Nếu tính từ thời điểm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp ca sĩ Lệ Mai ở hộp đêm nổi tiếng Tulipe Rouge (hoa tulipe hồng) tại thành phố Đà Lạt vào năm 1964 rồi chia tay, tới cuộc tái ngộ vào buổi chiều nắng đẹp ở Sài Gòn vào năm 1967 thì khoảng cách thời gian của cuộc chia tay và gặp lại rất tình cờ là 3 năm. Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 1)

Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 2)

Một Thế Giới | 18/01/2015, 18:10

Nếu tính từ thời điểm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp ca sĩ Lệ Mai ở hộp đêm nổi tiếng Tulipe Rouge (hoa tulipe hồng) tại thành phố Đà Lạt vào năm 1964 rồi chia tay, tới cuộc tái ngộ vào buổi chiều nắng đẹp ở Sài Gòn vào năm 1967 thì khoảng cách thời gian của cuộc chia tay và gặp lại rất tình cờ là 3 năm. Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 1)

Còn nếu tính thời gian Khánh Ly hát trên sân khấu phòng trà ca nhạc Anh Vũ rồi rời bỏ Sài Gòn về Đà Lạt thì khoảng cách thời gian-không gian là 6 năm. Trong cả hai khoảng thời gian-không gian đó ở hai con người có hai số phận khác nhau này đều có những thay đổi, biến chuyển theo dòng đời và mỗi bước đi của lịch sử.
VÀI NÉT THỜI GIAN VÀ CHUYỂN BIẾN LỊCH SỬ
Gia đình nhà Ngô với 9 năm cai trị độc tài của nền đệ nhất cộng hòa cáo chung bởi cuộc đảo chính của các tướng lãnh quân đội Sài Gòn do tướng Dương Văn Minh (Minh Lớn) cầm đầu, tiếp theo đó là những cuộc đảo chính liên miên để tranh giành quyền lực, lật đổ nhau của các tướng, tá Sài Gòn để rồi Nguyễn Khánh (tướng râu dê) nổi lên như một hiện tượng bát nháo, quái dị trong cuộc đấu đá dưới sự sắp xếp của CIA Mỹ.
Ông tướng để bộ râu dê đặc trưng này khi lên nắm quyền đã phải chống chọi với những cuộc xuống đường biểu tình của thanh niên-học sinh-sinh viên và cuối cùng đã có một cuộc thương lượng vui nhất trong lịch sử đấu tranh của phong trào sinh viên đô thị giữa Nguyễn Khánh và lực lượng biểu tình để thay đổi “Hiến chương Vũng Tàu” theo kiểu nhượng bộ của “tướng râu dê”.
Nhưng rồi Nguyễn Khánh cũng không trụ lại được, vì sau đó không lâu “ông tướng râu dê” đã phải làm trò xách túi đất quê hương rời bỏ “ghế nóng” sống lưu vong ở nước ngoài theo cách dàn xếp của các thế lực chính trị. Thời đệ nhị cộng hòa được thiết lập với cặp đôi bị ép duyên: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu sư trưởng sư đoàn 5 bộ binh và thiếu tướng xếp sòng quân chủng không quân lên nắm quyền. Một người là Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, một người là Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương để chia quyền lực, rồi kế đó là giai đoạn hợp thức hóa chiếc ghế tổng thống cho Nguyễn Văn Thiệu, và chiếc ghế thủ tướng cho Nguyễn Cao Kỳ.
Nhưng đây cũng chính là thời điểm quân Mỹ đổ vào miền Nam ồ ạt để hỗ trợ cho Thiệu-Kỳ đánh phá ra miền Bắc. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam ngày càng khốc liệt. Tiếng B52 xé trời, dội bom xuống miền Bắc. Tiếng súng pháo kích của quân giải phóng miền Nam dội vào thành phố, phong trào đấu tranh đô thị bùng lên mãnh liệt, áp lực của quân giải phóng ngay sát nách Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc chiến Tết Mậu Thân năm 1968.
