Tình hình giải ngân vốn đã chậm nay càng chậm hơn do tác động của dịch bệnh. Lo ngại không đạt kế hoạch và chỉ tiêu giải ngân đề ra, nhiều Bộ ngành đề nghị trả lại tiền vốn đầu tư đã được giao.
Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỉ đồng, trong đó số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương để nhập vào Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) là 56.700 tỉ đồng, trong đó: dự toán giao cho các Bộ, ngành trung ương là 18.216 tỉ đồng và dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỉ đồng.
Tính đến hết ngày 24.6 vừa qua, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỉ đồng), trong đó các Bộ, ngành đạt tỷ lệ 82,5% (15.030 tỉ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ 86,4% (33.256 tỉ đồng).
Đối với các Bộ: 7/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài trên Tabmis; 4/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; riêng Bộ NN&PTNT nhập dưới 50% dự toán (do dự kiến hủy khoảng 50% dự toán).
Đối với các địa phương: 59/62 địa phương đã nhập và phân bổ Tabmis trên 50% dự toán vay nước ngoài; 2/62 địa phương còn lại nhập và phân bổ dự toán đạt tỷ lệ dưới 50% so với dự toán được giao là Hà Nam (17,7%), Đăk Nông (42,2%); riêng Hải Dương, theo thông tin trên hệ thống Tabmis chưa nhập và phân bổ dự toán (dự toán được giao là 115,2 tỉ đồng).
Bộ Tài chính đánh giá tình hình dù đã cải thiện nhưng vẫn xuất hiện tình trạng Bộ ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn. Ví dụ như: Bộ NN&PTNT đề nghị chuyển 1.808 tỉ đồng/3.638 tỉ đồng dự toán của Bộ để cho các Bộ, địa phương khác, hay Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đề nghị "rút" số tiền 300 tỉ đồng/400 tỉ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học KHCN Hà Nội do Dự án không thể giải ngân theo kế hoạch
Bộ KHĐT giao sai dự toán như giao cho Bộ GD&ĐT và 16 tỉnh tham gia Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 vay ADB từ nguồn chi theo cơ chế tài chính trong nước sang ghi thu ghi chi nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.
"Số còn lại chưa phân bổ, theo thông tin từ các cơ quan chủ quản, chủ yếu do các nguyên nhân: đến cuối năm 2019, nhiều dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016-2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để thực hiện, hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn, đề nghị chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác", Bộ Tài chính cho biết.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính lo ngại với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Theo cơ quan này, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ (đặc biệt là WB) đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.
Theo đó, cơ quan này kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Đặc biệt, các đơn vị khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân.
Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.
Đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn đã bị hủy do không kịp giải ngân theo dự toán và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của dự án, đề nghị các cơ quan chủ quản tổng hợp để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KHĐT xem xét để đảm bảo tuân thủ cam kết với nhà tài trợ và đảm bảo cho dự án không bị chậm trễ trong quá trình thực hiện...
Tuyết Nhung