Việc chính quyền Indonesia gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông vào tuần trước đã thu hút nhiều quan tâm của giới phân tích khi mô tả động thái này là một bước “đột phá”.
Tiếp nối các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN, phái đoàn thường trực của Indonesia tại LHQ hôm 26.5 đã gửi một công hàm lên Tổng Thư ký Antonio Guterres để phản đối một loạt văn bản có liên quan tới yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng chúng không có cơ sở pháp lý và trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Greg Poling, người điều hành Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết Indonesia lần này đã công khai tán thành phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bằng công hàm để phản đối trực tiếp Trung Quốc. Hãng truyền thông ABS-CBN của Philippines thậm chí mô tả động thái này của Indonesia là "bom tấn ngoại giao".
Theo Evan A. Laksmana, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, đây không phải là lần đầu tiên Indonesia tuyên bố lập trường của mình, nhưng lần này có phần mạnh mẽ hơn.
Chính quyền Jakarta đã có phản ứng tương tự sau khi Malaysia và Việt Nam cùng đệ trình về phần thềm lục địa mở rộng của hai nước ở phía Nam biển Đông cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLFC) hồi năm 2009. Năm 2017, Indonesia có động thái đáng chú ý khi đổi tên một vùng biển ngoài khơi Natuna thành "biển Bắc Natuna", và đây được cho là hành động chọc giận Trung Quốc.
Kể từ khi phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 được công bố, trong đó vô hiệu hóa căn cứ pháp lý của “đường 9 đoạn”, Bộ Ngoại giao Indonesia đã áp dụng lập trường trung lập. Chính quyền Jakarta chỉ tuyên bố rằng Indonesia sẽ giữ vững các nguyên tắc của UNCLOS và không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài.
Tuy nhiên, Indonesia thời gian gần đây đã thay đổi lập trường kể từ sau khi tàu của Trung Quốc xâm nhập trái phép quần đảo Natuna, khu vực nước này tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Indonesia hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Được biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng các máy bay và tàu chiến trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, bất chấp sự phản đối của đông đảo các quốc gia trên thế giới.
Các chuyên gia nhận định rằng, bằng cách liên tục thách thức các yêu sách của Bắc Kinh, Indonesia đang theo đuổi chiến lược phản đối dai dẳng và bảo vệ quyền lợi theo luật pháp quốc tế. Động thái mới nhất của Indonesia đã tạo ra một nền tảng mới cho sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN cũng như đóng góp tiếng nói chung trong việc đấu tranh chống lại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hoàng Vũ (theo SCMP)