Đầu tháng 2.1966, Tổng thống Johnson triệu tập “hội nghị thượng đỉnh” Việt – Mỹ tại Honolulu. Phía Sài Gòn chỉ được báo trước có …2 ngày! Gấp gáp quá, diễn văn của “thủ tướng”  Kỳ không soạn kịp và phải phác thảo trên máy bay.

Kỳ 10 - Bữa cơm gây oán của thị trưởng Đà Nẵng đãi “người hùng” Honolulu

Một Thế Giới | 27/11/2014, 09:12

Đầu tháng 2.1966, Tổng thống Johnson triệu tập “hội nghị thượng đỉnh” Việt – Mỹ tại Honolulu. Phía Sài Gòn chỉ được báo trước có …2 ngày! Gấp gáp quá, diễn văn của “thủ tướng”  Kỳ không soạn kịp và phải phác thảo trên máy bay.

Trước khi lên đường, theo yêu cầu phía Mỹ cần có mặt một tư lệnh Quân đoàn (đại diện cho 4 quân đoàn thuộc 4 vùng chiến thuật miền Nam) và Sài Gòn chọn Nguyễn Chánh Thi. Tướng Nguyễn Cao Kỳ điện khẩn ra Đà Nẵng bảo Thi chuẩn bị đi họp “thượng đỉnh”, nhưng Thi nổi đóa, phang: “Dù chỉ hai thường dân mời nhau ăn bữa cơm, thì cũng không thể mời một cách khiếm nhã như thế được”, thành ra giờ cuối đoàn Sài Gòn vắng Nguyễn Chánh Thi.
Đến nơi, phía Mỹ hiện diện khá “hùng hậu”: ngoài Tổng thống Johnson , có Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng quốc phòng Mac Namara, Trợ lý quốc phòng Mc Naughton, cố vấn trưởng đối ngoại Mc George Bundy, Bộ trưởng Nông nghiệp Orville Freeman, Bộ trưởng Y tế Giáo dục và Phúc lợi John Gardner, các tướng Earle Wheelr, W.Westmoreland, Maxell Taylor, Đô đốc Grant Sharp và các đại sứ: Henry Cabot Lodge, Averell Hamman và Leonard Unger.
Nguyễn Chánh Thi nhận định Thiệu, Kỳ qua họp chỉ để nhận “chỉ thị” về “Mỹ hóa” cuộc chiến Việt Nam. Còn Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký là tại hội nghị, Johnson đã “chấm dứt lắng tai nghe” diễn văn của Kỳ. Khi Kỳ dứt lời “Johnson đã vươn mình về phía tôi” và khen “Thật hay, thủ tướng đã nói giống như một người Hoa Kỳ” (!!!). Kỳ viết: “Tôi thích Johnson và ngay từ lúc đầu chúng tôi đã ý hợp tâm đầu”. Phần Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Hữu Có ngồi hai bên Kỳ, đối diện với Johnson, họ chủ yếu gật, hoặc lắc, đôi lúc tỏ đồng tình bằng cách…nhoẻn cười!

Báo chí Sài Gòn thời đó “điểm tin Honolulu” viết là “Johnson cưng chiều Kỳ quá” đến nỗi trong bữa cơm trưa, Johnson dành phần lớn thời giờ đàm đạo với Kỳ, còn quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu phải chịu cảnh ngồi rờ râu cằm ngó trần nhà! Vào đêm cuối cùng của hội nghị, Johnson mời Kỳ- Thiệu với Westmoreland uống vài ly. Sau đó, theo Kỳ, Johnson nói nhỏ: “Mời Thủ tướng đến phòng ngủ của tôi độ vài phút…” Đóng cửa lại, Johnson nói nếu Kỳ không thấy trở ngại thì Phó Tổng thống Hubert Humphrey cùng đi với Kỳ về Việt Nam. Đây là điều khiến Kỳ ngạc nhiên vì không có mặt Humphrey tại đó. Johnson điện về Hoa Thịnh Đốn bảo Humphrey đến Honolulu ngay.

-         Humphrey sẽ có mặt ở đây trước khi máy bay của thủ tướng cất cánh.

Humphrey và Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện bên nhau tại cầu thang máy bay trước mắt công chúng. Đó là hình ảnh đầy “tính hợp tác Việt – Mỹ” có công năng thông báo nhanh chóng đến dư luận sự ủng hộ của chính phủ Johnson đối với “nội các chiến tranh” của Kỳ. Về Sài Gòn, Kỳ cấp tiền cho 4 vùng chiến thuật biểu tình hoan hô thành quả Honolulu. Đến 19.2 Kỳ gửi công điện cho biết sẽ ra thăm các “chiến lợi phẩm”. Thi trả lời: “Vùng 1 không có gì để triển lãm” và cũng không tổ chức hoan hô “Lulu”.

