Ngày 8.8, hàng chục nghìn người dân Lebanon xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ khi giới chức nước này để xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut đầu tuần qua.

Làn sóng phẫn nộ bao trùm Lebanon sau vụ nổ ở Beirut

09/08/2020, 09:44

Ngày 8.8, hàng chục nghìn người dân Lebanon xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ khi giới chức nước này để xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut đầu tuần qua.

Thành phố Beirut chìm trong hơi cay ngày 8.8 - Ảnh: Reuters

Người biểu tình tập trung về Quảng trường liệt sĩ Lebanon, ném đá về phía lực lượng an ninh. Cảnh sát dùng hơi cay, đạn cao su cùng rào chắn nhằm ngăn chặn người biểu tình tiến về tòa nhà Quốc hội.

Trong lúc cảnh sát tập trung đối phó biểu tình trên đường phố, một nhóm cựu binh sĩ chiếm đóng trụ sở Bộ Ngoại giao rồi tuyên bố nơi đây là “căn cứ cách mạng”. Họ đốt chân dung Tổng thống Michel Aoun - người mà họ xác định phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình hình đất nước hiện tại. Quân đội sau đó đã can thiệp và đưa nhóm biểu tình ra khỏi nơi đây.

Đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát trên đường - Ảnh: Aljazeera
Người biểu tình dựng cả giá treo cổ để yêu cầu giải tán chính phủ đương nhiệm - Ảnh: Aljazeera

Ở trụ sở Bộ Kinh tế, người biểu tình ném chân dung Tổng thống Michel Aoun lẫn tài liệu xuống đường. Bộ Năng lượng cùng văn phòng Hiệp hội Ngân hàng Lebanon cũng bị chiếm đóng.

Hội Chữ thập đỏ thống kê có ít nhất 238 người biểu tình bị thương ở trung tâm Beirut, 63 người phải nhập viện.

Một nhóm biểu tình chiếm trụ sở Bộ Ngoại giao Lebanon - Ảnh: Twitter
Văn phòng Hiệp hội Ngân hàng Lebanon - Ảnh: Twitter

Đại sứ quán Mỹ tại Beirut ra tuyên bố ủng hộ người biểu tình, cho rằng họ xứng đáng có những nhân vật lãnh đạo biết lắng nghe và thay đổi hướng đi để đáp ứng nhu cầu của người dân về tính minh bạch lẫn trách nhiệm.

Phía Thủ tướng Lebanon Hassan Diab xoa dịu bằng cách kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội sớm, đồng thời đảm bảo điều tra đến cùng vụ nổ.

Vụ nổ tại cảng Beirut ngày 4.8 được xác định do gần 3.000 tấn ammonium nitrate bốc cháy. Một số tài liệu cho biết hải quan, quân đội, lực lượng an ninh và tư pháp Lebanon trong 6 năm qua ít nhất 10 lần lên tiếng cảnh báo về số hóa chất nguy hiểm này nhưng chúng vẫn không được di dời đến nơi an toàn.

Thảm họa kinh hoàng không những đem lại thiệt hại nhân mạng (158 người chết, hơn 6.000 người bị thương) mà còn khiến dân chúng Lebanon thêm mất niềm tin vào chính phủ đương nhiệm vốn không thể đưa đất nước thoát khỏi tham nhũng, đói nghèo.

Ước tính vụ nổ gây thiệt hại lên đến 15 tỉ USD - vượt quá sức chịu đựng của một đất nước chìm trong nợ nần như Lebanon. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết viện trợ tái thiết Beirut, Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cũng nói sẽ giúp đỡ.

Người dân Lebanon rất tức giận khi không có lãnh đạo nào của nước này đến hiện trường vụ nổ để đánh giá tình hình hay chia buồn, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (áo trắng) lập tức có mặt và còn cam kết viện trợ tái thiết - Ảnh: BBC

Cẩm Bình (theo Reuters, Aljazeera)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
40 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làn sóng phẫn nộ bao trùm Lebanon sau vụ nổ ở Beirut