Điều kỳ lạ nữa trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư thì không chỉ xác định Kinh Dương vương là vua đầu tiên của người Việt mà còn xác định luôn cả gốc gác lâu đời trước nữa của Kinh Dương Vương là từ bên... Trung Quốc.

Không chấp nhận sử chép Lạc Long Quân có nguồn gốc từ Trung Quốc

20/12/2017, 12:54

Điều kỳ lạ nữa trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư thì không chỉ xác định Kinh Dương vương là vua đầu tiên của người Việt mà còn xác định luôn cả gốc gác lâu đời trước nữa của Kinh Dương Vương là từ bên... Trung Quốc.

Đền thờ Kinh Dương vương - Ảnh: Internet

Kỳ 1: Sử gia nhà Nguyễn phủ nhận yếu tố hoang đường của Con Rồng - Cháu Tiên

Kỳ 2: Thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ vẫn tiến bộ hơn huyền sử của Trung Quốc​

Kỳ 3: Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và chuyện hòa giải dân tộc

Chúng ta đều coi các vua Hùng là quốc tổ của con dân nước Việt. Nhưng chúng ta cũng coi Lạc Long Quân là cha của Hùng vương đầu tiên vì theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra 100 người con và con đầu lên ngôi làm Hùng Vương thứ nhất. Vậy gọi là Lạc Long Quân hay vua Hùng là quốc tổ thì chuẩn xác hơn? Đây là điều khiến nhiều người khá lúng túng.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh tiếp theo là cần gọi cha của Lạc Long Quân và ông nội của Hùng vương thế nào cho phải đạo? Điều có lẽ ít người biết rằng cha của Lạc Long Quân trong truyền thuyết là Kinh Dương Vương.

Các triều đại phong kiến đã coi Kinh Dương vương như cha của Lạc Long Quân và xác định ông mới là vị vua đầu tiên, thủy tổ của người Việt. Theo báo Bắc Ninh, làng Á Lữ (ở Thuận Thành, Bắc Ninh), xa xưa còn có tên là “Phúc Khang”, từ lâu đời các bậc tiền nhân dựng lên 2 ngôi đền thờ phía Tây làng thờ các bậc thủy tổ dân tộc: Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương và Đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Với quan niệm của người xưa thì bậc trên thờ ở đền Thượng, bậc dưới ở đền Hạ nên cách bài trí việc thờ tự như vậy cũng phần nào nói về vị trí của Kinh Dương Vương rất cao.

Trong khuôn viên đền ngày nay có tấm bia đá xanh cao 1,05m, rộng 0,45m, mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng” bia khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tháng 11, ngày 16 dựng xong lăng; trước lăng có đại tự “Nam bang thủy tổ” và câu đối “Việt nam sơ đầu xuất – Hồng bàng vạn đại xương” và “Lập thạnh kỷ công nam thánh tổ, Phong thần tổ tích bắc thần tôn”, cùng một số bát hương sành, sứ cỡ lớn hoa văn cổ kính…

Ba gian trong – gian giữa có long ngai sơn son thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái có ngai đặt trên bệ thờ Âu Cơ, gian bên phải có ngai đặt bệ thờ Lạc Long Quân, cùng với hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú như: mâm đồng, đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng… Cách bài trí như vậy đã cho thấy vị trí của Kinh Dương Vương cao hơn cả Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong đền có 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ. Trong số 15 đạo sắc trên thì có 9 đạo phong cho Kinh Dương Vương, 1 đạo phong cho Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Về Kinh Dương vương, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép: “Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương”.

Thực ra, các sử gia nhà Nguyễn khi đó cũng hoài nghi về độ chân thực của Kinh Dương vương nên muốn bỏ đi các đoạn ghi chép về Kinh Dương vương. Vua Tự Đức cũng đồng ý nên trong bộ sử nhà Nguyễn thì Kinh Dương vương không được chép như một triều đại mà chỉ một phần nằm trong thời kỳ Hùng Vương. Còn trong Đại Việt sử ký toàn thư trước đó thì Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng vương được chép riêng trong kỷ Hồng bàng thị.

Điều kỳ lạ nữa trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư thì không chỉ xác định Kinh Dương vương là vua đầu tiên của người Việt mà còn xác định luôn cả gốc gác lâu đời trước nữa của Kinh Dương Vương là từ bên... Trung Quốc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [KinhDương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân”.

Cần nhớ Viêm Đế hay Thần Nông cũng là vua thứ 2 theo huyền sử của người Trung Quốc (sau Phục Hy). Việc chính sử nước ta trước thời Nguyễn chép Kinh Dương Vương là hậu duệ của Viêm Đế có vẻ hơi thừa thãi và thiếu thuyết phục. Thậm chí, có thể đặt ra nghi vấn phải chăng trong quá trình đô hộ, giới cai trị phương Bắc bịa ra nguồn gốc của Kinh Dương vương, Hùng vương là con cháu ngành thứ của Viêm đế. Nhưng có thể tin các sử gia từ thời Lê trở về trước muốn thể hiện thái độ ngang hàng với Trung Quốc nên chấp nhận ý tưởng vua người Việt và vua người Trung Quốc đều có địa vị ngang nhau.

Đến các sử gia nhà Nguyễn thì họ thay đổi quan niệm không muốn thủy tổ người Việt dính dáng gì đến gốc gác phương Bắc như ghi chép trước nữa. Vậy nên, họ mới dâng tấu cần thay đổi để phủ nhận vị trí của Kinh Dương vương trong chính sử.

Các sử gia thời kỳ nào của nước ta cũng có tính tự tôn dân tộc rất cao, dù họ ở thời Lê hay Nguyễn. Chỉ có điều, quan điểm của họ nhìn về một vấn đề và cách xử lý là khác nhau. Kinh Dương Vương, Lạc Long quân hay Hùng vương? Ai nên gọi là Quốc tổ của người Việt? Điều đó không quan trọng bằng việc hãy nghĩ rằng người Việt cùng chung một gốc và chúng ta có cội nguồn, nền văn minh của riêng mình.

Chúng tôi một lần nữa khẳng định lại rằng: huyền sử hay lịch sử buổi đầu chưa có ghi chép là một vấn đề khó không chỉ ở Việt Nam mà ở trên cả thế giới vì không có tài liệu tin cậy để khảo cứu. Trong các bài viết về chủ đề này, chúng tôi không hề đưa ra kết luận mà chỉ nêu ra một gợi mở để mọi người suy ngẫm. Chúng tôi tin rằng các câu chuyện trong Lịch sử không chỉ để thuộc, nhớ mà còn để suy ngẫm.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công bố kết quả kiểm tra sau phản ánh 'giá vé máy bay tăng cao'
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo về kết quả rà soát, kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không chấp nhận sử chép Lạc Long Quân có nguồn gốc từ Trung Quốc