Nếu tôi không trả lại thì người trúng cũng không biết đâu, ông Dũng cứ nghĩ là đã mất rồi. Khi tôi đi đổi được 28 triệu đồng và đem tiền đến trả thì ông Dũng hỏi tôi thiếu ổng tiền gì mà trả”, anh Nhuận nói.
Nghèo nhưng không tham lam
Mấy ngày qua, người dân trên địa bàn xã Vĩnh Thuận, H.Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang râm ran câu chuyện về anh bán vé số nghèo nhưng có tấm lòng cao thượng, không tham lam khi nhặt được 2 tờ vé số trúng giải nhì trị giá 15 triệu đồng. Người bán vé số đó chính là anh Nguyễn Văn Nhuận (33 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận). Trao đổi với PV về sự việc, anh Nhuận nói, người mà anh vừa trả lại 2 tờ vé số trúng giải là ông Lê Văn Dũng, ngụ ấp Đập Đá 2, xã Vĩnh Phong, H.Vĩnh Thuận.
Theo lời của anh Nhuận, thì ông Dũng là khách hàng thân quen với anh, thường hay mua số “ruột” là 68, 86. Anh Nhuận kể: “Hôm ấy là ngày 25.7, khi tôi đi bán vé số thì ông Dũng gọi vào mua 2 tờ, sau đó ông mượn quyển sổ để dò số nhưng không biết mình trúng giải nên đã kẹp lại 2 tờ số trúng vào quyển sổ để tôi bỏ đi. Lúc ấy, tôi cũng không để ý, đến chiều về nhà lật ra dò lại thì thấy trúng giải nhì 15 triệu đồng nên tôi quyết định trả lại”.
Anh Nhuận đội mưa đi bán vé số - Ảnh: Thanh Trần
Hai tờ vé số của ông Dũng mua trúng giải là vé số do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Long An phát hành, mở thưởng ngày 25.7 với dãy số 59686. “Nếu tôi không trả lại thì người trúng cũng không biết đâu, ông Dũng cứ nghĩ là đã mất rồi. Khi tôi đi đổi được 28 triệu đồng (trừ chi phí - PV) và đem tiền đến trả thì ông Dũng hỏi tôi thiếu ổng tiền gì mà trả. Tôi nói tiền ổng trúng 2 tờ vé số hôm bữa ổng dò rồi kẹp vào sổ tôi. Ông ấy rất vui mừng và rút cho tôi 2 triệu đồng. Của người ta thì nên trả lại, tôi không bao giờ hối hận nếu tiếc là tôi đã giữ lại rồi”, anh Nhuận nói.
Hoàn cảnh gia đình anh Nhuận rất khó khăn, anh học hết lớp 3 thì nghỉ, sau đó đi làm thuê để lo cho gia đình. Hiện tại anh sống cùng cha mẹ già, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Anh Nhuận hành nghề bán vé số từ nhiều năm nay. Hằng ngày, anh phải đi bộ gần 20 km đường để bán vé số kiếm tiền phụng dưỡng phụ mẫu. Trung bình mỗi ngày anh thu nhập khoảng hơn 200.000 đồng từ việc bán vé số.
Anh Nhuận chia sẻ: “Nói thật, tiền ai mà không thích nhưng với điều kiện tiền đó phải là của mình làm ra. Trước giờ tôi chưa bao giờ cầm được số tiền lớn như vậy. Khi đi đổi 2 tờ số trúng để lấy tiền trả cho ông Dũng thì tâm trạng tôi lo lắng lắm, lo vì sợ đi đường người ta biết mình có tiền rồi chặn lại lấy mất. Cũng may là không sao và cuối cùng số tiền ấy về đúng túi của chủ sở hữu”.
Bà Trần Thị Biết (72 tuổi - mẹ anh Nhuận) nhớ lại: “Tôi rất đồng tình với việc con mình trả lại tiền cho người trúng giải. Gia đình tôi nghèo thật, nhưng tôi thường dạy con cái không tham lam của người khác. Sống ngay thẳng, có đức ở đời thì lo gì đói khổ. Việc con trai tôi trả lại 2 tờ vé số trúng, vợ chồng tôi rất mừng và hãnh diện. Mình nghèo thiệt, nhưng của người ta mà mình giữ lại ăn thì làm sao ngốc đầu lên nổi. Còn người mất thì họ buồn tiếc lắm chứ, con tôi nónhặt được cũng chẳng vui vẻ gì”.
Theo bà Biết, ban đầu do đã có ý định trả lại cho người mất nên anh Nhuận không dám nói thật với cha mẹ vì sợ họ can ngăn. Khi thấy anh Nhuận trằn trọc suốt đêm không ngủ được, vợ chồng bà Biết sợ anh đau bệnh nên rặng hỏi. Cuối cùng, anh Nhuận mới thuật lại việc mình đang cầm trong tay 2 tờ số trúng giải nên vợ chồng bà Biết cùng thống nhất với anh Nhuận là trả lại cho người trúng. Bà Biết nói: “Nghe con nói thì tôi khuyên con nên trả lại chứ đừng nên giữ, chẳng thà mình trúng thì mình giữ. Còn không phải của mình thì đem trả cho người ta, nếu họ thương cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu”.
