Steve đã phản đối khi được phân công đọc tài liệu trước khi lên lớp vì tin rằng thầy cô giáo phải giữ vai trò chủ yếu, tức là dành phần lớn thời gian ở lớp cho việc giảng bài.

Khi sinh viên cho rằng chỉ thầy cô giáo lười mới yêu cầu học sinh đọc tài liệu

H.V | 19/02/2022, 10:48

Steve đã phản đối khi được phân công đọc tài liệu trước khi lên lớp vì tin rằng thầy cô giáo phải giữ vai trò chủ yếu, tức là dành phần lớn thời gian ở lớp cho việc giảng bài.

“Tôi đã đuổi cậu ta khỏi lớp”

Một cô giáo than phiền với tôi: “Học sinh ngày nay không như nhiều năm về trước: ít chuyên cần hơn, không chú ý nghe giảng, thậm chí còn có thái độ vô lễ khi thầy cô giáo phê bình”.

Tôi giải thích cho cô ấy: “Chúng ta, những thầy cô giáo, làm mọi điều chúng ta cho là cần thiết để giúp học sinh học. Một số học sinh có thể chưa nhận ra điều đó ngay bây giờ, nhưng trong tương lai, họ sẽ cảm kích về những điều chúng ta đã làm”. Tiếp đó, tôi chia sẻ với cô ấy kinh nghiệm quản lý lớp học của tôi như sau:

Tôi đã dạy môn Nhập môn hệ thống máy tính trong nhiều năm. Đây là môn học cơ bản mà sinh viên các ngành kỹ thuật cũng như các ngành xã hội như kinh doanh, nghệ thuật và âm nhạc đều phải học. Mặc dù nhiều người thích môn này và nói rằng nó giúp họ hiểu nhiều hơn về các công nghệ máy tính và ảnh hưởng của nó đến thế giới nhưng cũng có nhiều người cảm thấy không hứng thú với môn này.

Khi học sinh không thích học, họ thường bỏ lớp hoặc ngồi trong lớp nhưng xem email hay nhắn tin cho bạn bè thay vì chú ý tới bài giảng. Cách phản ứng của phần lớn các thầy cô là xem như không thấy và tiếp tục giảng bài như không có gì xảy ra. Một số người tin rằng nếu học sinh không muốn học, họ sẽ bị điểm xấu hoặc thậm chí trượt môn học, thì đó là vấn đề của họ.

Tôi không đồng ý với quan điểm này, nên trong tất cả những lớp tôi dạy, tôi rất nghiêm khắc với học sinh để buộc họ phải học. Vào ngày đầu tiên của môn học, tôi đặt ra những yêu cầu như sau: Học sinh phải đến lớp chuyên cần, đọc tài liệu được phân công trước khi đến lớp, tham gia thảo luận trên lớp, tập trung chú ý, không nói chuyện, không ngủ hay làm việc riêng trong lớp, không mở laptop, không dùng điện thoại thông minh hay làm những việc gây xao lãng cho người khác.

Tôi đưa ra những hình phạt nghiêm khắc là học sinh vi phạm sẽ bị trừ điểm, thậm chí không được tiếp tục học. Tôi đưa ra quan điểm rõ ràng rằng trong lớp của tôi, mọi người đều phải học cùng nhau và tôn trọng lẫn nhau, vì tất cả chia sẻ chung một trách nhiệm là làm cho lớp trở thành một môi trường học tập tích cực.

Tôi xem lớp học là một “xã hội thu nhỏ”, trong đó thế hệ trẻ đã đủ trưởng thành về mặt tâm và trí để biết áp dụng những điều mình học được vào cuộc sống. Những tình huống mà chúng ta xây dựng trong lớp học nói lên tầm nhìn của chúng ta về xã hội tương lai, trong đó các công dân trẻ là những người đóng vai trò chủ đạo.

Thỉnh thoảng, tôi cũng gặp những “ca khó” với những học sinh bướng bỉnh. Tôi nhớ một trong những sinh viên “nổi loạn” nhất có tên là Steve, một người thường xuyên gây rối trong lớp. Steve học ngành kinh doanh, vì vậy cậu ta nghĩ rằng không cần phải học về máy tính. Nhưng môn này là một môn học bắt buộc đối với sinh viên trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị. Ngay trong tuần đầu tiên, Steve đã phản đối khi được phân công đọc tài liệu trước khi lên lớp vì tin rằng thầy cô giáo phải giữ vai trò chủ yếu, tức là dành phần lớn thời gian ở lớp cho việc giảng bài.

quote_loikhuyendanhchothayco-4-.jpg

Cậu ta cho rằng thầy cô giáo lười nên mới yêu cầu học sinh đọc tài liệu. Dù tôi đã giải thích cho lớp về những lợi ích của việc đọc tài liệu trước khi lên lớp và tại sao chúng ta cần lặp lại một khái niệm ít nhất ba lần để có thể lưu giữ nó vào trong trí nhớ (ba lần đó là: đọc tài liệu trước khi lên lớp, thảo luận trên lớp và đúc kết sau thảo luận), cậu ta vẫn không cảm thấy thuyết phục. Steve không những không đọc tài liệu được phân công mà cậu ta còn trao đổi riêng ngày càng nhiều trong giờ thảo luận. Tôi đã nhiều lần cảnh cáo mà cậu ta vẫn tỏ ra bất phục tùng bằng cách mở laptop và làm việc riêng trên lớp.

