Amazon Global Selling kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuyên sâu hơn trong hành trình đưa hàng Việt Nam cất cánh trên thị trường tiêu dùng thế giới.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Kỳ vọng đưa 2.000 doanh nghiệp Việt xuất khẩu xuyên biên giới

Tuyết Nhung 22/05/2024 19:40

Amazon Global Selling kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuyên sâu hơn trong hành trình đưa hàng Việt Nam cất cánh trên thị trường tiêu dùng thế giới.

Hội nghị "Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu" diễn ra ngày 22.5 nhằm tiên phong kết nối các ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như: nhà cửa, nhà bếp, sản phẩm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling kỳ vọng sẽ giúp 1.500 doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuyên sâu hơn, nâng cao kiến thức, năng lực và hiệu quả trong hành trình đưa hàng Việt Nam cất cánh trên thị trường tiêu dùng thế giới.

son08130_6e2db.jpg
Hội nghị "Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu" ngày 22.5

Tại miền Bắc, với lợi thế vị trí địa lý chiến lược dễ dàng tiếp cận các nguồn nguyên vật liệu trong và ngoài nước để phục vụ quá trình sản xuất, cơ sở hạ tầng logistics đã và đang được chú trọng phát triển, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát huy để đa dạng hóa các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, đồ gia dụng...

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, trên thực tế, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp khu vực phía Bắc vì một số nguyên nhân như: nguồn nhân lực về TMĐT xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới còn nhiều hạn chế...

Vì vậy, bà Huyền nhấn mạnh: "Để giải quyết những khó khăn thách thức nêu trên, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng xuất khẩu của hàng Việt, đưa TMĐT xuyên biên giới trở thành một trong những yếu tố giúp thúc đẩy xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, chúng ta cần sự phối hợp chung tay của cơ quan quản lý, các sàn TMĐT lớn, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT và chính sự nỗ lực, quyết tâm của các quý vị doanh nghiệp có mặt trong hội trường ngày hôm nay".

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT chia sẻ: "Trong hai năm triển khai giai đoạn 1 của Biên bản ghi nhớ (MOU), với sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, chúng tôi đã tổ chức thành công 13 khóa đào tạo trực tiếp, 2 khóa đào tạo trực tuyến cho hơn 2.000 doanh nghiệp, nhà bán hàng trên cả nước. Thông qua những hoạt động đào tạo, kết nối, hàng trăm doanh nghiệp đã và đang chuyển mình, ứng dụng những kiến thức, kỹ năng có được để từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu xuyên biên giới thông qua TMĐT".

Trong khi đó, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nói: "Suốt 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Amazon Global Selling nỗ lực không ngừng để đồng hành, củng cố sức mạnh cho các doanh nghiệp Việt Nam thành công trên toàn cầu. Chúng tôi chung tay giới thiệu các sản phẩm Made in Vietnam ra quốc tế, tích cực thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển với TMĐT xuyên biên giới. Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là vô cùng lớn. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với các cơ quan Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội toàn cầu này".

Theo đó, ông Gijae Seong cho biết, Amazon Global Selling sẽ định hình tầm nhìn và lộ trình giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và khai thác tiềm năng xuất khẩu TMĐT. Kế hoạch này tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm:

Một là ươm mầm nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho Việt Nam: Tăng cường các chương trình giáo dục và nâng cao kỹ năng kỹ thuật số để phát triển đội ngũ nhân lực và lãnh đạo cho ngành TMĐT xuyên biên giới.

Hai là thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ TMĐT xuyên biên giới bằng cách mở rộng và tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước hơn.

Ba là kết nối và tăng cường nội lực cho sản xuất địa phương bằng cách kết nối các đối tác bán hàng và chủ sở hữu thương hiệu với các nhà sản xuất trên cả nước để mở rộng lựa chọn sản phẩm mới từ Việt Nam.

Bốn là quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới: Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần gia tăng giá trị của hàng Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Theo định hướng của kế hoạch này, giai đoạn 2 của chương trình hợp tác "TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên đột phá" sẽ công bố và triển khai sáng kiến "Liên kết ngành nghề - Tăng trưởng cùng TMĐT xuyên biên giới".

Chương trình sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng quan trọng để cùng nhau thúc đẩy, tăng cường năng lực TMĐT xuyên biên giới cho các ngành hàng đầu tàu cho xuất khẩu, bao gồm việc tăng cường nhận thức, cung cấp thêm các nguồn tài nguyên đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp thành viên của các hiệp hội ngành hàng này phát triển và thành công với TMĐT toàn cầu.

Ông Thành thông tin thêm, giai đoạn 2 của chương trình hợp tác "TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên đột phá" thực hiện từ nay đến năm 2026. "Chúng tôi đặt mục tiêu lựa chọn 2.000 doanh nghiệp tiêu biểu từ các hiệp hội ngành hàng để cung cấp những hỗ trợ chuyên sâu, giúp doanh nghiệp thành công tham gia xuất khẩu trực tuyến", ông Thành nhấn mạnh.

Bài liên quan
Doanh số bán hàng của các gã khổng lồ thương mại điện tử ra sao dịp Ngày Độc thân?
Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) báo cáo rằng nền tảng thương mại điện tử Tmall và Taobao của mình đã ghi nhận mức tăng trưởng "tích cực" hàng năm trong dịp bán hàng Ngày Độc thân 2023, kết thúc vào nửa đêm 11.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ vọng đưa 2.000 doanh nghiệp Việt xuất khẩu xuyên biên giới