Trong lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, Indonesia đã tuyên án tử hình với nhiều tù nhân chỉ qua phiên tòa ảo trên Zoom hoặc ứng dụng gọi video khác – động thái bị đánh giá vô nhân đạo.
Indonesia cho phép tổ chức phiên tòa ảo do quy định phòng dịch khiến phiên tòa trực tiếp, kể cả phiên tòa xử án giết người hay buôn bán ma túy với mức án có thể là tử hình, không thể diễn ra.
Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) xác định từ đầu năm 2021 đến nay, gần 100 tù nhân tại Indonesia bị kết án tử hình bởi thẩm phán mà họ chỉ nhìn thấy qua màn hình.
Quốc gia Đông Nam Á này có luật xét xử tội phạm ma túy nghiêm khắc hàng đầu thế giới. Không ít tội phạm ma túy người Indonesia lẫn người nước ngoài đều không khỏi thoát khỏi mức án cao nhất, kể cả những kẻ cầm đầu băng đảng Bali Nine (Úc).
Tháng 3 vừa qua, 13 thành viên của một đường dây buôn ma túy (trong đó có 3 người Iran, 1 người Pakistan) bị tuyên án tử với tội đưa 400kg methamphetamine vào Indonesia. Phiên tòa diễn ra trên mạng.
Hôm 21.4 vừa qua, một tòa án tại Jakarta thông qua ứng dụng gọi video tuyên 6 chiến binh Hồi giáo án tử hình do tham gia bạo động trong trại giam khiến 5 thành viên đội chống khủng bố thiệt mạng.
Giám đốc Tổ chức Ân xá quốc tế Indonesia Usman Hamid nhận xét: “Phiên tòa ảo làm suy giảm quyền của những bị cáo phải đối mặt án tử. Đây là vấn đề liên quan đến sống chết, tử hình luôn là hình phạt tàn nhẫn. Xu hướng xử trực tuyến làm tăng bất công và vô nhân đạo”.
Phe phản đối xét xử trực tuyến chỉ trích phiên tòa ảo giới hạn sự tham gia của bị cáo. Tại quốc gia có kết nối internet kém như Indonesia, quá trình xét xử đôi lúc có thể gián đoạn.
Không chỉ Tổ chức Ân xá quốc tế, tổ chức phi chính phủ Harm Reduction International cũng đánh giá phiên tòa ảo ảnh hưởng tới nỗ lực bào chữa. Phía luật sư thì không thể gặp gỡ thân chủ do quy định phòng dịch, ở vài trường hợp người thân còn bị cấm tham gia phiên tòa.
“Bị cáo ở thế bất lợi rõ ràng với phiên tòa ảo”, theo luật sư người Indonesia Dedi Setiadi.
Luật sư Setiadi nhận định: “Bản án có thể khác đi nếu thẩm phán trao đổi trực tiếp với bị cáo, nhìn thấy biểu hiện của bị cáo. Phiên tòa trên Zoom ít mang tính cá nhân hơn”.
Dù án tử hình thường được giảm thành án tù lâu năm, nhưng các tòa án tại Indonesia dưới sức ép từ công chúng vẫn tuyên án tử. Theo Giám đốc Hamid: “Người ủng hộ án tử nghĩ bọn tội phạm này vẫn đang tiếp tục phạm tội trong khi ai cũng chìm trong đau khổ bởi đại dịch. Áp lực đã thúc đẩy thẩm phán ra hình phạt nặng nhất có thể”.