Nếu việc Apple rời khỏi Trung Quốc là sự thật, thì đó sẽ là một kịch bản khá tồi tệ cho nền kinh tế số hai thế giới, khi nó sẽ là một biểu tượng không thể tai hại hơn cho chính sách đàn áp các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc của Bắc Kinh.

Khi người Mỹ chán Trung Quốc, muốn bắt tay với kình địch của Bắc Kinh

23/05/2016, 11:15

Nếu việc Apple rời khỏi Trung Quốc là sự thật, thì đó sẽ là một kịch bản khá tồi tệ cho nền kinh tế số hai thế giới, khi nó sẽ là một biểu tượng không thể tai hại hơn cho chính sách đàn áp các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc của Bắc Kinh.

Kinh tế Trung Quốc đang có một khoảng thời gian khá đen tối, khi một loạt các tin tức xấu dồn dập ập đến với nền kinh tế số hai thế giới. Sau khi liên minh châu Âu (EU) bác bỏ việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc đồng thời xem xét áp thuế nặng lên các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ nước này như thép, thì đến lượt Mỹ chính thức tăng thuế với thép nhập khẩu của Trung Quốc lên 522%, báo hiệu cho một thời gian đầy khó khăn trước mắt của ngành sản xuất thép đang dư cung ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, khi tập đoàn công nghệ nổi tiếng Apple của Mỹ có vẻ như đang có kế hoạch rút khỏi thị trường Trung Quốc sau những va chạm với chính phủ nước này trong thời gian vừa qua. Điểm đến mới của Apple dường như đang là Ấn Độ. Nếu việc Apple rời khỏi Trung Quốc là sự thật, thì đó sẽ là một kịch bản khá tồi tệ cho nền kinh tế số hai thế giới, khi nó sẽ là một biểu tượng không thể tai hại hơn cho chính sách đàn áp các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc của Bắc Kinh.

Chuyến thăm Ấn Độ mới nhất của CEO Apple là Tim Cook đang là một trong những sự kiện nhận được sự chú ý lớn nhất trên thế giới trong những ngày qua, thậm chí còn lớn hơn so với Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Nhật Bản. Việc CEO của một tập đoàn quy mô toàn cầu như Apple thăm Ấn Độ vốn đang là nền kinh tế số ba châu Á không có gì là lạ lùng, khi bản thân tập đoàn công nghệ này luôn có xu hướng đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nó lại diễn ra ngay sau khi mối quan hệ giữa Apple với chính phủ Trung Quốc, nơi đang là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của hãng này, đang trở nên xấu hơn bao giờ hết. Hơn thế nữa, việc Tim Cook có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại càng đặt ra nhiều vấn đề, khi mà từ lâu ông Modi vẫn được biết đến như một nguyên thủ rất ủng hộ việc mời gọi các tập đoàn công nghệ lớn đến Ấn Độ để đầu tư.

Nếu quả thực chuyến đi tới Ấn Độ của CEO Tim Cook nhằm mục đích tạo nền tảng cho một cuộc đổ bộ quy mô lớn của Apple vào quốc gia có dân số thứ hai thế giới này thì cũng không có gì lạ, nếu như nhận ra được mối quan hệ của tập đoàn này với chính phủ Trung Quốc đang xấu đến mức nào. Trong suốt nhiều năm đầu tư ở Trung Quốc, với những cơ sở sản xuất và lắp ráp iPhone ngay tại nước này, đây là lần đầu tiên Apple phải hứng chịu một sức ép lớn đến thế từ chính phủ Trung Quốc. Đầu tháng 5, chính phủ Trung Quốc chính thức ra lệnh cấm đối với hai trong số những dịch vụ sinh lời nhất của Apple ở nước này là iBooks và iTunes mà không có lý do xác đáng, một động thái mang tính hy hữu khi đây là lần đầu tiên Apple bị siết chặt kiểm soát.

Để cứu vãn tình hình với chính phủ Trung Quốc, Apple nhanh chóng tung ra khoản đầu tư trị giá tới 1 tỉ USD vào Didi Chuxing, một startup công nghệ của Trung Quốc tương tự như Uber. Tuy nhiên, sức ép vẫn đang tiếp tục được gia tăng khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng cường việc kiểm tra các sản phẩm công nghệ không chỉ của Apple mà còn của các thương hiệu khác, với mục đích không chỉ để đánh giá tính năng của các thiết bị điện tử mà còn kiểm tra các vấn đề về mã hóa và lưu trữ dữ liệu. Bản thân Apple trong một buổi điều trần cũng đã thừa nhận rằng, Bắc Kinh đã hai lần yêu cầu tập đoàn này chia sẻ mã nguồn sản phẩm nhưng Apple đã từ chối. Việc tăng cường kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ nước ngoài và sản phẩm của họ từ lâu đã là một thói quen của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Có những nguồn tin cho rằng kể cả Facebook nếu muốn gia nhập thị trường Trung Quốc cũng sẽ phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan nước này tương tự như các mạng xã hội nội địa khác như WeChat.