Từ Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ điện đàm với tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh là Nguyễn Văn Chuân tìm người thay thế Nguyễn Chánh Thi. Nguyễn Văn Chuân đâm thọc sao đó để đại tá Nguyễn Văn Thiện bị cách chức thị trưởng Đà Nẵng trước. Thi tính sau. Đại tá Thiện cho biết như vậy tại lễ bàn giao; người nhậm chức tân thị trưởng là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn. Ông thị trưởng này rất bực mình với danh xưng “chính phủ của dân nghèo” do Nguyễn Cao Kỳ làm “thủ tướng”.

Buổi ra mắt chính phủ này, các “bộ trưởng” tổng ủy viên ăn mặc áo ngắn tay, tỏ rõ quyết tâm làm “cách mạng”. Họ kéo lên Đà Lạt họp tại Dinh số 1, bàn bạc chương trình hành động biện minh cho sự có mặt của quân Mỹ và “đồng minh” ngày càng đông tại miền Nam. Cuối buổi họp, ăn cơm xong, bàn ghế được dọn dẹp để các thành viên “chính phủ của dân nghèo” nhảy đầm.
Nguyễn Chánh Thi thuật lại: buổi đó một số “gái gọi” được đưa đến “để hầu các tướng lãnh”  (chữ Thi dùng). Thị trưởng Mẫn muốn chơi “thủ tướng” của cái chính phủ “nghèo” đó, nên hôm Kỳ ra thăm Đà Nẵng vào 1.3.1966, đã mời Kỳ một bữa cơm đạm bạc đúng nghĩa tại Tòa Thị chánh, Nguyễn Chánh Thi viết:
Ông thị trưởng là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn dường như cố ý cho Kỳ một bài học, nhất định đãi một bữa cơm đơn sơ, nhất định không đem rượu cho Kỳ uống (mặc dù Kỳ đòi phải có rượu uống trước khi ăn cơm). Đã thế, ông còn buông một câu làm Kỳ tím mặt:  “Chúng tôi theo gương “chính phủ của dân nghèo” xin thủ tướng hiểu cho! Đợi cho Kỳ thấm thía, bác sĩ Mẫn hỏi tiếp: -Thiếu tướng ra kỳ này chắc phải có tin mừng cho chúng tôi? Cao Kỳ nói: “-Hôm nay, Hoa Kỳ vừa chấp thuận 4,8 tỷ Mỹ kim cho chiến tranh Việt Nam, và họ hứa sẽ ủng hộ tôi hết mình”.
Nghe vậy, ông Thi “kê tủ đứng” vào miệng Kỳ mấy câu, như: “Tiền của ấy chỉ tăng thêm chết chóc, tăng thêm đĩ điếm, tham nhũng, rác rưởi…”. Ngồi lặng một lúc, Kỳ đốp lại: “Nếu anh (Nguyễn Chánh Thi) có ý nghĩ như thế, tôi đề nghị anh cầm đầu một phái đoàn đi ngoại quốc xem sao”.
“Đi ngoại quốc” trong tình huống đó là tín hiệu bị thất sủng, sắp mất quyền: Ông Thi biết Kỳ không dọa chơi. Bữa ăn tiếp tục lạnh nhạt, buồn nản. Kỳ ngó lảng đi nơi khác, nhưng tâm ý chắc hẳn vẫn chăm chăm đến chuyện trả đũa thị trưởng Mẫn và bãi chức Thi. Chả thế mà vài tháng sau, khi cuộc đấu tranh miền Trung nổ lớn, báo chí hỏi Kỳ:

-         Nghe nói ông thị trưởng Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn là người Công giáo, nhưng lại giúp đỡ đồng bào Phật giáo miền Trung biểu tình chống Chính phủ Sài Gòn. Có thật thế không?

Nguyễn Cao Kỳ trả lời đầy hằn học: “- Không cần biết. Chỉ biết rằng, một là chính phủ này sụp đổ, hai là tên thị trưởng Mẫn bị bắn chết!”. (còn nữa)

Mai Nguyễn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 10 - Bữa cơm gây oán của thị trưởng Đà Nẵng đãi “người hùng” Honolulu