Báo Haaretz dẫn lời một số nhà phân tích nhận định trong bối cảnh doanh nghiệp phương Tây chấp nhận tuân thủ trừng phạt của Mỹ, Iran sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc và chọn quốc gia châu Á này làm thị trường giao dịch tài chính cũng như dầu thô thay thế.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Bắc Kinh sẽ không chịu làm “nơi trú ẩn an toàn” mà không lợi dụng tình hình để đạt được lợi ích tối đa cho mình.
Iran trong nhiều năm đã đóng vai trò nguồn cung năng lượng cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Cho đến năm 2012, Tehran vẫn là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 3của cường quốc châu Á.
Phương Tây sau đó áp dụng trừng phạt vì lo ngại Iran làm giàu và dự trữ uranium chế tạo vũ khí hạt nhân. Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cùng các cường quốc châu Âu gây sức ép buộc nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, giảm mua dầu thô Tehran. Đến năm 2015, các bên đạt được Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì Iran đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế.
Nhưng Tổng thống Donald Trump vào tháng 5 vừa qua đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đầu tháng 8 ký sắc lệnh tái lập trừng phạt kinh tế, không cho quốc gia Trung Đông này mua hoặc sở hữu đồng USD, mua bán phần mềm điện toán, vàng-đá quý, không cho trực tiếp hoặc gián tiếp bán, cung cấp hoặc chuyển nhượng thép, nhôm, than và than chì với Tehran. Những cuộc giao dịch tài chính lớn bằng tiền Iran cùng với ngành sản xuất của Iran cũng bị cấm vận.
Không những vậy, chính quyền Washington trước đó còn yêu cầu dừng nhập dầu của Iran kể từ ngày 5.11 hoặc phải đối mặt với trừng phạt tài chính, không có ngoại lệ. Trước tình cảnh này, Iran nhận thấy Trung Quốc là chỗ dựa tốt nhất.
Theo nhà chính trị học Arianne Tabatabai thuộc tổ chức RAND Corporation: “Iran phải dựa vào Trung Quốc để bù đắp nỗ lực cô lập của phương Tây mà chủ yếu là Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta sắp thấy tình trạng một vài lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Iran bị Trung Quốc chiếm thế độc quyền”.
Chuyên gia Peter Harrell của Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng: “Trung Quốc là nền kinh tế lớn, có không ít doanh nghiệp cỡ vừa ít bị trừng phạt ảnh hưởng mà Iran có thể tiếp tục giữ mối quan hệ làm ăn, nếu chính quyền Bắc Kinh cho phép”.
Phía Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định họ muốn JCPOA được duy trì và ủng hộ bất kỳcuộc đàm phán nào về chuyện này. Bộ Ngoại giao nước này vào tháng trước từng tuyên bố: “Trung Quốc đang tiến hành hợp tác bình thường, cởi mở, minh bạch với Iran trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại cùng năng lượng. Hợp tác này hợp lý, chính đáng và hợp pháp. Chúng không làm trái bất cứ nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nào, không đụng chạm đến lợi ích của ai, do đó cần được tôn trọng và giữ vững”.
“Chúng tôi tin liều lĩnh áp đặt trừng phạt hay đe dọa sử dụng trừng phạt không thể giúp giải quyết vấn đề”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Thứ mà Bắc Kinh muốn nhất là nguồn năng lượng. Đã có thông tin cường quốc châu Á này sẽ thay công ty năng lượng Total (Pháp) khai thác một mỏ khí khổng lồ của Tehran.
Ấn Độ cũng đang chịu áp lực rút khỏi thỏa thuận nâng cấp cảng Chahbahar, tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường hiện diện tại đây. Bắc Kinh trước đó đã đầu tư vào cảng Gwadar của Pakistan. Cả hai cảng cung cấp liên kết với nhiều quốc gia Trung Á lục địa.
Nhà chính trị học Tabatabai nhận xét Trung Quốc thực sự có thể là “vị cứu tinh lớn” của Iran, vì các nước khác dù tuyên bố không tuân thủ trừng phạt nhưng sẽ không mạo hiểm gây tổn hại quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên việc dựa vào cường quốc châu Á đem lại nhiều lo ngại. Người làm ăn tại khu chợ Grand Bazaar của Iran thừa nhận sản phẩm Trung Quốc không đạt chuẩn nếu so với hàng hóa phương Tây. Họ cũng nhớ đến khoảng thời gian hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường khi quốc gia Trung Đông này hứng chịu trừng phạt năm 2006.
Ngư dân dọc bờ biển phía nam Iran đã phàn nàn tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc cố tiếp cận ngư trường của họ.
Giới phân tích còn nhận định Bắc Kinh sẽ yêu cầu Tehran giảm giá. Chuyên gia Harrell cho biết dù tỏ ra là “chính nhân quân tử” khi lên án chuyện Mỹ rút khỏi JCPOA, nhưng Trung Quốc dù sao cũng xem chuyện làm ăn là trên hết nên sẽ dựa vào trừng phạt để ép Iran nhượng bộ về giá dầu.
Cẩm Bình (theo Haaretz)