Theo Thủ tướng, đất nước phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giúp đất nước phát triển nhanh

Thu Anh | 14/12/2021, 18:19

Theo Thủ tướng, đất nước phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cần giải quyết thách thức bằng đổi mới sáng tạo

Chiều 14.12, chương trình “Dấu ấn Techfest và Whise 2021” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2021 được tổ chức tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại Đà Nẵng, TP.HCM, các địa phương và quốc tế.

Đây là sự kiện tâm điểm nằm trong chuỗi hoạt động được tổ chức từ tháng 9.2021 đến tháng 12.2021 do Bộ KH-CN phối hợp cùng UBND TP.HCM, Bộ Ngoại giao, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự đồng hành chiến lược của Tập đoàn Vingroup.

Theo phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại chương trình, những khó khăn, thách thức từ thực tế cần giải quyết bằng đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cho rằng ở giai đoạn hiện nay cần sáng tạo trong chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế.

kh-cn-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-giup-dat-nuoc-phat-trien-nhanh.jpg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Techfest Vietnam 2021 - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Thủ tướng nhấn mạnh đất nước phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trước hết, trong lĩnh vực y tế cần sáng tạo để Việt Nam có thể chủ động kỹ thuật, thuốc điều trị và vắc xin. Ở lĩnh vực giáo dục, cần đổi mới để đào tạo con người Việt Nam thông minh, sáng tạo. Trong nông nghiệp, sáng tạo để mang lại giá trị thặng dư cao hơn…

Theo Thủ tướng, phải có cơ chế để sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ khu vực Viện nghiên cứu, Trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục thu hút và khai thông nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, cá nhân, cộng đồng…

Việt Nam có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD

Theo thông tin từ Bộ KH-CN, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái TP.HCM tăng 46 bậc, xếp vị trí 179…

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 88 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,3 tỉ USD và nhiều lĩnh vực công nghệ tạo dấu ấn lớn, như công nghệ giáo dục, công nghệ y tế...

kh-cn-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-giup-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-2-.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng chia sẻ tại sự kiện - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD (VNG, VNPAY, MOMO) và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Đây cũng là một năm thành công của các startup trong lĩnh vực Fintech, Thương mại điện tử, Food & Beverage, Games và Blockchain.

Cả nước hiện có 208 quỹ đầu tư đang hoạt động, 108 tổ chức đầu tư kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường đại học, cao đẳng có tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.

Trong phiên thảo luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết Bộ KH-CN được Chính phủ giao là đầu mối phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung một số nội dung của Đề án 844 cho phù hợp với thực tế.

Theo Thứ trưởng, nếu không có chính sách mới sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội. Hiện Bộ KH-CN đang hướng dẫn các đơn vị để có các thông tư hướng dẫn cụ thể, đảm bảo hệ sinh thái hoạt động hiệu quả.

Trước đây, hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ làm việc kết nối trong hệ sinh thái, giữa người làm khởi nghiệp với nhà đầu tư. Đến năm 2021, Bộ chọn cách tiếp cận kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bài liên quan
Thừa Thiên – Huế hướng đến chuyển đổi số trong nông nghiệp
Trong tương lai, ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế sẽ thu về được những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích cũng như những cơ hội hợp tác về chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào quá trình đổi số của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giúp đất nước phát triển nhanh