Anh Tòng năm nay 49 tuổi. Gia đình anh được biết đến với điểm rất đặc biệt là nhiều thành viên cả nam lẫn nữ đều có 24 ngón tay chân.

Kỳ lạ gia đình có 24 ngón tay chân ở miền Tây

01/08/2020, 06:34

Anh Tòng năm nay 49 tuổi. Gia đình anh được biết đến với điểm rất đặc biệt là nhiều thành viên cả nam lẫn nữ đều có 24 ngón tay chân.

Hai cha con anh Tòng sở hữu nhiều ngón tay, chân - Ảnh: Tô Văn

Dị nhân nhiều ngón

PV tìm tới gia đình anh Lê Văn Tòng - căn nhà cấp 4 nép mình bên bờ sông Hậu, ngay ngã ba Vàm Xáng, Cây Dương thuộc xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, tỉnh An Giang, vào buổi trưa nắng gay gắt. Với sự cởi mở thường thấy của người dân miền Tây, anh Tòng không ngần ngại xòe đôi bàn tay, bàn chân 24 ngón của mình. Qua quan sát của PV, 2 bàn tay của anh đều có 6 ngón. Bàn tay phải, ngón thứ 6 nhỏ hơn ngón bình thường. Riêng bàn tay trái, cả 6 ngón lại khá đều đặn, giống nhau. PV không phân biệt đâu là ngón thừa vì ngón thứ 6 cũng tương tự như ngón út của bàn tay bình thường.

Trong khi đó, ở 2 bàn chân anh đều có 6 ngón và cũng như bàn tay, đó là ngón bình thường chứ không có đặc điểm như những dị tật thừa khác trên cơ thể. Cả 6 ngón đều mọc đều đặn, vừa vặn chứ không giống cục thịt thừa. Đặc biệt, anh cũng chủ động điều khiển được tất cả các hoạt động của 6 ngón tay, ngón chân của bản thân như bình thường, không hề bị động. Ngoài việc cầm nắm đồ vật, sinh hoạt thông thường anh cũng không gặp khó khăn gì.

Căn nhà của gia tộc “dị ngón” ở miền Tây nằm nép mình bên bờ sông Hậu - Ảnh: Tô Văn

Ngoài anh Tòng, chị gái và con gái hiện đang sống cùng anh cũng có những đặc điểm trên. Cả 2 người đều có 6 ngón ở các bàn tay, bàn chân. Điều kỳ lạ là bàn tay phải, ngón thứ sáu cũng nhỏ hơn, giống đặc điểm của anh Tòng. Nhấp một ngụm trà, anh Tòng cho biết, đời ông nội anh trở về trước thì mọi thành viên trong gia tộc đều bình thường, chưa xuất hiện tình trạng dị dạng như trên. Nhưng từ khi cha anh ra đời, cơ thể đã có 24 ngón.

“Thời điểm đó, mọi người nghĩ rằng do cha tôi bị dị tật nên mới như vậy. Do việc sinh hoạt không gặp nhiều khó khăn gì, mà ở quê lại đi làm vất vả, gia đình thiếu thốn nên cũng không đi khám bệnh hay phẫu thuật cắt ngón tay, ngón chân làm gì. Sau đó, khi cha sinh ra 2 chị em tôi thì cả 2 người đều có đặc điểm này”, anh Tòng nói.

Cũng theo anh Tòng, anh lớn lên thua kém chúng bạn bởi chân tay thừa ngón. Tuy nhiên, anh lại có thiên bẩm viết chữ rất đẹp. Anh cho biết, khi số lượng ngón tay của mình lạ hơn so với người bình thường thì việc cầm bút là rất khó và sẽ làm mình viết chậm và gây đau nhứt, trong lúc viết mình chụm cả 6 ngón tay thì bút phải đẩy dài hơn. Vì vậy, nét chữ không đều và đẹp. “Nhưng việc đó không có gì khó, tôi biết thua kém đám bạn nên tôi cố gắng tập luyện vài năm trời theo cách luyện tập của mình nhờ vậy tôi viết chữ rất đẹp và được cô giáo khen”, anh nói.