Lúc ấy giới trẻ miền Nam và tại Sài Gòn mang nhiều tâm trạng, lớp tham gia phong trào đấu tranh tại chỗ, lớp vào chiến khu, lớp còn lại thì phản kháng thụ động, chung chung hoặc bày tỏ thái độ tích cực bằng hoạt động phản chiến. Chính lúc đó nhiều ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn ra đời mang tình tự dân tộc và lập tức được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt.
Trở lại buổi chiều êm ã của Sài Gòn khi Trịnh Công Sơn gặp Lệ Mai sau bao năm xa cách ở góc đường Lê Thánh Tôn-Công Lý nối tiếp lại cuộc gặp định mệnh ở Đà Lạt, lần này nhạc sĩ họ Trịnh lại mở lời mời Lệ Mai ở lại Sài Gòn đi hát với anh. Hát ở đâu?
Trịnh Công Sơn dẫn Lệ Mai vào Hội quán Văn uống cà phê và bàn cho đêm diễn đầu tiên của cặp đôi “du ca” Trịnh Công Sơn-Khánh Ly trên sân cỏ ngay trước cửa quán. Lệ Mai nhìn quanh, cả một không gian và mảnh đất trống, không có sân khấu. Nhạc phong trào thì cần gì sân khấu, chỉ cần người ôm đàn, người đứng hát và khán giả tiềm năng là hàng ngàn thanh niên-sinh viên-học sinh sẽ tới đây. Nghe sướng quá, Lệ Mai gật đầu. Ngay lập tức anh em quán Văn lên một tấm pano quảng cáo bằng vài dòng “đại tự” viết trên tờ giấy báo khổ 1mx65cm, đại loại: “Tối nay tại sân cỏ quán Văn, ca sĩ Khánh Ly và Trịnh Công Sơn trình diễn những ca khúc mới nhất, vào cửa tự do”.
ĐỐT CHÁY SÂN CỎ QUÁN VĂN
Để có một không khí hoàn toàn mới trong một không gian mới cho quán Văn và con chim sơn ca núi đồi Đà Lạt xuất hiện nên thay vì lấy tên ca sĩ Lệ Mai, anh em quán Văn, Trịnh Công Sơn và Lệ Mai nhất trí dùng tên Khánh Ly để “lên” pano quảng cáo. Tối đó không cần bán vé, chỉ tăng tiền cà phê và tăng… ghế ngồi không cần bàn. Những chiếc ghế ngồi hình vuông bằng gỗ, thấp lè tè với một khoảng đất trống đầy cỏ không cần dựng sân khấu thì rất phù hợp với kiểu ngồi dã chiến vừa uống cà phê vừa nghe nhạc mà những chiếc ghế vuông, thấp vừa dùng làm ghế ngồi vừa làm bàn đặt vài ly cà phê cho một đôi tình nhân hay nhóm bạn ngồi vòng quanh thì không còn gì “tận dụng khoảng trống” hơn.
Khánh Ly là nghệ danh của Nguyễn Thị Lệ Mai. Nó mang ý nghĩa gì? Khánh Ly là tên được ghép lại từ tên hai nhân vật lẫy lừng trong bộ “Đông Chu Liệt Quốc”, hai người này là Khánh Kỵ và Yêu Ly, bỏ chữ cuối tên đầu, lấy chữ cuối tên sau thành ca sĩ Khánh Ly. Hay lắm, từ bây giờ và về sau trên vòm trời ca nhạc sẽ có một con chim sơn ca giọng không lãnh lót mà khàn khàn, đục đục, nhừa nhựa, một vài chữ phát âm hơi đớt đớt không “đụng hàng” làm người nghe cô hát ấn tượng đến phát ghiền như một thứ “ma túy” tinh thần phi vật thể xuất hiện. Thế là nhóm nhạc 2 người mới được thành lập còn nóng hổi bắt tay vào tập các ca khúc của Trịnh Công Sơn kết hợp giữa tình ca và “phản chiến”.
