Kinh cổ xúy cho ngư dân nước này đánh bắt quá mức tại bãi cạn Scarbrough.
Theo Thanh Niên và NLĐ