Đáp trả Washington ủng hộ biểu tình Hồng Kông, các đơn vị truyền thông nhà nước và mạng xã hội Trung Quốc mới đây đã liên tục đưa tin về biểu tình "Tôi không thở được” sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu tại Mỹ bị cảnh sát ghì cổ bằng đầu gối dẫn đến tử vong.

Đáp trả Washington, truyền thông Trung Quốc ‘chế giễu’ biểu tình Mỹ

31/05/2020, 06:34

Đáp trả Washington ủng hộ biểu tình Hồng Kông, các đơn vị truyền thông nhà nước và mạng xã hội Trung Quốc mới đây đã liên tục đưa tin về biểu tình "Tôi không thở được” sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu tại Mỹ bị cảnh sát ghì cổ bằng đầu gối dẫn đến tử vong.

Người dân Mỹ xuống đường biểu tình đòi công lý cho George Floyd - Ảnh: Reuters

Báo SCMP cho biết Tân Hoa Xã hôm 30.5 đã mô tả tình hình hỗn loạn trong biểu tình đòi công lý cho George Floyd ở các thành phố Mỹ là "cảnh tượng đẹp đẽ của Pelosi", ám chỉ bình luận của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi năm ngoái rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là "cảnh đẹp đáng chiêm ngưỡng".

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV thậm chí còn gọi những thành phố nơi diễn ra biểu tình là "vùng chiến sự", liên tục phát bản tin cập nhật tình hình và phân tích, trong đó nhấn mạnh sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Các hình ảnh bạo lực và phát biểu của người biểu tình Mỹ cũng đã xuất hiện trên tiểu điểm của các kênh truyền hình và báo chí Trung Quốc đại lục.

Trong chương trình bình luận vào khung giờ vàng tối 30.5 trên CCTV, một số nhà phân tích đã nhấn mạnh "nhân quyền kiểu Mỹ là đạo đức giả và đáng ghê tởm" và sử dụng cụm từ "cảnh tượng tuyệt vời" để mô tả những cuộc biểu tình. Họ cho rằng các chính trị gia Mỹ cần xin lỗi người dân vì sự hỗn loạn hiện nay là "vết thương do chính Mỹ tự gây ra".

People s Daily, phiên bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã đăng tải video phóng viên Omar Jimenez của hãng tin CNN bị bắt trong khi truyền hình trực tiếp tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota) chỉ ra sự trái ngược khi cảnh sát Hồng Kông rút lui trước đám đông biểu tình hồi tháng 10 năm ngoái.

“Cảnh tượng mà các chính trị gia Mỹ mô tả là tuyệt vời cuối cùng đã từ Hồng Kông lan sang tới Mỹ. Bây giờ họ có thể chứng kiến các cuộc biểu tình​​ qua cửa sổ nhà. Tôi muốn hỏi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng Bắc Kinh có nên ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, như các người đã tôn vinh những kẻ bạo loạn ở Hồng Kông không?”, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), bình luận trên mạng xã hội Twitter.

Nhiều người dùng internet Trung Quốc được cho là họ đã bị sốc và buồn vì cách đối xử vô nhân đạo với người Mỹ gốc Phi và mức độ tàn bạo của cảnh sát Mỹ. “Mỹ đã phá hủy tự do và dân chủ, những giá trị cốt lõi mà họ đề cao, kể từ ngày đầu tiên họ đứng sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông”, một người được trích dẫn.

Được biết, làn sóng biểu tình đã lan rộng khắp nước Mỹ hôm 29 và 30.5 kể từ sau vụ George Floyd, 46 tuổi, một người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, thiệt mạng khi bị một sĩ quan cảnh sát da trắng ghì cổ bằng đầu gối trong hơn 8 phút mặc dù Floyd đã liên tục kêu rằng “tôi không thở được".

Theo CNN, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại ít nhất 30 thành phố ở các bang Mỹ gồm New York, Houston, Atlanta, Denver, Los Angeles, San Francisco, San Jose, Chicago, Des Moines… Các cuộc biểu tình với khẩu hiệu "Tôi không thể thở" thậm chí còn lan tới khu vực bên ngoài Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C.

Biểu tình lan tận tới Nhà Trắng - Ảnh: CNN

Một số cuộc biểu tình đã diễn ra trong bầu không khí ôn hòa, trong khi một số khác chìm trong bạo lực với hàng loạt các vụ cướp bóc, phá hoại, đốt phá, tấn công cảnh sát. Khoảng 50 người biểu tình tại TP Minneapolis và gần 200 người tại TP Houston, và hơn 200 người ở TP New York cũng bị bắt. Đáng chú ý, hãng tin CNN cho biết hai cảnh sát liên bang bị bắn trong cuộc biểu tại Oakland, bang California, trong đó một người đã chết.

Một xe cảnh sát bị thiêu cháy ở Atlanta - Ảnh: Getty

Hoàng Vũ (theo SCMP, CNN)

Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đáp trả Washington, truyền thông Trung Quốc ‘chế giễu’ biểu tình Mỹ