5 nghi can vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự liên quan tới sai phạm tại Dự án xơ sợi Polyester Đình Vũ.

Khởi tố 5 bị can - nguyên lãnh đạo tại Dự án xơ sợi Polyester Đình Vũ

Nam Phong | 20/06/2017, 14:39

5 nghi can vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự liên quan tới sai phạm tại Dự án xơ sợi Polyester Đình Vũ.

>>Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ

Thông tin từ Bộ Công an cho hay, ngày 19.6.2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định số 32/C46 khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 165 Bộ luật hình sự) xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và các đơn vị liên quan.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra các Quyết định khởi tố 5 bị can, ra Lệnh bắt tạm giam 4 bị can và Lệnh khám xét đối với 5 bị can, gồm:

1. Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX.

2. Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc PVTEX.

3. Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX.

4. Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX.

5. Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC.KBC.

5 người này bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự. Trong đó,riêng Bị can Đỗ Văn Hồng đã bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty PVC và PVC.KBC.

Trong số các bị can kể trên, ông Vũ Đình Duy từng giữ chức Tổng giám đốc Pvtex. Sau khi bị giáng xuống chức Phó Tổng giám đốc PVTex vì công ty thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, ông Vũ Đình Duy được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Công thương Hải Phòng.

Tiếp đến, ông Vũ Đình Duy được bổ nhiệm giữ chức cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp của Bộ Công Thương. Đến tháng 4-2016, ông này được điều động và bổ nhiệm về Vinachem.

Sau khi những thông tin thua lỗ tại xơ sợi Đình Vũ gây "nóng", ông Vũ Đình Duy bắt đầu vắng mặt tại Vinachem từ cuối tháng 10-2016.

Ông Duy sau đó có hai đơn xin nghỉ ốm gửi lãnh đạo tập đoàn, trong đó nêu lý do "xin nghỉ để đi nước ngoài chữa bệnh".

Sau nhiều lần liên lạc bất thành, Vinachem đã gửi văn bản báo cáo chính thức tới Bộ Công Thương. Ngày 1-12-2016, ông Vũ Đình Duy bị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc ông Vũ Đình Duy đang ở đâu.

Bộ Công an cho hay, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kết luận và kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra số 2634/KL-TTCP ngày 3.10.2016 và Kết luận thanh tra số 2632/KL-TTCP ngày 3.11.2016 của Thanh tra Chính phủ.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, PVTEX là chủ đầu tư, nhưng trước khi phê duyệt dự án đã không thực hiện tổ chức thẩm định, xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi của dự án. PVTEX cũng không thẩm định tổng mức đầu tư như quy định, mà phê duyệt luôn, dẫn đến hậu quả thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian sản xuất thử và sản xuất không ổn định.

Thanh tra Chính phủ kết luận: “Do chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm, có phần buông lỏng quản lý, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, chưa rõ ràng, nhiều điều khoản mâu thuẫn và không được thực hiện trong thực tế... gây thiệt hại về kinh tế chưa thể xác định được”.

Cơ quan thanh tra chỉ rõ, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTEX từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên những quyết nghị của Bộ Công Thương và các nghị quyết của PVN đã đẩy tỷ lệ vốn củaPVN tại PVTEX tăng từ 56% lên 75% là trái với chỉ đạo của Thủ tướng.

Nguyên nhân lỗ được xác định ngoài yếu tốkhách quan do thị trường tiêu thụ khó khăn, còn chủ quan do PVN, Vinatex là đại diện chủ sở hữu vốn tại PVTEX chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh; còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát dẫn đến chi phí tăng cao (chi phí đào tạo là hơn 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay là hơn 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt lên tới hơn 35,7 triệu USD); tiến độ thi công công trình chậm, lực lượng cán bộ công nhân lớn (thực tế tại thời điểm 30.6.2015 là 1.025 người, trong khi yêu cầu của dự án là 830 người) làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm cao; trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm khó tiêu thụ…

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỉ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời yêu cầu PVTEX xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư. Đồng thời, xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 14.11.2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết đang nghiêm túc, khẩn trương rà soát lại toàn bộ các dự án của các tập đoàn, tổng công ty thiếu hiệu quả, thua lỗ, có khả năng mất vốn như gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ... Tuy nhiên, công việc này cần nhiều thời gian vì liên quan tới khuôn khổ pháp lý, liên quan tới nhiều bộ ngành.

“Cơ chế quản lý, điều hành với các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề lớn, cần nhiều Bộ ngành tham gia, sau buổi làm việc này, Bộ sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ”, Bộ trưởng cho biết.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi tố 5 bị can - nguyên lãnh đạo tại Dự án xơ sợi Polyester Đình Vũ