Quân đội Ukraine thời gian gần đây đã tăng cường tấn công vào Crimea bằng các cuộc tập kích trên đất liền và trên biển.

Làm thế nào Ukraine có thể lấy lại Crimea từ Nga?

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 15/09/2023, 14:32

Quân đội Ukraine thời gian gần đây đã tăng cường tấn công vào Crimea bằng các cuộc tập kích trên đất liền và trên biển.

Ukraine những tuần gần đây tăng cường tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập hồi năm 2014.

“Việc chiếm lại bán đảo sẽ khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được. Ít nhất, Crimea không còn là căn cứ an toàn để Nga có thể tấn công các khu vực khác của Ukraine”, Tiến sĩ Scott Savitz, kỹ sư cấp cao của Tập đoàn RAND nói với Newsweek.

tap-kich-cau-crimea.png

Cầu Crimea bị hư hỏng một phần trong một cuộc tấn hồi tháng 8 - Ảnh: RIA Novosti

Các cuộc tấn công vào Crimea đã trở nên dồn dập hơn kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công hồi tháng 6 nhằm giành lại lãnh thổ bị lực lượng Nga kiểm soát. Với vị trí chiến lược của Crimea, nhiều cuộc tấn công trong số này đã nhắm vào các tuyến tiếp tế quân đội và vũ khí của Moscow.

Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần nói rằng việc giành lại bán đảo này là một trong những mục tiêu chính của ông trong cuộc chiến.

Tuần này, các cuộc tấn công nhằm vào hạm đội biển Đen của hải quân Nga đã diễn ra. Truyền thông phương Tây cho biết tàu đổ bộ Minsk và một tàu ngầm Nga bị hư hại nghiêm trọng. Một khẩu đội phòng không S-400 của không quân Nga cũng được cho là đã bị phá hủy ở phía tây Crimea hôm 14.9. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của phía Ukraine nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự Nga ở Crimea thường được diễn ra vào ban đêm.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày tiết lộ lực lượng phòng không trực chiến ở Crimea đã khai hỏa đánh chặn 11 UAV của Ukraine tấn công mục tiêu trên bán đảo. Giới chức Nga sau đó cho biết thêm, 5 xuồng tự sát không người lái Ukraine cũng bị phá hủy khi đang tìm cách tiếp cận và tấn công tàu tuần tra Sergey Kotov thuộc hạm đội biển Đen ở Crimea.

Ukraine trước đó một ngày đã tập kích nhà máy đóng tàu tại TP.Sevastopol trên bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Kyiv đã sử dụng 10 tên lửa hành trình và 3 xuồng tự sát không người lái làm hư hại hai tàu chiến.

Ukraine có thể giành lại lại Crimea bằng biện pháp quân sự

“Việc giành lại quyền kiểm soát Crimea sẽ không dễ dàng đối với Ukraine, đặc biệt là khi Moscow vẫn kiểm soát lãnh thổ ở phía đông nối liền với Nga", Giáo sư Mark N. Katz tại trường Chính sách và Chính phủ, Đại học George Mason (Mỹ), nhận định với Newsweek.

Theo Katz, Ukraine có thể sẽ không sớm lấy lại Crimea. Nhưng ông cho biết lực lượng của Kyiv có thể có cơ hội thành công cao nếu chia cắt được hành lang trên bộ giữa Nga và Crimea trước khi mở một cuộc tấn công toàn diện vào bán đảo.

John Spencer, thiếu tá quân đội Mỹ nghỉ hưu, hiện là chuyên gia tại Diễn đàn chính sách Madison nói với Newsweek rằng ông có niềm tin Kyiv có thể lấy lại Crimea bằng biện pháp quân sự. “Ukraine cần phải tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào đó. Ukraine có thể thực hiện điều này bằng các cuộc tấn công bởi lực lượng đặc biệt và thông qua hỏa lực tầm xa”, ông nói.

Tiến sĩ Scott Savitz cho biết Ukraine cần triển khai một chiến thuật tấn công nhỏ lẻ dọc bờ biển Crimea trước khi tiến hành tấn công toàn diện Crimea. “Làm như vậy sẽ đẩy các lực lượng Nga vào tình thế khó khăn là phải chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ mọi cứ điểm dọc bờ biển Crimea và liên tục duy trì trạng thái cảnh giác cao độ ở mọi nơi. Tác động của những cuộc đột kích như vậy có thể ảnh hưởng tới tâm lý chiến đấu của quân Nga”, ông cho hay.

Tuy nhiên, Savitz cho rằng vị trí địa lý của Crimea khiến việc chinh phục nó trở nên khó khăn đối với Ukraine. Theo ông, ngay cả sau khi Kyiv giành lại các vùng lãnh thổ nối liền với bán đảo, các đường tiếp cận Crimea bằng đường bộ vẫn rất hẹp.

David Silbey, Phó giáo sư Lịch sử tại Đại học Cornell (Mỹ) nhận định nỗ lực giành lại Crimea của Ukraine là "một nhiệm vụ khó khăn".

“Nếu họ cố gắng tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ, họ sẽ phải tập hợp một số lượng lớn tàu để chở quân của mình, và những con tàu này sẽ rất dễ bị Nga tấn công. Bên cạnh đó, để cung cấp đạn dược và thực phẩm cho bất kỳ lực lượng nào của Kyiv ở Crimea, đòi hỏi số lượng lớn phương tiện và tàu hàng ngày. Những lực lượng này cũng sẽ rất dễ là mục tiêu của Moscow”, ông nói.

Nhưng theo các chuyên gia, có một vấn đề thậm chí còn lớn hơn sẽ xuất hiện nếu Ukraine chiếm lại được Crimea.

“Việc tái áp đặt quyền kiểm soát của Ukraine đối với Crimea sẽ không được người dân thân Nga đồng tình. Khi kịch bản Ukraine chiếm lại Crimea ngày càng hiện hữu, họ có thể muốn chạy trốn - giống như phần lớn người dân thân Ukraine khi Nga tiếp quản vào năm 2014”, chuyên gia Katz nói.

Giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern (Mỹ) cho Newsweek biết lập trường thân Nga trong nhiều người dân tại Crimea khiến ông nghĩ rằng, hiện trạng của bán đảo này được đưa ra đàm phán có thể giải quyết xung đột hiện nay giữa Moscow và Kyiv. “Nó có thể là việc chính thức trao trả Crimea cho Ukraine với quyền tự chủ rộng rãi của địa phương hay là lời hứa về một cuộc trưng cầu dân ý minh bạch trong tương lai”, Reno nói.

“Crimea vẫn là một viên ngọc chiến lược lấp lánh với vị trí địa lý đắc địa. Có nhiều lý do khiến nó được cai trị và định cư bởi người Hy Lạp cổ đại, Đế chế La Mã, Genoa thời trung cổ, Đế chế Mông Cổ, Đế chế Ottoman và nhiều quốc gia khác”, Tiến sĩ Savitz nhấn mạnh.

Bài liên quan
Hòa bình tại Ukraine: Ông Trump đối mặt với sự quyết liệt từ Moscow và Kyiv
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, thậm chí khẳng định có thể giải quyết vấn đề trong vòng 24 giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm thế nào Ukraine có thể lấy lại Crimea từ Nga?