Từ đầu tháng 9 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng biến động trái chiều song vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng thấp kỷ lục.

Lãi suất tiết kiệm biến động trái chiều, vẫn thấp kỷ lục

Hồ Đông | 19/09/2021, 06:15

Từ đầu tháng 9 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng biến động trái chiều song vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng thấp kỷ lục.

Lãi suất tiết kiệm biến động trái chiều

Từ đầu tháng 9 đến nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục giảm với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5%/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8.2021. Đơn cử, TPBank quyết định giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,1% xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5%, từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm; kỳ hạn 18 và 36 tháng giảm 0,3%, xuống còn 6%/năm. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, TPBank điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn, mức giảm nhiều nhất tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8.

Techcombank cũng giảm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn chủ chốt từ 0,25-0,5%. Còn tại Sacombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,1% xuống còn 5,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,4% xuống 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%, còn 3%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,3%, còn 2,9%/năm.

ACB hạ lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, với mức giảm 0,1% so với đầu tháng trước. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng tại ACB dao động từ 3,3-5,9%/năm. MBBank thì giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, mức giảm từ 0,2-0,27%. HDBank cũng giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn từ 0,1-0,3%...

Đáng chú ý, ngược chiều với các ngân hàng trên, một số ngân hàng lại tăng nhẹ lãi suất huy động thời gian gần đây. Điển hình, tại PGBank, biểu lãi suất hiện nay so với tháng 8 đã tăng khoảng 0,2-0,4%/năm đối với một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 6,6%/năm tại kỳ hạn 18-37 tháng, tăng 0,4%/năm so với tháng trước. Tại kỳ hạn 12 tháng, 23 tháng cũng tăng 0,2% lên 6,1-6,3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn ngắn được giữ nguyên như trước.

Tương tự, BaoVietBank cũng tăng lãi suất thêm 0,1% tại một số kỳ hạn. Đối với hình thức tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay của BaoVietBank là 6,7%/năm, áp dụng với các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, tăng 0,1% so với trước. Còn kỳ hạn 1 tháng có lãi suất 3,55%/năm, 6 tháng là 6,1%/năm…

tien-vnd.jpeg
Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua - Ảnh: Internet

Trong khi đó, biểu lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của 4 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank không thay đổi so với đầu tháng 8.2021. Còn các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, lãi suất huy động của Agribank và BIDV giảm 0,1%, về 5,5%/năm.

Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND của nhóm này ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,5-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng; 3,2-4% với kỳ hạn 3 tháng; 4-6,25% với tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng; 4-6,4% đối với tiền gửi có kỳ hạn 9 tháng…

Lượng tiền gửi vào thấp kỷ lục

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng thấp kỷ lục trong gần 10 năm qua. Hiện nay, nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước.

Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định lãi suất tiền gửi ngân hàng ở vùng thấp cũng là một nguyên nhân khiến cho số lượng người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục. Người dân đang có xu hướng chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nửa đầu năm nay, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỉ đồng vào các ngân hàng. Còn tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỉ đồng. Tuy vậy, tính từ tháng 7.2020 đến cuối tháng 6.2021, so với cùng kỳ gần 10 năm lại đây, đây là mức tăng trưởng thấp nhất. Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư vào các ngân hàng đạt khoảng 330.000 tỉ đồng/nửa đầu năm.

Chuyên gia Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết tính đến hết tháng 7, tổng tiền gửi chỉ tăng 4% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức tăng 4,35% trong năm 2020) và chênh lệch tiền gửi - tín dụng tiếp tục thu hẹp. Mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống khi vẫn cao hơn so với giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Do vậy, chuyên gia SSI dự báo lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.

Ngoài ra, các chuyên gia tài chính cũng nhận định mặc dù tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng thanh khoản hệ thống chưa rơi vào tình trạng eo hẹp do tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến tín dụng có thể tăng chậm lại do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có thể yếu đi.

Bài liên quan
Bộ Tài chính lên tiếng trước thông tin ngân sách đang rất khó khăn, gần như không còn
Bộ Tài chính vừa lên tiếng giải thích thông tin báo chí nêu rằng ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
một giờ trước Thị trường và chính sách
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm biến động trái chiều, vẫn thấp kỷ lục