Tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu tờ Washington Post, lập luận rằng việc ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống Mỹ "tạo ra nhận thức thiên vị".
Ngày 25.10, William Lewis, Giám đốc điều hành Washington Post, tuyên bố tờ báo này sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng viên Tổng thống Mỹ nào ở cuộc bầu cử ngày 5.11 sắp tới cũng như trong tương lai.
Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, hôm 28.10 cho biết đây là “quyết định có nguyên tắc” của Washington Post và phủ nhận rằng điều này có liên quan đến lợi ích cá nhân.
Trong bài viết đăng trên trang web của Washington Post, Jeff Bezos lập luận rằng với niềm tin vào các phương tiện truyền thông đang giảm, cần có các bước để đối phó những cáo buộc về sự thiên vị.
“Thực tế là việc ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống Mỹ tạo ra nhận thức về thiên vị, một cảm giác rằng tờ báo thiếu đi tính độc lập. Việc chấm dứt điều này là một quyết định có nguyên tắc. Tôi ước chúng tôi đã thực hiện thay đổi sớm hơn, vào thời điểm xa hơn cuộc bầu cử và những cảm xúc xung quanh nó. Đó là kế hoạch không đầy đủ và không phải là một chiến lược có chủ đích", ông viết.
Jeff Bezos trích dẫn một cuộc thăm dò gần đây của Gallup cho thấy số lượng người tin tưởng vào truyền thông đạt mức thấp kỷ lục.
Gallup là công ty nghiên cứu toàn cầu nổi tiếng, chuyên về các khảo sát và phân tích dữ liệu, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực hành vi con người. Họ cung cấp những cái nhìn sâu sắc về các vấn đề xã hội, kinh tế và tâm lý, giúp các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ đưa ra những quyết định tốt hơn.
Trong suốt 40 năm qua, ban biên tập của Washington Post đã ủng hộ tất cả ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ. Tuy nhiên lần này, Washington Post quyết định không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào vì đây là một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rất căng thẳng và gây chia rẽ.
Jeff Bezos nói rằng báo chí cần phải chính xác, nhưng cũng phải được độc giả coi là chính xác. "Chúng ta phải nỗ lực hơn để kiểm soát những gì có thể kiểm soát để tăng độ tin cậy", ông cho hay.
Ngoài ra, tỷ phú 60 tuổi người Mỹ nói rằng việc một tờ báo ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng không có ý nghĩa nhiều.
"Không có cử tri nào còn đang phân vân ở Pennsylvania sẽ nói: 'Tôi sẽ đi theo sự ủng hộ của tờ báo A'. Không một ai”, Jeff Bezos lý giải.
Ông Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đang ở trong một cuộc đua sát sao để vào Nhà Trắng với Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ, với các cuộc thăm dò cho thấy cả hai đang ngang ngửa ở 7 bang chiến địa có khả năng quyết định kết quả bầu cử.
Jeff Bezos bác bỏ các cáo buộc rằng ông đưa ra quyết định vì lợi ích cá nhân, phủ nhận điều này liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Dave Limp - Giám đốc điều hành Blue Origin (công ty không gian của tỷ phú này) và Trump vào ngày Washington Post thông báo quyết định hôm 25.10.
“Tôi cũng muốn nói rõ rằng không có bất kỳ sự trao đổi lợi ích nào ở đây. Quyết định này được đưa ra một cách độc lập và không có sự trao đổi, thông báo hay thảo luận với bất kỳ chiến dịch tranh cử hay ứng cử viên nào”, tỷ phú giàu thứ hai thế giới viết.
Jeff Bezos cho biết quyết định trên không phải là "sự trao đổi lợi ích" để lấy lòng ông Trump. Nhà sáng lập Amazon nói rằng Dave Limp đã tình cờ gặp ông Trump vào ngày hôm đó.
"Tôi thở dài khi biết điều này, vì biết rằng nó sẽ bị những người phản đối diễn giải theo hướng tiêu cực, như thể đó là quyết định do lợi ích cá nhân thay vì dựa trên nguyên tắc", ông viết.
Mua lại tờ The Washington Post với giá 250 triệu USD vào năm 2013, Jeff Bezos sở hữu hàng loạt các công ty khác, trong đó một số hãng có hợp đồng lớn với chính phủ Mỹ.
Quyết định ngừng ủng hộ bất cứ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào của The Washington Post đã gặp phải sự chỉ trích từ nhiều người, gồm cả các độc giả của chính tờ báo.
Hôm 28.10, hãng truyền thông NPR (Mỹ) đã đăng tải báo cáo, dẫn lời hai nguồn tin giấu tên, rằng Washington Post đã mất 200.000 lượt đăng ký kỹ thuật số kể từ khi thông báo quyết định mới, chiếm 8% tổng số độc giả của tờ báo. Không những thế, The Washington Post phải đối mặt với việc nhân viên từ chức hàng loạt.
Các thành viên ban biên tập The Washington Post tuyên bố từ chức sáng 28.10. Những người này tin rằng tờ báo phải chính thức ủng hộ bà Harris thay vì ông Trump, bị họ mô tả là mối đe dọa với nền dân chủ Mỹ và nền báo chí tự do.
"Tôi tin rằng chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa thực sự về Donald Trump. Tôi thấy thật không thể chấp nhận khi chúng ta mất đi tiếng nói của mình vào thời điểm nguy cấp này", biên tập viên David Hoffman viết trong lá thư từ chức gửi cho lãnh đạo tờ báo.
Quyết định từ The Washington Post theo sau động thái tương tự của Los Angeles Times, tờ báo lớn khác ở Mỹ. Theo trang Semafor, Los Angeles Times chuẩn bị ủng hộ bà Harris nhưng chủ sở hữu là Patrick Soon-Shiong đã ngăn tờ báo này không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào.