Phượng hoàng là cái tên Việt Nam của phoenix, như eagle là đại bàng vậy thôi. Nhưng số phận của những nhạc sĩ trong ban nhạc này sẽ vất vả...

Kỳ cuối: Tôi và đôi cánh phượng hoàng

23/08/2016, 11:14

Phượng hoàng là cái tên Việt Nam của phoenix, như eagle là đại bàng vậy thôi. Nhưng số phận của những nhạc sĩ trong ban nhạc này sẽ vất vả...

10. Đôi cánh của phượng hoàng

Hơn một thập niên hoàng kim của nhạc trẻ làm sao tôi có thể kể cho đủ những ca sĩ, nhạc sĩ, ban nhạc tên tuổi của Sài Gòn. Có ít nhất 3 lần “đại hội “ trong trên dưới 3 năm, tại: Lasalle Taberd, Sở thú (Thảo cầm viên), Tao đàn…

Tôi chọn một ban nhạc có khuynh hướng Việt hóa âm nhạc của nước ngoài, họ cũng có những nhạc sĩ sáng tác xuất sắc thành một dòng chảy riêng không lẫn vào ai. Ban Phượng hoàng với Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang là những thủ lĩnh…

Phượng hoàng là cái tên Việt Nam của phoenix, như eagle là đại bàng vậy thôi. Nhưng số phận của những nhạc sĩ trong ban nhạc này sẽ vất vả, sống trong sợ hãi bởi lẽ nhiều năm sau đó, khi chiến tranh kết thúc, ở một thể chế khác họ bị quy kết dính líu vào một chiến dịch tình báo cùng tên, “chiến dịch phượng hoàng“, mà chả có ai là tình báo cả. Họ đơn thuần là những người trẻ tuổi sáng tác và chơi nhạc. Thứ âm nhạc của những khắc khoải, âu lo nhưng cũng nồng nhiệt của thế hệ mình.

Nguyễn Trung Cang, tác giả của những Mặt trời đen, Thương nhau ngày mưa, Huyền thoại một loài hoa trắng, Hãy nhìn xuống chân… là người mất sớm nhất trong ban nhạc. Lê Hựu Hà của Tôi muốn, Cười lên đi em ơiĐồng xanh – green field Việt hóa bất hủ. Khi Phượng hoàng làm mưa làm gió trên sân khấu những nhạc hội mang không khí của Woodstock Việt Nam, tôi là chàng trai vô danh lẩn khuất dưới hàng nghìn khán giả trong Tao đàn, Sở thú. Nhảy tường vượt qua hàng rào soát vé và cảnh sát, bất kể cái đói để đắm vào âm nhạc tưng bừng trước mặt từ sáng đến tận chiều tối. Mệt thì nằm lăn ra cỏ, đói thì tìm phông-tên nước thay khúc bánh mì, miễn sao tai được nghe, mắt được nhìn thấy những con người quý hiếm có thể gần gũi đến vậy bằng một lễ hội của âm nhạc ngoài trời.

Hơn 20 năm sau, khi ca sĩ tên tuổi của dòng folk song - country - John Denver sang đến Việt Nam, chơi một đêm duy nhất ở nhà hát Hòa Bình, tiếp theo là Lobo ở sân Phan Đình Phùng thì tay cùng đi, đứng cạnh tôi, hét to nhất những ca khúc và hát theo với Lobo không ai khác là Lê Hựu Hà.

1970 - 1972 chỉ 2 năm ngắn ngủi nhưng khốc liệt của chiến tranh đã làm thay đổi ý thức hệ của một thế hệ trong mọi hình thái, từ văn chương, nghệ thuật, âm nhạc và xã hội. Đấy là một thế hệ không có tuổi trẻ dù tuổi trẻ có vẻ như được tự do thể hiện tất cả những điều cần bày tỏ. Hoài nghi, hy vọng, tuyệt vọng, v.v..

Nhưng Phượng hoàng vẫn thắp lên niềm lạc quan giữa những miền u uất của mình. "Dù đời không yêu ta… vẫn cứ yêu thương đời…”, "Tôi chia anh trọn gia tài… tôi chia em trọn gia tài… để quý mến nhau là xâu chuỗi màu… tình yêu trao nhau là châu báu…”.

Quả thật không thể kể hết những cái tên người mà từ những dòng kẻ âm nhạc của họ - gương mặt một thế hệ, chân dung thời cuộc được khắc họa trọn vẹn với những niềm vui lẫn đau đớn, chia lìa…

Còn nguyên vẹn trong tôi đôi mắt tinh quái sau tròng kính lấp lánh, nụ cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng, phong cách lịch sự của một tay xuất thân “dân trường Tây“ một bó hoa mỗi ngày mà tôi phải mang đến tặng một người con gái thay cho anh, còn chàng nhạc sĩ khi ấy đã qua 2 lần tuổi hai mươi vẫn hồi hộp, lo âu đứng xa ngoài đầu hẻm “cô ấy nhận hoa có cười không? Anh phải giữ lời đừng tiết lộ là của Hà nhé …”. "Vậy tôi nói của tôi nhá! ". "Ê! Hông được nghen"... nhưng đấy là câu chuyện khác khi “phượng hoàng“ đã bắt đầu nhè nhẹ vẫy lên đôi cánh mênh mông, sáng chói một thời của mình dù nỗi ám ảnh và sợ hãi vẫn ít nhiều còn đó.

Khi ấy chỉ còn mình anh. Lê Hựu Hà.

Đỗ Trung Quân

Vĩ thanh

Hồi ức đã đủ 10 kỳ, nó chỉ là những note chấm đầu dòng cho những câu chuyện kể sẽ còn phải khai triển đầy đặn hơn. Ký ức một thời thì vô vàn, người viết 61 tuổi, hồi ức vẫn chỉ ở đoạn chưa quá 20 tuổi, nghĩa là còn dài lắm.

Giờ đây tôi có thể tạm ngưng post để bắt đầu cho những bổ sung như vừa nói và sẽ trình diện nó khi nó đã thành cuốn sách có thể cầm nặng tay trình diện bạn bè. Mượn lời từ bàn thánh xóm đạo nơi tôi gây án đổ giấm vào rượu lễ của vị linh mục ngày xưa: "Chúa ở cùng anh chị em! và ở cùng tôi!".

Thân mến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ cuối: Tôi và đôi cánh phượng hoàng