Sau buổi học, cậu ta còn nói rằng tôi đã làm phiền cậu ta trước mặt bạn gái của cậu ta trong lớp. Tôi bảo Steve rằng cậu ta cũng gây phiền toái cho tôi bằng việc bỏ qua lời cảnh cáo của tôi và biểu lộ thái độ không tôn trọng. Sau vài lần cảnh cáo mà không có kết quả, tôi đã đuổi cậu ta khỏi lớp. Tôi nói: “Dù em cần hoàn thành môn này để tốt nghiệp nhưng tôi nghĩ chúng ta không đạt được thỏa thuận. Em có thể học môn này với một giảng viên khác mà em cảm thấy phù hợp hơn”.

“Điều em đã học được từ lớp của thầy”

Tôi không gặp Steve trong vài năm, mãi đến gần đây, cậu ta bất ngờ xuất hiện trong văn phòng của tôi. Cậu ta đã tốt nghiệp và đang làm việc cho một công ty tiếp thị ở New York.

Steve tới để xin lỗi về hành vi trước đây của mình: “Em rất tiếc về việc em đã làm. Có thể thầy đã không hề biết rằng em đã học được rất nhiều từ lớp học của thầy. Dù em chỉ học ở lớp của thầy trong ba tuần, nhưng thời gian đó đã giúp em thay đổi quan điểm của mình về nghề nghiệp của em. Em đã từng nghĩ rằng mục đích của việc bán hàng và tiếp thị là thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của công ty, nhưng thầy đã dạy em rằng khách hàng ngày nay có thể truy cập đủ loại thông tin, họ biết bản thân cần gì và họ có ngày càng nhiều lựa chọn hơn. Vì vậy, chỉ dựa vào khả năng thuyết phục của người bán hàng là chưa đủ.

Để thành công, các công ty phải hiểu nhu cầu của khách hàng trước khi phát triển sản phẩm thay vì tạo ra sản phẩm rồi trông đợi ở người bán hàng. Trong thế giới mà công nghệ là then chốt này, chức năng của ngành kinh doanh và tiếp thị là dùng công nghệ thông tin để hiểu nhu cầu của khách hàng, để giúp công ty phát triển sản phẩm đúng hướng. Càng biết rõ về nhu cầu của khách hàng hay những vấn đề mà khách hàng gặp phải, họ sẽ càng có khả năng đưa đến giải pháp tốt nhất cho khách hàng.

loikhuyendanhchothayco-8-.jpg

Do đó, công nghệ là chìa khóa quyết định sự thành công của họ. Thay vì đơn thuần bán sản phẩm, họ bán cho khách hàng giải pháp cho vấn đề của khách hàng. Đây là điều em đã học được từ lớp của thầy và điều đó đã giúp ích em rất nhiều trong nghề nghiệp của em”.

Steve nói thêm: “Em đã rất bực tức khi thầy đuổi em, nhưng em thích cách thầy giải quyết tình huống như vậy. Nhờ sự cương quyết của thầy, con người kiêu ngạo của em đã trở nên khiêm nhường hơn, và em đến để xin lỗi thầy về cách hành xử của em lúc đó. Em muốn thầy biết rằng thầy là một trong những thầy cô ‘khó’ mà em luôn nhớ và em rất cảm kích những nỗ lực của thầy”.

Học sinh cần hiểu kiến thức được học và nghề nghiệp tương lai. Ngày càng có nhiều học sinh vào đại học, nhưng phần đông các em chưa được chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với môi trường đại học. Một số học sinh không được trang bị đủ kỹ năng, một số khác không có mục tiêu học tập rõ ràng, và phần đông các em không biết rằng việc học đại học đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn ở trường phổ thông. Thầy cô giáo nên giải thích cho học sinh, sinh viên những kiến thức và kỹ năng họ sẽ học được trong môn học và tại sao môn học này là cần thiết. Nếu không được giải thích, các em sẽ không tự giác nỗ lực trong việc học và sẽ không tích cực tham gia vào các hoạt động học tập trong lớp.

Theo "Lời khuyên dành cho thầy cô" – GS John Vu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi sinh viên cho rằng chỉ thầy cô giáo lười mới yêu cầu học sinh đọc tài liệu