Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, kết cấu hạ tầng đô thị của TP.HCM bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số, đặc biệt là hạ tầng ngầm chậm phát triển dẫn đến chất lượng sống của người dân chưa cao.
Sáng 12.6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức họp phiên thứ 63 để thẩm định hồ sơ Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đến nay, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành; hiện có 90/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được quyết định hoặc phê duyệt (trong đó, có 58/63 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, TP.HCM là đô thị đặc biệt của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; là đầu tàu, động lực, có sức hút, lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, TP phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của TP chưa được khai thác hiệu quả; vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của TP chậm đổi mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn trung bình cả nước, có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây; chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp; tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần...
Tổ chức không gian phát triển của TP.HCM còn nhiều bất cập; hạ tầng chưa đồng bộ; quỹ đất phát triển công nghiệp ít, không gian phát triển các khu công nghiệp chưa phù hợp, dẫn tới việc thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước còn hạn chế.
Bộ trưởng nêu rõ: "Cần có cơ chế, chính sách và đầu tư hạ tầng phù hợp để duy trì lợi thế cửa ngõ quốc tế của TP.HCM khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động".
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh kết cấu hạ tầng đô thị của TP.HCM bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số; hạ tầng khung đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm chậm phát triển, dẫn đến chất lượng sống của người dân đô thị chưa cao. Vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển.
Để hoàn thiện quy hoạch, Hội đồng thẩm định đề nghị các chuyên gia phản biện cho ý kiến về vị thế, vai trò của TP đối với vùng, quốc gia; xác định các "điểm nghẽn" phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của TP trong kỳ quy hoạch; làm rõ các kịch bản tăng trưởng của TP trong thời kỳ quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đặt vấn đề về việc phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị; phát triển hạ tầng số. Giải quyết các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng.
Đặc biệt, UBND TP.HCM đã thành lập tổ tư vấn phản biện quy hoạch thành phố gồm những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực; tổ chức các hội thảo xin ý kiến các tỉnh lân cận, tổ tư vấn phản biện và các chuyên gia, nhà khoa học; các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học của Hà Nội và TP.HCM về quy hoạch thành phố. Việc lấy ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan về dự thảo quy hoạch cũng đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
TP.HCM đã nhận được các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có 20 bộ, cơ quan ngang bộ, 4 tỉnh lân cận, tổ tư vấn phản biện quy hoạch, các sở, ngành, quận, huyện và nhiều tổ chức, cá nhân.
Theo ông Phan Văn Mãi, với những nỗ lực hết mình để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; dự thảo báo cáo quy hoạch thành phố cơ bản bám sát, đảm bảo phù hợp về mặt định hướng trong quy hoạch tổng thể quốc gia; các văn bản pháp lý về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ; phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM cũng như thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và gần đây nhất là quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại phiên họp thẩm định, TP mong muốn nhận được ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT và các thành viên hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện để cùng hoàn thiện hồ sơ quy hoạch TP, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.