Cha mẹ anh Nhuận bên căn nhà xập xệ - Ảnh: Thanh Trần
Thời điểm chúng tôi đến, nhà chỉ gặp được cha mẹ của anh Nhuận. Trong căn nhà xập xệ, rách nát, trống trước hở sau, bà Biết cùng chồng là ông Nguyễn Văn Trên (72 tuổi – cha anh Nhuận) đon đả tiếp khách rất nhiệt tình. Trong cơn mưa chiều, ông Trên còn bước vội đi gọi xe ôm rước anh Nhuận về tiếp chuyện, tránh để gặp chúng tôi chờ lâu. Thấy vậy, chúng tôi bảo khỏi kêu xe ôm, để chúng tôi đi đón. Tuy nhiên, ông Trên khước từ: “Để bác kêu xe ôm cho nhanh, chớ cháu có biết đường sá đâu mà đón. Không khéo lại lạc, mất thời gian lắm”.
Khi nghe chúng tôi hỏi, tại sao gia đình không giữ lại số tiền đó để sửa sang lại căn nhà cho khỏi dột đổ vào mùa mưa mà quyết định đem trả? Ông Trên chắc giọng: “Tôi biết chứ, nhưng làm vậy lương tâm không cho phép. Tôi rất hiểu tính thằng Nhuận, nó không bao giờ tham lam của ai bất cứ cái gì dù nhỏ nhặt. Con làm điều tốt thì vợ chồng tôi rất đồng tình.
Đó là số tiền lớn mà trước giờ gia đình tôi chưa ai cầm được, nếu giữ lại sửa chữa căn nhà lại cho tươm tất thì đó là niềm vui cho gia đình. Tuy nhiên, mình lấy số tiền ấy trong khi nó không phải của mình thì sau này làm ăn cũng không phất lên được”. Ông Trên còn nói, anh Nhuận là người con hiếu thảo, anh từng tâm sự với cha mẹ, anh đi bán vé số dành dụm tiền để sửa sang lại căn nhà tươm tất hơn để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
Bí thư Huyện ủy gửi thư khen vì hành động đẹp
Nói về anh Nhuận, bà Nguyễn Thị Sạn (hàng xóm) nhận xét: “Gia cảnh của Nhuận rất nghèo, nhưng Nhuận rất cần cù, chịu thương chịu khó. Trước đây, Nhuận còn theo mẹ lên Sài Gòn rửa chén thuê nữa. Khó khăn là vậy nhưng Nhuận không bao giờ tham lam của ai, bất cứ cái gì. Nó thiệt tình lắm, việc làm của nó là rất cao thượng nên tôi rất cảm kích”.
PV có hỏi bà có tiếc cho anh Nhuận khi không lấy tiền đó để sửa chữa ngôi nhà? Lúc này, bà Sạn cũng bộc bạch rằng, bà cảm thấy tiếc cho gia đình anh Nhuận khi anh không giữ lại số tiền đó để lo cho cuộc sống gia đình. “Nó không nói ra mà giữ lại thì cũng có ai biết đâu. Tôi cũng thấy tiếc lắm, nhưng nó không làm vậy vì có tấm lòng nhân hậu không tham lam. Ở xóm này ai mà không quý mến nó”, bà Sạn nói thêm.
Cảm phục trước hành động đẹp của anh Nhuận, ngày 31/7 vừa qua, ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận đã viết thư ngợi khen. Ông Hồ viết: “Tôi được biết ngày 25.7 vừa qua, anh Lê Văn Dũng, ngụ ấp Đập Đá 2, xã Vĩnh Phong đã dò số và cho rằng không trúng nên đưa anh Nhuận, bỏ đi. Khi về nhà, anh Nhuận phát hiện thấy 2 tờ vé số của anh Dũng đã trúng giải nhì mỗi vé 15 triệu đồng. Dù bản thân anh chỉ đi bán vé số kiếm sống qua ngày và gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng với tấm lòng thật thà, ngay thẳng anh Nhuận đã nhờ người tìm gặp anh Dũng để trả lại 2 tờ số trúng thưởng”.
Theo ông Hồ, việc làm của anh Nhuận đã làm lan tỏ những hành động đẹp trong cộng đồng, nêu gương người tốt việc tốt, được mọi người kính phục. Nghĩa cử của anh Nhuận đã khiến cho mọi người cảm thấy ấm lòng. Bởi vì giữa xã hội đầy bon chen, náo nhiệt khiến khi mọi người đều có tâm lý hoài nghi đủ chuyện thì vẫn còn có những người chất phát, lương thiện như anh Nhuận. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn chọn cho mình lối sống trong sạch, không tham lam tài sản của người khác dù còn bao nhọc nhằn với gánh nặng mưu sinh.
Giấy khen của UBND H.Vĩnh Thuận khen tặng anh Nhuận - Ảnh: Thanh Trần
“Tôi trân trọng ghi nhận và gửi lời khen ngợi nghĩa cử cao đẹp của anh. Việc làm của anh xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo”, ông Hồ viết trong thư khen anh Nhuận. Để khích lệ, động viên tinh thần anh Nhuận không tham lam của người khác, ngay trong ngày 31.7, ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Thuận đã ký tặng giấy khen cho anh Nhuận với thành tích trả lại 2 tờ số trúng thưởng cho người mất.
Thanh Trần