Trịnh Công Sơn ôm cây ghi-ta thùng cũ kỹ đã theo anh suốt những ngày lãng du từ Huế-Sài Gòn-Bảo Lộc-Đà Lạt rồi lại Sài Gòn lúc nào cũng dựng ở góc quán Văn. Khánh Ly say sưa hát: Diễm xưa, Tình nhớ, Tình sầu, Tình xa, Ưới mi, Thương một người, Như cánh vạc bay, phôi pha… chuyển qua Đại bác ru đêm, Ca dao mẹ, Xin mặt trời ngủ yên, Người con gái việt Nam da vàng, Ngày dài trên quê hương, Gia tài của mẹ…
Tối đó không thể ngờ, cả một rừng người ngồi phía dưới hướng mắt lên sân khấu. Anh em quán Văn mừng rỡ ôm nhau tự chúc mừng thành công bước đầu của quán cà phê “văn nghệ” đã mở được lối ra tài chánh để “nuôi quân” và nuôi sức bền của một loại hình giải trí mang tên “quán cà phê văn nghệ” khởi thủy ở Sài Gòn trước năm 1975.
Anh em quán Văn có sáng kiến dựng sân khấu cơ động bằng cách lấy những két bia đâu lại với nhau thành một cái sân khấu hình vuông vừa chỗ đứng cho Khánh Ly, còn Trịnh Công Sơn không cần sân khấu, anh ôm đàn cây đàn thùng đứng dưới cỏ. Từ lúc 7 giờ tối, khách đã ngồi dài từ trong ngôi quán nhỏ hẹp ra chật sân cỏ, mỗi người một tách cà phê, ly đá chanh, chai nước ngọt…anh em quán Văn bưng bê, chạy bàn phục vụ khách mệt xỉu, cô thủ quỹ xinh đẹp Nhuệ Giang áo dài vàng, sau bình hoa tím ngồi trên quầy cao thu tiền cũng mệt nghĩ. Đúng 8 giờ chương trình bắt đầu, Khánh Ly bước ra sân cỏ trong chiếc áo dài trắng, mang guốc cao gót y như một nữ sinh trung học. Năm đó cô 20 tuổi, cao vừa, vai gầy guộc, gương mặt trang điểm nhẹ, tóc dài xõa vai, đôi mắt to, sâu đen thăm thẳm. Trịnh Công Sơn tóc dài, bồng bềnh phủ gáy, kiếng cận gọng đồi mồi quen thuộc, đóng thùng, áo mi tay dài rộng thùng thình cố hữu, quần jean xanh bụi bặm một nét rất đặc trưng của phong cách ăn mặc Trịnh Công Sơn thời đó. Anh rất gầy gò, nghệ sĩ từ tâm hồn ra tới hình hài.
Sau mấy dòng “phi lộ” của MC, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn giới thiệu Khánh Ly và Trịnh Công Sơn khởi đầu cho những đêm văn nghệ cuối tuần đặc biệt của quán Văn tiếng vỗ tay rào rào không ngớt nổi lên từ khán giả, mà số đông chỉ biết nhiều về Trịnh Công Sơn chứ chưa biết mấy về Khánh Ly nhưng bầu không khí về đêm của mảnh đất trống trước mặt quán Văn trong khuôn viên phía sau trường đại học Văn Khoa Sài Gòn đã được hâm nóng lên thành một mồi lửa. Hoàng Xuân Sơn giới thiệu ngắn gọn rồi bước xuống, Khánh Ly trong chiếc áo dài trắng nữ sinh nhẹ nhàng vịn vai Trịnh Công Sơn bước lên sân khấu đứng sau micro có chân đứng cao. Ca khúc “Diễm Xưa” được mở đầu cho phần một: “Tình ca”, bằng tiếng đệm đàn quen thuộc của nhạc sĩ họ Trịnh. Khi ca sĩ Khánh Ly cất giọng: “Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thủa mắt xanh xao…”, cả mấy trăm khán giả ngồi bên dưới im phăng phắc. Sau mỗi bài hát là tiếng vỗ tay vang lên để tiếp thêm lửa và khi Trịnh Công sơn chuyển tiếng đệm đàn qua phần nhạc “phản chiến” với bài “Dồng dao hòa bình” giai điệu