Hãng thông tấn ISNA ngày 15.5 dẫn nguồn tin quan chức cho biết Iran đã chính thức ngừng thực hiện một số cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) theo lệnh từ Hội đồng An ninh quốc gia nước này.
Iran vào năm 2015 ký kết JCPOA với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức. Theo đó nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì quốc gia Trung Đông này đổi lại được quốc tế dỡ bỏ sự trừng phạt tài chính - kinh tế.
Tuần trước, Iran thông báo quyết định đình chỉ một số cam kết,đúng một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt.
JCPOA cho phép Iran trữ 300kg hợp chất uranium hexafluoride (UF6) đã làm giàu mức 3,67% hoặc tương đương trong 15 năm, có thể sản xuất nước nặng (chất điều tiết trong lò phản ứng) nhưng trữ lượng không vượt quá 130 tấn. Lượng dư thừa phải đem ra nước ngoài trữ hoặc bán đi.
Theo nguồn tin của ISNA, nay Iran không còn giới hạn nào trong sản xuất uranium và nước nặng nữa.
Các động thái ban đầu dường như không vi phạm thỏa thuận. Tuy nhiên Tổng thống Hassan Rouhani từng cảnh báo nếu trong vòng 60 ngày mà các bên ký kết còn lại thực hiện lời hứa bảo vệ ngành dầu khí và ngân hàng Iran, thì họ sẽ làm giàu uranium ở mức cao hơn.
JCPOA quy định mức độ tinh khiết mà Iran có thể làm giàu UF6 ở 3,67% - thấp hơn mức 20% quốc gia Trung Đông nàyđạt được trước khi ký thỏa thuận, thua xa mức dùng làm vũ khí là 90%.
Hôm 14.5, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố nước này không muốn gây chiến với Mỹ bất chấp căng thẳng tăng cao, những cũng quyết không tái đàm phán một thỏa thuận hạt nhân khác.
Mỹ rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Iraq
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cho biết nhân viên “không khẩn cấp” của Đại sứ quán tại Baghdad và Lãnh sự quán tại Erbil vừa được rút về vì lo ngại an ninh. Vẫn chưa rõ số lượng người rời khỏi là bao nhiêu, các dịch vụ thị thực đã tạm ngưng.
Theo nguồn tin của hãng Reuters, chính các vụ tấn công tàu chở dầu và cơ sở dầu mỏ gần đây khiến giới chức Washington quyết định giảm bớt nhân viên tại Iraq. Phía Mỹ tin rằng chính lực lượng có thiện cảm hoặc nhận ủy nhiệm từ Iran thực hiện (chưa có bằng chứng chứng minh).
Cuối tuần trước có 4 tàu chở dầu trở thành mục tiêu bị phá hoại khi di chuyển gần eo biển Hormuz. Hai ngày sau đến lượt 2 trạm bơm dầu Ả Rập Saudi gặp chuyện, máy bay không người lái tấn công hai cơ sở này.
Lấy lý do nhận tin tình báo về khả năng Iran và lực lượng ủy nhiệm tấn công quân Mỹ, chính quyền Washington thời gian qua gấp rút triển khai lực lượng đến Trung Đông, đồng thời khuyến cáo nguy cơ tàu thương mại lẫn tàu chiến nước này bị phía Tehran nhắm đến khi di chuyển trên các vùng biển khu vực.
Không chỉ Mỹ, Đức và Hà Lan – hai quốc gia có lực lượng đóng ở Iraq – cũng thông báo đình chỉ hoạt động huấn luyện quân sự vì căng thẳng khu vực.
Cẩm Bình (theo Reuters)