Hoạt động sản xuất và bán lẻ của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh trong tháng 4 khi các vụ phong tỏa trên diện rộng đã giam công nhân và người tiêu dùng trong nhà và làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng, phủ bóng lên viễn cảnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kinh tế Trung Quốc tuột dốc do phong tỏa vì COVID-19

Quỳnh Yên | 22/05/2022, 13:52

Hoạt động sản xuất và bán lẻ của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh trong tháng 4 khi các vụ phong tỏa trên diện rộng đã giam công nhân và người tiêu dùng trong nhà và làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng, phủ bóng lên viễn cảnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc (TQ) đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ hoặc từng phần những trung tâm kinh tế lớn trong cả nước trong tháng 3 và 4, kể cả đô thị đông dân nhất là Thượng Hải, làm ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu dùng và gia tăng nguy cơ đối với những khu vực của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc nặng nề vào TQ.

Theo trang Euractiv, doanh số bán lẻ tháng 4 đã sụt giảm 11,1% so với năm trước, đây là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.2020 theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia TQ.

Sản xuất công nghiệp giảm 2,9% so với năm trước, một sự sụt giảm mạnh kể từ tháng 2.2020 khi các biện pháp chống dịch gắt gao làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và làm tê liệt hệ thống phân phối.

Các nhà phân tích cảnh báo sự tụt dốc của kinh tế TQ hiện tại khó xử lý hơn là sự tụt dốc lúc đại dịch coronavirus mới bùng phát đầu năm 2020 vì xuất khẩu nay khó có khả năng bật tăng cao hơn và các nhà làm chính sách gặp hạn chế trong các chọn lựa.

Các nhà phân tích thuộc Capital Economics nói rằng trong khi điều tồi tệ nhất có hy vọng sẽ qua đi thì nền kinh tế TQ vẫn sẽ phải tiếp tục vật lộn để trở về xu hướng trước đại dịch.

Số liệu kinh tế kém cỏi khiến các cổ phiếu blue-chips chìm trong sắc đỏ. Sản lượng công nghiệp quanh lưu vực sông Dương Tử, bao gồm cả Thượng Hải, giảm 14, 1% trong tháng 4, trong khi ở khu vực đông bắc giảm 16,9%. Cả hai khu vực đều chứng kiến doanh số bán lẻ giảm hơn 30%.

Cùng với sự sụt giảm sản lượng công nghiệp, sản lượng lọc dầu cũng giảm 11% trong tháng 4, với sản lượng hàng ngày thấp nhất kể từ tháng 3.2020. Sản lượng điện tháng 4 cũng giảm 4,3%, rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020.

“Trong tháng 4, tác động của dịch bệnh lên hoạt động kinh tế tương đối lớn, nhưng tác động đó là ngắn hạn và chỉ bên ngoài”, phát ngôn viên của Văn phòng Thống kê TQ, Fu Ling Hui cho biết. Fu nói ông hy vọng kinh tế TQ sẽ cải thiện trong tháng 5, với việc các thành phố Cát Lâm, Thương Hải và các thành phố khác kiểm soát được sự bùng phát dịch.

Đầu tư tài sản cố định mà TQ dựa vào để thúc đẩy nền kinh tế khi xuất khẩu chậm lại, đã tăng 6,8% trong 4 tháng đầu năm so với chỉ tiêu đặt ra là 7%.

trungquoc2.jpg
Ảnh chụp ngày 9.5 tại Thượng Hải. Một người đàn ông đang đi ngang qua một sĩ quan cảnh sát trong bối cảnh thành phố này đang phong tỏa vì COVID-19. Theo số liệu báo cáo ngày 9.5, số ca mắc COVID-19 ở thành phố này giảm, nhưng vẫn trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, dù đã 6 tuần liên tiếp - Ảnh: Epa-Efe / Alex Plavevski

Tiêu dùng và việc làm đều bị ảnh hưởng

Thống kê cho thấy thu nhập của khu vực dịch vụ phục vụ giảm 22,7% trong tháng 4 do hàng quán bị đóng cửa ở một số tỉnh. Doanh số bán xe ô tô giảm 47,6% khi các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng vì thiếu linh kiện lắp ráp và các showroom vắng khách hàng.

Doanh số bán bất động sản giảm 46,6% so với năm trước, bước giảm nhanh nhất kể từ năm 2010, do tình trạng phong tỏa khiến nhu cầu bị đóng băng.

Cú sốc do COVID-19 cũng tác động tới thị trường việc làm mà Bắc Kinh bây giờ coi là ưu tiên chính sách hàng đầu nhằm duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội. Tỉ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát trên toàn quốc đã tăng lên 6,1% trong tháng tư, mức cao nhất kể từ tháng 2.2020 và cao hơn mục tiêu của chính phủ là 5,5%.

Mục tiêu xa

Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu chính thức của TQ là tăng trưởng 5,5% năm 2022 ngày càng tỏ ra khó đạt được với việc duy trì chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt. Trong quý 1 kinh tế TQ đã tăng trưởng 4,8%.

Phong tỏa rộng ở Thượng Hải và xét nghiệm kéo dài ở Bắc Kinh càng tăng thêm nỗi lo về tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm, nhà kinh tế Nie Wen ở Thượng Hải nói. “Vẫn có khả năng tăng trưởng GDP đạt 5% năm nay nếu dịch COVID-19 chỉ ảnh hưởng trong tháng 4 và tháng 5. Nhưng virus lây lan mạnh tới mức tôi vẫn lo về tăng trưởng trong thời gian tới”.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho rằng việc phong tỏa thành phố Thượng Hải có tác động rất xa. Với năng suất của các nhà máy còn thấp, có khả năng tăng trưởng kinh tế TQ chỉ dừng ở mức 4 - 5% trong một số năm tới, theo ANZ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc tuột dốc do phong tỏa vì COVID-19