Thấy PV có vẻ nghi ngờ, anh lấy ngay giấy bút ra viết 3 chữ Lê Văn Tòng nhanh thoăn thoắt và đúng là rất đẹp. Tài hoa về nét chữ không đắp đổi được ước mơ tri thức của anh. Tuy nhiên vì hoàn cảnh anh phải dừng học khi vừa tới lớp 8. Anh Tòng ở nhà phụ giúp gia đình, khi trưởng thành, anh đi làm mướn, chủ yếu cuốc đất và phụ hồ. Rồi đến khi anh lấy vợ sinh con. Ngày vợ chuyển dạ, anh Tòng thấp thỏm, hồi hộp và có một chút linh tính cho sự chẳng lành. Quả đúng như vậy, bé gái tròn trịa, khuôn mặt như thiên thần nhưng ngón chân, ngón tay đều thừa 1 ngón giống y chang cha của nó. Anh Tòng quay đi lặng lẽ lau nước mắt.

“Cháu cũng có đặc điểm giống như vậy thì mới bắt đầu lo lắng. Điều làm tôi băn khoăn nhất là con tôi là con gái. Sợ đặc điểm cơ thể của gia đình có thể ảnh hưởng đến đến hôn nhân hay tương lai của con. Tôi cũng từng có ý định đi phẫu thuật, cắt 4 ngón tay, ngón chân thừa nhưng thấy chi phí tốn kém, gia đình không có điều kiện nên lại thôi. Chính vì vậy, cả gia đình đã dành hết yêu thương cho bé”, anh Tòng buồn rầu nói.

Kể về gia đình anh Trần Thanh Tòng, bà Hai Liễu (70 tuổi, hàng xóm) vẫn xuýt xoa: “Con người thằng Tòng tài hoa, chất phác. Nhiều ngón tay mà việc gì cũng làm được. Tuy nhiên gia đình nó hiện đang lâm vào cảnh khó khăn vì một mình nó phải nuôi con và gánh nợ cho vợ nó”. Cũng theo bà Hai Liễu, anh Tòng hơn 10 năm nay làm nghề chạy xe ôm ở ngoài chợ Vàm Xáng - Cây Dương- nằm ven quốc lộ 91. Đây là 1 trong những khu vực khá nhộn nhịp ở ven quốc lộ vì có ngã ba đường, ngã ba sông, nhiều người qua lại. Hàng ngày, xe khách chạy từ Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ… lên Châu Đốc, Tịnh Biên, Ba Chúc… vẫn thường đi qua đây.

Dù vậy, cuộc sống của anh Tòng cũng không hề dễ dàng gì. Thậm chí, gia đình anh còn đang treo biển bán nhà ở trước cửa. “Đây là căn nhà cha mẹ để lại cho nó, nhưng vì mưu sinh khó khăn, con phải tiếp tục đi học nên nó nói với mọi người phải bán đi, về Thoại Sơn tìm mua mảnh đất nhỏ hơn chút cất nhà. Số tiền còn lại sẽ dành dụm làm ăn và cho con cái đi học”, bà Hai Liễu bộc bạch.

Anh Tòng so ngón tay, chân với người bình thường-Ảnh: Tô Văn

Đi mua đồ ăn vừa về, em Lê Thị Tuyền (12 tuổi hiện đang học lớp 6, con gái anh Tòng) thấy khách lạ đến nhà, tuy hơi bỡ ngỡ nhưng khoanh tay lễ phép chào hỏi. Được bà Hai Liễu giới thiệu, em Tuyền mạnh dạn nói: “Khi đi học, do có sự bất thường về đặc điểm cơ thể nên con thi thoảng cũng bị một số bạn bè trêu đùa. Hồi những năm lớp 1, lớp 2 khi bạn bè hát những câu quen thuộc như “năm ngón tay sạch đều” thì con bắt đầu nhận ra sự khác biệt của bản thân. Rồi bạn bè, thầy cô cũng thấy. Tuy nhiên sau đó thì mọi người thông cảm và không ai còn trêu con nữa”.

