Hiểm trở, khó khăn, đòi hỏi nhiều sức bền... là những đòi hỏi mà cung đường trekking núi Cấm (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đặt ra cho người khám phá.
Cùng tham gia cuộc chinh phục
Để bắt đầu hành trình, chúng tôi cùng đoàn vận động viên lên xe từ TP.Long Xuyên đến thị xã Tịnh Biên vào rạng sáng 29.2, dặn nhà xe thả ngay chỗ Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm.
Từ TP.Long Xuyên đến Khu du lịch núi Cấm, đường khoảng 90km. Lúc này, chỉ mới khoảng 5 giờ sáng, tại Khu du lịch núi Cấm trời vẫn tối, xa xa chỉ le lói vài ánh đèn từ những quán hàng mở sớm.
6 giờ sáng, anh Quốc Duy cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang với cái ba lô to đùng trên lưng xuất hiện tươi cười. Trái ngược hoàn toàn với những gì mọi người trong đoàn tưởng tượng, anh nhỏ gầy, nhưng lộ rõ sự rắn rỏi dày dạn sương gió. Cả đoàn cùng anh Duy hướng thẳng về phía bìa rừng.
Trekking chưa bao giờ là loại hình du lịch trải thảm đỏ. Để qua hết được cánh rừng hùng vĩ, địa hình lồi lõm, tôi và cả đoàn phải chinh phục cung đường 7km, trèo qua các dốc cao, dốc đứng, dĩ nhiên là leo bộ dưới nắng với cái ba lô to oành trên lưng chứa đầy đồ ăn, nước uống.
Khỏi phải nói, nhiều người trong đoàn gục ngay ở bước chân thứ 10 trên ngọn dốc đầu tiên. Cứ thế, đi non chục bước là anh Đặng Đức Phong (ngụ TP.Long Xuyên) lại phải dừng một chốc, thở hổn hển, mọi người thì cứ động viên cố lên, người thì mang giúp ba lô, người thì đẩy phụ anh lên những đoạn dốc đứng.
Đoạn đường đầu tiên mọi người trải qua khá suôn sẻ. Cả đoàn đi xuyên qua những cánh rừng già, râm ran tiếng ve kêu, ánh nắng lấp lánh xuyên qua kẽ lá, có đoạn băng ngang qua những con suối nước trắng xóa tuyệt đẹp nhiều người trong đoàn chưa từng thấy bao giờ, có đoạn cánh đồng thốt nốt rộng lớn, có khu vực vách đá được điểm xuyết vài ngôi nhà tôn nhỏ cheo leo yên bình không thể tả.
Vừa đi anh Duy vừa hướng dẫn cả đoàn, giới thiệu các loại cây, quả rừng. Cứ tưởng phải sang tận trời tây mới được thưởng thức, nào ngờ ngay trong rừng cũng có, lại còn được hứa hẹn một bữa lẩu rau rừng.
Mà dốc ở núi Cấm ngộ lắm nhé, cứ đứng dưới nhìn lên thấy đỉnh ở đâu, y như rằng cố gắng lắm lên được, tới đó lại nhìn thấy một đỉnh khác, cứ thế, cứ thế, dường như những con dốc ở đây chẳng có điểm dừng. Chừng năm bảy lần cố gắng hụt như thế anh Phong đâm ra mặc kệ, "Thôi thì cứ từ từ lết, dù chậm tới cỡ nào thì đi mãi cũng sẽ tới nơi, miễn là mình không bỏ cuộc", anh thổ lộ.
Dốc thì cao, gió thì mát rượi, dập dìu theo tiếng gió, người anh Phong-nhỏ bé-chống gậy liêu xiêu bước từng bước khó nhọc bởi đang cạn sức.
Anh chợt nói ra điều tâm sự rằng mình cũng như nhiều người đã dành cả tuổi trẻ để kiếm tiền. "Khi thân xác này trở nên già cỗi, leo vài bậc cầu thang cũng khó nhọc tưởng chừng núi cao, đôi chân bước vài bước ra ngõ nhỏ đã mệt nhoài, lúc ấy kỳ thực cả gia tài cũng chẳng đổi lại được tuổi thanh xuân", anh Phong bộc bạch.
Bạn Nguyễn Hoài Nam trong đoàn cho biết đây là lần đầu tiên tham gia loại hình trekking. “Tôi rất háo hức tham gia sự kiện này, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa được giao lưu với các cô chú, anh chị yêu thể thao, trải nghiệm những cảm giác mới lạ, hấp dẫn khám phá núi Cấm”, Nam nói.
Nở nụ cười, anh Nguyễn Ngọc Sang (thành viên trong đoàn, ngụ TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Lần trước tôi đã trải nghiệm cung đường trekking 21km, lần này tiếp tục tham gia để rèn luyện sức khỏe, cũng giúp giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Trekking đợt này tôi đã nhiều kinh nghiệm hơn, đem theo những vật dụng cần thiết, gậy leo núi, thức ăn bổ sung nhẹ, giúp đoạn đường trekking thú vị hơn, thoải mái hơn, cảm nhận tuyệt vời hơn”.
Trekking núi Cấm đã trở thành “hiện tượng” mới lạ
Sáng 29.2, tại Khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang cùng Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm tổ chức Chương trình trekking núi Cấm với chủ đề “Năng lượng đầu xuân” lần thứ 2 - năm 2024.
Phát biểu chương trình, ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết, ngày nay, với sự phát triển của đời sống, con người có thể dễ dàng chinh phục những đỉnh núi cao bằng các phương tiện hiện đại như cáp treo, ô tô, xe máy.
Tuy nhiên, đi bộ giữa núi rừng luôn là một trải nghiệm đầy thú vị. Hành trình đó giúp con người vừa có thể rèn luyện thể lực, vừa có thể hòa mình với thiên nhiên.
“Nhận thấy du lịch xanh là xu hướng nổi bật hiện nay, từ năm 2022, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang và Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm đã triển khai loại hình du lịch trekking (đi bộ đường dài) tại núi Cấm. Trong nửa năm, trekking núi Cấm đã trở thành “hiện tượng” mới lạ của du lịch miền Tây”, ông Hiếu nhận định.
Cũng theo ông Hiếu, chương trình trekking lần này, 50 người tham gia sẽ đi bộ đường dài kết hợp leo núi, băng rừng chinh phục cung đường 7km, đi qua những cung đường hùng vĩ với các điểm đến có cảnh quan đẹp, như: cánh đồng thốt nốt, ngã ba đường lên chùa Phật Nhỏ, suối Thanh Long, vườn xoài, và điểm kết thúc tại Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm.
Tại những nơi dừng chân, ban tổ chức còn bố trí các điểm tiếp nước giải khát, thức ăn, trái cây đặc trưng của vùng núi Cấm để người tham gia thưởng thức.