Hết Thủ tướng Anh đến Tổng thư ký NATO gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đó là cả lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển gọi điện nhưng không lay chuyển được quan điểm của Ankara.

NATO vận động hành lang tất bật nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết ngáng đường Thụy Điển và Phần Lan

Anh Tú | 22/05/2022, 07:33

Hết Thủ tướng Anh đến Tổng thư ký NATO gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đó là cả lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển gọi điện nhưng không lay chuyển được quan điểm của Ankara.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận về những lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ với các nhà lãnh đạo của Thụy Điển và Phần Lan trong các cuộc điện đàm hôm thứ bảy.

Theo tuyên bố do Bộ phận Truyền thông của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã thông báo cho Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson về những lo ngại của Ankara liên quan đến các hoạt động của đảng Công nhân người Kurd PKK cùng chi nhánh YPG và Nhóm Khủng bố Gulenist (FETO) ở Thụy Điển. Đồng thời, ông Erdogan nói rằng quốc gia ứng cử viên NATO nên chấm dứt hỗ trợ tài chính, chính trị và vũ khí cho các nhóm như vậy.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara luôn ủng hộ chính sách mở cửa của NATO nhưng nhấn mạnh đoàn kết là điều cần thiết cho an ninh của các nước thành viên, cũng như an ninh tập thể.

Ankara hy vọng Stockholm sẽ thực hiện các bước nghiêm túc để giải quyết mối quan ngại của mình liên quan đến các nhóm khủng bố, đòng thời ông Erdogan nói thêm rằng tuyên bố rằng các phần tử khủng bố PKK / YPG đã chiến đấu với nhóm khủng bố Daesh, không phản ánh thực tế.

Các lệnh hạn chế vũ khí của Thụy Điển đối với Thổ Nhĩ Kỳ là một chủ đề khác được đưa ra trong cuộc trò chuyện. Ông Erdogan cho biết các chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria là kết quả của sự cần thiết do mối đe dọa khủng bố trong khu vực gây ra và Ankara hy vọng Stockholm sẽ dỡ bỏ các hạn chế.

Trên Twitter, Thủ tướng Andersson đánh giá cao lời kêu gọi của Ankara và nói rằng Thụy Điển mong muốn "tăng cường quan hệ song phương của chúng tôi, bao gồm cả về hòa bình, an ninh và cuộc chiến chống khủng bố."

Trong khi đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto trong một cuộc điện đàm mà Helsinki thừa nhận họ chính là bên chủ động. Ông Erdogan lưu ý rằng lập trường bỏ qua các yếu tố gây ra mối đe dọa an ninh cho một đồng minh không phù hợp với tinh thần của liên minh.

Trên Twitter, ông Niinisto mô tả cuộc trò chuyện là "cởi mở và trực tiếp." Hai Tổng thống cũng nhất trí rằng sẽ tiếp tục đối thoại chặt chẽ giữa Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tổng thống đã thảo luận về tư cách thành viên NATO của Phần Lan, an ninh của toàn bộ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương và cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Niinisto tuyên bố rằng Phần Lan lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức của nó.

Niinisto cũng nói với Tổng thống Erdogan rằng, với tư cách là các đồng minh NATO, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết bảo vệ an ninh của nhau và mối quan hệ song phương sẽ được củng cố.

Tổng thống Erdogan cũng đã nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người thừa nhận những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi tiếp tục đối thoại để tìm giải pháp.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ sáu rằng mối quan hệ của Thụy Điển và Phần Lan với các cá nhân và tổ chức hoạt động dưới sự kiểm soát của nhóm khủng bố YPG / PKK tạo thành "vấn đề chính" trong hồ sơ gia nhập NATO của họ.

Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO vào 18.4 - một quyết định được thúc đẩy bởi cuộc chiến của Nga với Ukraine, bắt đầu vào 24.2.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên sáng lập của liên minh, đã lên tiếng phản đối việc đăng ký thành viên, chỉ trích các nước này dung túng và thậm chí hỗ trợ các nhóm khủng bố. Đích thân Tổng thống Erdogan đã phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Ông cáo buộc Stockholm, và ở mức độ thấp hơn là Helsinki, ủng hộ PKK và các nhóm khác mà Ankara coi là khủng bố và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO, cũng cáo buộc hai nước Bắc Âu áp đặt hạn chế xuất khẩu thiết bị công nghiệp quốc phòng sang Thổ Nhĩ Kỳ và không dẫn độ được các nghi phạm bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ truy nã.

Theo Ankara, trong chiến dịch chống khủng bố kéo dài hơn 40 năm thì PKK, bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, phải chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 40.000 người.

Đồng thời, Ankara cáo buộc FETO và thủ lĩnh đang sống tại Mỹ Fetullah Gulen đã dàn dựng cuộc đảo chính bị đánh bại vào ngày 15.7.2016, khiến 251 người thiệt mạng và 2.734 người bị thương.

Ankara cáo buộc FETO đứng sau một chiến dịch kéo dài nhằm lật đổ nhà nước thông qua việc xâm nhập vào các cơ quan của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là quân đội, cảnh sát và tư pháp.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cũng cho biết ngoại trưởng Thụy Điển  Ann Linde hôm 20.5 đã đưa ra "thông tin sai lệch" về Thụy Điển và PKK. "Do sự lan truyền rộng rãi của #disinformation về (Thụy Điển) và PKK, chúng tôi muốn nhắc lại rằng chính phủ (Thụy Điển) của Olof Palme là người đầu tiên sau (Thổ Nhĩ Kỳ) liệt PKK là một tổ chức khủng bố, vào năm 1984", Bộ  Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trên Twitter.

Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây khá căng thẳng sau cuộc đảo chính bất thành cách đây 6 năm. Ngoài ra, việc các nước châu Âu ngăn không cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU càng khiến khoảng cách giữ Ankara và Brussels thêm xa cách. Trong khi đó, quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây có vẻ khăng khít hơn do Nga đã ủng hộ ông Erdogan trong vụ chống đảo chính 2016 và họ có một số lợi ích chung trong vấn đề ở Syria.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO vận động hành lang tất bật nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết ngáng đường Thụy Điển và Phần Lan