sôi nổi và Khánh Ly cất giọng ca thì gần như sân cỏ của quán Văn như bị đốt cháy. Khánh Ly hát liên tục hết bài này đến bài khác, hát say sưa và phấn khích đến nổi cô bỏ guốc bước hẳn xuống sân cỏ khi tiếng đệm đàn của Trịnh Công Sơn bị tiếng vỗ tay “át giọng” và chỉ còn giọng hát Khánh Ly với tiếng vỗ tay làm nhịp. Có bài Khánh Ly phải hát tới lần thứ 8 theo yêu cầu của khán giả mà không khí vẫn còn ngùn ngụt. Từ đêm hát như thế, khán giả đã đặt cho Khánh Ly biệt danh”nữ hoàng sân cỏ” hay “nữ hoàng chân đất”.  (còn tiếp)

Ở MỘT NƠI AI CŨNG QUEN NHAU
Đây là tên một truyện ngắn của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn viết về quán cà phê Văn của trường đại học Văn Khoa Sài Gòn cũ. Thời đó, quán cà phê này không chỉ dành cho khách đến đây uống cà phê rồi quen nhau thành bạn hay thành những đôi tình nhân đầy lãng mạn của nhữ đêm cà phê nhạc Sài Sòn mà chính bạn bè thân hữu của nhóm chủ trương quán cũng có thêm bạn mới và đặc biệt Khánh Ly đã không trở về Đà Lạt mà ở luôn lại Sài Gòn để gắn bó với quán Văn, anh em chủ trương quán và nhất là với Trịnh Công Sơn. Họ trở thành một “cặp đôi” văn nghệ của định mệnh mệnh và nhạc của Trịnh Công Sơn được tiếng hát của Khánh Ly đẩy bay vút lên, lan xa và không thể phủ nhận nhờ giọng hát Khánh Ly mà nhạc Trịnh Công Sơn đi sâu, lan rộng vào quần chúng bắt đầu từ ngôi quán Văn, nghèo nàn, xập xệ nhưng hừng hực “máu lửa”. Ngược lại Khánh Ly cũng nhờ nhạc Trịnh Công sơn mà thành danh, trở thành một hiện tượng đặc biệt của thế giới âm nhạc Sài Sòn.
Giai đoạn này Khánh Ly xuất hiện “độc quyền” trên sân cỏ quán Văn vào những đêm cuối tuần và góp phần làm nên hiện tượng “cà phê văn nghệ” của Sài Gòn vì sau đó là hàng loạt các quán cà phê văn nghệ dạng quán Văn được mở ra như Thằng Bờm của nhóm sinh viên Luật khoa ở góc đường Nguyễn Thái Học-Phạm Ngũ Lão, Hầm Gió của nhóm Nam Lộc-Tùng Giang ở đường Võ Tánh ( Nguyễn Trãi) bây giờ. Khánh Ly hòa nhập vào sinh hoạt quán Văn cũng như anh em chủ trương quán như người nhà. Ban ngày hầu như tất cả đều có mặt ở quán để duy trì hoạt động quán và tập những ca khúc mới của Trịnh Công Sơn. Khánh Ly rất vui tánh, tếu táo đủ thứ chuyện trên đời với anh em và gắn bó với điếu thuốc lá như một người bạn không rời. Khánh Ly hút thuốc cán Salem rất sành điệu trong cách cầm hờ hứng điếu thuốc ở hai đầu ngón tay, cách rít thuốc, nhả khói trắng thành vòng tròn khi tư lự.
Chính ở ngôi quán nhỏ này, tiếng hát Khánh Ly đã bay lên như những vòng khói trắng, tản ra trên bầu trời vừa lãng mạn, huyền hoặc để rồi trở thành một Khánh Ly nổi danh, đình đám trên bầu trời ca nhạc miền Nam sau này. Và “ở một nơi ai cũng nhau” ấy Khánh Ly trở thành một cái tên… ai cũng quen biết dù chỉ nghe giọng chứ chưa từng biết mặt cô.
Nhà văn Từ Kế Tường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
11 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 2)