Động thái mới nhất của Chính phủ là ban hành Nghị quyết 49/NQ-CP trong phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5, trong đó vấn đề đáng chú ý nhất là việc dù phải đối mặt với không ít các khó khăn và thách thức lớn từ đầu năm đến nay, nhưng Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6,7% được đặt ra trong năm nay.
Việc Việt Nam nhiều khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng dự kiến đã được các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới dự báo, như Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán Việt Nam chỉ đạt 6,2%, tương tự là HSBC với dự đoán tăng trưởng trong khoảng 6,2 - 6,3%. Đây được xem là một mục tiêu rất khó có thể đạt được, khi tốc độ tăng trưởng quý I (và có thể là cả quý II) thấp hơn dự kiến khá nhiều. Quyết tâm của Chính phủ về việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng là điều đáng chú ýnhưng cần làm gì để hoàn thành mục tiêu đó?
Việc Chính phủ trong nghị quyết 49/NQ-CP cương quyết giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay thực sự là một sự kiện rất đáng chú ý, không chỉ bởi vì đây là một trong số ít những lần hiếm hoi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng được xem là vượt mức yêu cầu, mà còn ở chỗ liệu Chính phủ sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu có phần hơi vượt quá khả năng đó. Không phải ngẫu nhiên khiNgân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay xuống lần thứ hai. Hồi tháng 1 năm nay, WB đã đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam 2016 chỉ đạt khoảng 6,6%, và giờ đây WB hạ thêm 0,4% xuống còn 6,2%. Trong khi đó, bộ phận nghiên cứu của HSBC thì đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II của Việt Nam sẽ ở mức 6,1% so với mức 5,6% trong quý I, và mức tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ chỉ đạt khoảng 6,3% so với năm 2015.
Dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên các tổ chức tài chính uy tín như WB hay HSBC đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chính xác với những gì Việt Nam thực sự làm được. Chẳng hạn như vào năm ngoái WB đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015 sẽ chỉ đạt khoảng 6 - 6,2%; nhưng cuối cùng chúng ta đã đạt mức tăng trưởng lên tới 6,7%. Tuy nhiên tình hình năm nay đã khác xa so với năm ngoái, và những dự báo mà WB đưa ra đang nói lên một điều rằng: thách thức và khó khăn với kinh tế Việt Nam năm nay sẽ lớn hơn năm ngoái rất nhiều, và để giữ nguyên được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì chúng ta sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với năm 2015.
Vậy Chính phủ cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhất là khi những quân bài dự trữ dường như đã cạn. Đề xuất tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thêm 2 triệu tấn để cứu tăng trưởng được đưa ra cách đây vài tháng, giờ đây đã gần như chắc chắn là không hoàn thành. Theo con số thống kê của Tổng cục Thuế, thu từ dầu mỏ trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 16.000 tỉđồng và chỉ đạt 29% so với dự toán, đồng nghĩa với việc dầu mỏ chắc chắn không thể trở thành đòn bẩy cứu tăng trưởng như nhiều người đã kỳ vọng. Vậy đâu sẽ là giải pháp chủ đạo mà Chính phủ hướng tới để thực hiện một mục tiêu được đánh giá là hơi quá sức này?
Câu trả lời của Chính phủ khá rõ ràng, đó là: cải thiện năng suất lao động xã hội. Nói cách khác là tăng tốc độ cải cách nền kinh tế, cởi trói cho các doanh nghiệp, xóa bỏ các điều kiện và rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, và nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Hiểu đơn giản, Chính phủ đang sử dụng sức ép đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra như một công cụ để thúc đẩy quá trình cải cách nền kinh tế diễn ra nhanh hơn bao giờ hết, vì thông điệp của nền kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại đã quá rõ ràng: muốn tăng trưởng cao, thì phải cải cách nền kinh tế. Những cách thức cứu tăng trưởng mang tính ngắn hạn như tăng sản lượng dầu hay tăng đầu tư công đã không còn có thể sử dụng được nữa.
Đây thực sự là một tin tức rất tốt, vì nó có thể kéo được cả hệ thống chính trị và bộ máy quản lý của cả quốc gia vào cuộc. Từ lâu nay việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm đã trở thành một vấn đề quan trọng nhận được sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam, và thường thì hầu như mọi nỗ lực sẽ được huy động để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra đó. Nói cách khác, bằng cách cương quyết giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2016, Thủ tướng đã lôi kéo được toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước vào giải quyết vấn đề cải cách nền kinh tế, vì ở thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất giải pháp cải cách kinh tế mới có thể giúp kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016. Điều này sẽ hứa hẹn nhiều thay đổi tính cực mang tính bước ngoặt trong nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2016.
Vấn đề đáng quan tâm nhất ởhiện tại vì thế đang lànguồn lực cần thiết để hỗ trợ cho quá trình cải cách kinh tế. Sức ép tài khóa và ngân sách nhà nước, và đặc biệt là sức ép lạm phát đang có xu hướng tăng mạnh trong năm nay (chỉ số CPI tính đến tháng 5 đã tăng 1,88% so với thời điểm cuối năm 2015, trong khi mục tiêu là giữ mức tăng CPI dưới 5% trong năm nay) đang không cho phép Chính phủ nới lỏng tiền tệ quá nhiều vào nền kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp. Dù lãi suất bình quân liên ngân hàng đang giảm khá mạnh như một tín hiệu cho việc Chính phủ đang cố gắng nới lỏng tiền tệ, thì cũng không nên đặt quá nhiều hy vọng khi mà ưu tiên hàng đầu của Việt Nam vẫn đang là ổn định kinh tế vĩ mô.
Cách giải quyết hiệu quả nhất cho vấn đề này có lẽ là các nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam, động thái mới nhất là việc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố một khoản vay trị giá 1 tỉUSD để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển, cụ thể mức giải ngân trong năm nay là 800 triệu – 1 tỉUSD, số cho vay ròng sẽ vào khoảng 400 - 600 triệu USD. Đây có thể là một giải pháp tốt cho vấn đề thiếu nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, đồng thờicó thể giúp né tránh được sức ép lạm phát. 400 - 600 triệu USD cho vay ròng có thể không quá lớn, nhưng rõ ràngrất quý giá đối với các doanh nghiệp Việt Namthời điểm hiện tại, vì “một miếng khi đói thì bằng một gói khi no”.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)