Khi xòe các bàn tay, bàn chân cho PV xem, Tuyền không quên đưa cho PV cả những cuốn tập em viết. Điều bất ngờ là những nét chữ của Tuyền khá đẹp như anh Tòng đã chứng minh cho PV thấy. Dường như đặc điểm của bàn tay không ảnh hưởng nhiều đến việc học hành, sinh hoạt của em vậy.

Dị tật thừa ngón tay, ngón chân không phải là quá hiếm

Theo tìm hiểu của PV, sinh hoạt hàng ngày của cha con anh Tòng tuy bình thường nhưng đôi khi cũng mang đến một chút khó khăn. Cụ thể, khi mua giày, dép phải to hơn bình thường. Ngoài ra, anh Tòng đi thi bằng lái xe gắn máy phải thuyết phục mãi người ta mới cho anh thi và cấp bằng với lý do cơ thể khuyết tật dù anh điều khiển xe thành thạo.

Thực tế, những người hay gia đình có 24 ngón cũng xuất hiện ở một số địa phương khác của Việt Nam cũng như trên giới. Hầu hết những người này đều có quan hệ huyết thống gia đình. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cũng cho thấy không phải toàn bộ những thành viên trong gia đình đều có đặc điểm này. Như ông Cao Văn Thành, ngụ xã Tây Phú, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang đôi bàn tay, chân của ông đến 26 ngón.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, tình trạng dị tật thừa ngón tay, ngón chân không phải là quá hiếm. Thậm chí tỉ lệ cứ khoảng 3.000 người sinh ra thì có 1 người bị dị tật thừa ngón. Tuy nhiên, việc thừa ngón theo tỷ lệ này không có đặc tính di truyền và hoàn toàn ngẫu nhiên. Còn với hiện tượng một số người thừa ngón theo di truyền và các ngón thừa đều đặn, ở tất cả bàn tay, bàn chân thì khá hiếm.

Hai bàn chân em Tuyền có tới 12 ngón đồng đều nhau - Ảnh: Tô Văn

Đến nay, chưa có những nghiên cứu cụ thể của những người thừa ngón có di truyền cũng như cách để chữa trị, phẫu thuật tình trạng trên. Nhưng việc di truyền này cũng thường không kéo dài mãi mãi mà chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Ông Hiệp phân tích: “Ngón thừa thường là một mô nhỏ; đa phần là có xương mà không có khớp; hiếm khi hoàn thiện đẩy đủ chức năng của một ngón. Ngón thừa phần lớn là nằm về phía gần xương cẳng tay, hiếm khi ở xương quay ngón cái và cực kỳ hiếm gặp khi nó nằm ở giữa. Ví dụ 1 ngôi sao điện ảnh ở Mỹ cũng có thêm 1 ngón cái ở bàn tay phải. Ngón thừa thường tạo thành một cái trạc với ngón đã có, hay nó có thể hiếm khi bắt nguồn từ cổ tay như các ngón thông thường”.

Dị tật thừa ngón, có thể tự phát sinh, hay thông thường hơn, là một đặc điểm của hội chứng dị tật thương tích. Khi nó tự phát sinh, nghĩa là nó có liên hệ với đột biến nhiễm sắc thể trội trên 1 gen. Nhưng đột biến trên nhiều gen khác nhau cũng có thể gây ra dị tật thừa ngón. Điển hình là gen đột biến về cấu trúc cơ thể, và 1 kết quả của hội chứng dị tật nào đó, mà dị tật thừa ngón là một dấu hiệu. Tỉ lệ trẻ sơ sinh gặp phải trường hợp này là 1/500 mặc dù thông thường tỷ lệ này cao hơn ở một số nhóm người.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dự chương trình Xuân quê hương tại Ba Lan
29 phút trước Theo dòng thời sự
Tối 17.1, giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dự chương trình “Xuân quê hương Ất Tỵ 2025,” chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ lạ gia đình có 24 ngón tay chân ở miền Tây