Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi ngay khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Thông tư số 11/2020/TT-BCT bao gồm 5 Chương, 42 Điều và 08 Phụ lục ban hành kèm theo. Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA áp dụng với đối tượng là cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thương nhân. Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA.
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Việc cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng hóa xuất khẩu đi EU theo EVFTA được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công Thương ủy quyền.
Việc sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một trong những hành động cụ thể về xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước nằm trong Kế hoạch hành động triển khai Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan ngay khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.
So với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia, như các FTA của ASEAN với các nước đối tác hay các FTA song phương, theo Bộ Công Thương, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo.
Vì dụ, một số mặt hàng như: dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ… được xem là những điểm mới trong Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, theo quy định tại Hiệp định EVFTA, vào ngày EVFTA có hiệu lực, hàng hóa đang ở tại một nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định với điều kiện nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu.
"Thông tư số 11/2020/TT-BCT được ban hành là điều kiện cần để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế quan ngay những ngày đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên để sớm nắm bắt và tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần phải có những hiểu biết đúng đắn về quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT để không bỡ ngỡ hay nhầm lẫn khi áp dụng. Chính vì vậy, sau khi ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động phổ biến, tuyên truyền và giới thiệu Thông tư tới cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan", Bộ Công Thương cho hay.
Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Tuyết Nhung