Hàng trăm người hôm 31.5 đã xuống đường ở London (Anh), Berlin (Đức) và Copenhagen (Đan Mạch) để hưởng ứng các cuộc biểu tình ở Mỹ đòi quyền lợi cho người da màu.
Tại Anh, người biểu tình quỳ gối ở Quảng trường Trafalgar ở London, hô vang: “Không công lý, không yên bình”. Sau đó, họ tuần hành qua tòa nhà quốc hội và kết thúc ở phía bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.
Đám đông tuần hành qua tòa nhà quốc hội ở thủ đô London - Ảnh: Reuters
Tương tự, một số người biểu tình ở Đan Mạch cũng hô vang “Không công lý, không yên bình” khi họ tuần hành qua đường phố ở thủ đô Copenhagen.
Những người biểu tình tập trung tại đại sứ quán Mỹ tại Copenhagen, Đan Mạch - Ảnh: Getty
Còn ở Đức, hàng trăm người biểu tình cũng tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Berlin. Đám đông cầm theo các biểu ngữ như: “Công lý cho George Floyd” hay “Chấm dứt giết hại chúng tôi”.
Biểu tình cũng nổ ra tại các con phố ở thủ đô Berlin, Đức - Ảnh: Reuters
Biểu tình hiện đã lan rộng khắp nước Mỹ kể từ sau vụ George Floyd (46 tuổi), một người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota thiệt mạng hôm 25.5 khi bị một sĩ quan cảnh sát da trắng ghì cổ bằng đầu gối trong hơn 8 phút mặc dù Floyd đã liên tục kêu rằng “tôi không thở được".
Đoàn người biểu tình tại thành phố Columbia, South Carolina - Ảnh: Reuters
Cái chết của Floyd đã làm nóng lên sự tức giận về phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự Mỹ. Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại ít nhất 30 thành phố ở các bang của Mỹ gồm New York, Houston, Atlanta, Denver, Los Angeles, San Francisco, San Jose, Chicago, Des Moines… Các cuộc biểu tình với khẩu hiệu "Tôi không thở được" thậm chí còn lan tới khu vực bên ngoài Nhà Trắng ở thủ đô Washington.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở New York - Ảnh: Reuters
Các cuộc biểu tình bắt đầu ôn hòa, nhưng sau đó trở nên hỗn loạn vì người biểu tình chặn giao thông, nổi lửa và đụng độ với cảnh sát chống bạo loạn. Ít nhất 25 thành phố tại 16 bang ở Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm. Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng được triển khai ở hơn 10 bang. Lực lượng an ninh có nơi đã sử dụng hơi cay và đạn nhựa để khôi phục trật tự.
Hoàng Vũ (theo Reuters, CNN)