Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị không giao quản lý, cấp GPLX sang Bộ Công an, không tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến trong quá trình xem xét Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Liên quan việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Hiệp hội này cho rằng đây là hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân sự, nếu chuyển sang cho Bộ Công an quản lý là không phù hợp.
Mặt khác, nguyên tắc chế định trong pháp luật nước ta là cơ quan tổ chức thực thi và cơ quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm phải độc lập với nhau.
Với mô hình hiện nay, ngành GTVT quản lý còn ngành Công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì công an xử lý. Tổ chức quản lý như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ phát sinh tiêu cực.
“Trong trường hợp ngành công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?”, Hiệp hội Vận tải ô tô nêu.
Hơn nữa, hiệp hội này lo ngại việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe cho lực lượng vũ trang sẽ tạo ra khó khăn khi công nhận và đổi giấy phép lái xe giữa các nước, vì hầu hết việc cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia khác do các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực dân sự thực hiện. Đặc biệt, việc này sẽ tác động đến tổ chức bộ máy ngành GTVT và sẽ phát sinh lãng phí.
Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ngành GTVT đã xây dựng, đào tạo bộ máy quản lý từ cấp bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 63 Sở GTVT. Đồng thời, không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý. Vì vậy, nếu chuyển nhiệm vụ này sẽ gây xáo trộn và lãng phí.
Không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích, trong quản lý hoạt động GTVT và giao thông đường bộ, đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn là hai mục tiêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu tách ra thành 2 luật sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cho rằng hầu hết nội dung trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Trong khi báo cáo tổng kết thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 cho thấy, các nội dung của luật về cơ bản được triển khai có hiệu quả, không thấy có nội dung nào vướng mắc đến mức phải tách thành 2 luật.
“Luật Giao thông đường bộ là một trong các luật chuyên ngành GTVT, nếu tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật thì có cần tách các luật khác như Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt... thành 2 luật không?”, Hiệp hội Vận tải ôtô đặt vấn đề.
Với hàng loạt căn cứ đưa ra, Hiệp hội cho rằng không cần thiết và không thể tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Tại phiên thảo luận tổ ngày 11.11, nhiều đại biểu quốc hội băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Theo ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, giao thông đường bộ bao gồm 4 yếu tố: kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người và quy tắc giao thông. Nay nếu tách ra thì sẽ không còn thống nhất, đồng bộ. “Sau này nếu tách tiếp hàng không, đường thủy, đường sắt nữa thì có lẽ phải bỏ Bộ GTVT”, ông Bộ nói và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, không tách nữa.
Về chuyển thẩm quyền đào tạo cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ông Bộ cho biết, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước nêu rõ, đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ khác. Trong khi đó, 25 năm nay việc thực hiện nhiệm vụ quản lý này về đào tạo cấp GPLX của Bộ GTVT cơ bản ổn định.
“Hiện tượng làm giả giấy tờ hiện nay có nhiều, ví như bằng đại học rồi cả chứng minh nhân dân và hộ chiếu. Vậy với lý do bị làm giả thì có chuyển thẩm quyền cấp bằng cử nhân từ Bộ GD&ĐT sang Bộ Công an không? Có chuyển cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu từ Bộ Công an sang bộ khác không”, ông Bộ đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, hồ sơ của các dự án còn sơ sài, chưa thuyết phục đại biểu. “Làm luật và xử lý vi phạm luật là hai vấn đề khác nhau. Bộ Công an không chỉ xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà tất cả các vi phạm khác từ giáo dục, văn hóa, tiền tệ, ví dụ như vấn đề tín dụng đen đang rất nhức nhối, song không vì thế mà chuyển tín dụng sang cho Bộ Công an được. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ, cái gì lợi và tốt thì thực hiện”, ông Lượng nói.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng băn khoăn về việc tách luật này, vì giao thông tĩnh và động đều quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách một cách cơ học như thế.
Theo ông Phong, điểm đáng chú ý là giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Lý do được đưa ra trong tờ trình là do có hiện tượng bằng giả, đào tạo sát hạch có tiêu cực. Tuy nhiên, nói về vấn đề này, theo ông Phong “ngành nào chẳng có”.
“Cần tăng cường kiểm tra, xử lý thôi, nói mà chuyển hết qua thì sổ đỏ cũng có giả, chứng minh thư cũng có giả, hộ chiếu cũng có giả, bằng cử nhân, thạc sĩ cũng có giả... Nếu để cho thật hết thì chuyển hết qua công an”, ông Phong nói, đồng thời cho biết, hiện chỉ có 3 - 4 nước giao vấn đề quản lý này cho công an còn lại hơn 40 nước thuộc ngành giao thông quản lý.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định, việc xây dựng luật như vậy có thể sẽ dẫn tới tình trạng “không tin ai cả”, chỉ tin mỗi bản thân mình.
“Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều, có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn”, ông Kiên nói và cho rằng, sau buổi thảo luận này cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lấy ý kiến đại biểu quốc hội xem có nên tách luật không.