Lẽ dĩ nhiên, một tập đoàn công nghệ đã từ chối cung cấp mã nguồn sản phẩm kể cả cho chính phủ nước mình như Apple sẽ khó có khả năng thực hiện yêu cầu của Bắc Kinh. Cộng với việc doanh thu của tập đoàn này ở thị trường Trung Quốc đang dần sụt giảm mạnh, đang là những lý do để các nhà phân tích cho rằng việc Apple rời khỏi Trung Quốc trong tương lai gần là điều gần như sẽ diễn ra. Theo báo cáo kinh doanh của Apple, doanh số iPhone của Apple trong quý I năm nay đã giảm khoảng 10 triệu máy so với cùng kỳ 2015, trong đó thị trường Trung Quốc sụt giảm tới 26%. Sự sụt giảm doanh số iPhone của Apple lại diễn ra đồng thời với việc tăng doanh số mạnh mẽ của các hãng smartphone nội địa như OPPO hay Vivo.

Đã có những phân tích cho rằng thị trường tiêu thụ smartphone tại các thành thị lớn Trung Quốc đã ở mức bão hòa, và miếng bánh còn lại đang nằm ở khu vực nông thôn, nơi chiếm một nửa dân số Trung Quốc có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.000 USD/năm. Tuy nhiên, mấu chốt để thâu tóm miếng bánh còn lại này chủ yếu nằm ở giá thành sao cho phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn, và các hãng smartphone nội địa Trung Quốc đang làm rất tốt điều này, trong khi đây lại là điểm yếu của Apple. Các dòng iPhone của Apple hầu hết đều nằm ở phân khúc cao cấp và có giá thành cao, thấp nhất cũng lên tới 500 USD. Việc Apple chấp nhận sản xuất các dòng smartphone giá rẻ để cạnh tranh ở thị trường nông thôn Trung Quốc có thể sẽ hủy hoại hình ảnh chuyên sản xuất các mặt hàng công nghệ chất lượng cao của hãng này, đồng nghĩa với một hành động mang tính tự sát.

Vì thế, việc chính phủ Trung Quốc gia tăng sức ép và kiểm soát lên hoạt động kinh doanh của Apple vốn đã khá ảm đạm ở thị trường nước này, đang được xem là giọt nước tràn ly. Trong bối cảnh đó, dễ hiểu khi Apple muốn chuyển mục tiêu sang Ấn Độ, nơi có tầng lớp trung lưu phát triển vào diện nhanh nhất thế giới. Theo tính toán, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ sẽ tăng số lượng khoảng 4 lần từ nay đến năm 2020 để đạt mốc khoảng 200 triệu người, và tiềm năng của thị trường này sẽ lớn hơn nhiều so với phần còn lại ở thị trường Trung Quốc.

Nói cách khác, miếng bánh Apple nhắm đến ở Ấn Độ đang bé hơn so với miếng bánh còn lại ở Trung Quốc (200 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ so với khoảng gần 700 triệu dân cư nông thôn Trung Quốc), nhưng chắc chắn là miếng bánh béo bở hơn nhiều. Chưa kể đến việc kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và mức chi tiêu của người dân nước này đang sụt giảm, trong khi Ấn Độ đang là nền kinh tế được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, và một tầng lớp trung lưu giàu có đang ngày càng gia tăng. Chính phủ và luật pháp ở Ấn Độ cũng không có thói quen kiểm soát khắt khe theo kiểu phi thị trường như ở Trung Quốc.

Nếu Apple rời khỏi Trung Quốc và chuyển đến Ấn Độ trong tương lai, thì đó có thể sẽ là giọt nước làm tràn chiếc ly đầu tư nước ngoài tại nền kinh tế số hai thế giới. Có thể nó sẽ kéo theo sự ra đi của cả những ông lớn khác như Microsoft, Qualcomm và hàng loạt các tập đoàn lớn khác, vì nền kinh tế Trung Quốc đã không còn là một mảnh đất màu mỡ khi đã bị vắt kiệt trong nhiều năm qua, chưa kể sức ép chính trị và quản lý từ phía chính phủ nước này đang ngày càng bức bối hơn. Sau sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc (lên tới hàng tỉ USD trong vài năm gần đây), sự ra đi của Apple có thể kích hoạt nốt sự dịch chuyển còn lại của các thương hiệu lớn nhất thế giới khỏi nước này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Genk, CafeF)

Bài liên quan
Apple ấp ủ phiên bản Siri trò chuyện tốt hơn cho iOS 19 để bắt kịp OpenAI và Google ở cuộc đua AI
Apple đã phát hành bản beta của Intelligence vào tháng 10, nhưng vẫn thiếu nhiều tính năng so với các gã khổng lồ công nghệ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
10 phút trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi người Mỹ chán Trung Quốc, muốn bắt tay với kình địch của Bắc Kinh