Nhà lãnh đạo Albin Kurti hôm 31.5 cho biết quyết định của Mỹ trừng phạt Kosovo sau các cuộc đụng độ bạo lực khiến quân đội NATO bị thương là một phản ứng “thái quá”.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã chỉ trích mạnh mẽ Pristina trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về quyết định của chính quyền ông Kurti khi bổ nhiệm các thị trưởng người gốc Albania vào các khu vực đa số là người Serb, dù tỷ lệ cử tri đi bầu thấp.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, Washington đã không cho phép Kosovo tham gia cuộc tập trận quân sự do Mỹ lãnh đạo và tuyên bố không còn “nhiệt tình” giúp Pristina tiến tới tư cách thành viên EU và NATO.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 30.5 nói rằng Kosovo đã "làm leo thang căng thẳng một cách không cần thiết".
“Chúng tôi có một chút khác biệt trong cách tiếp cận, và tôi nghĩ rằng việc nghĩ đến các biện pháp trừng phạt chống lại Kosova có vẻ không cân xứng và không công bằng. Tôi đã rất ngạc nhiên”, ông Kurti nói và mô tả phản ứng của người Mỹ là một “phản ứng thái quá”.
NATO trong tuần này đã triển khai thêm 700 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Kosovo sau khi 30 binh sĩ thuộc Lực lượng Kosovo do NATO lãnh đạo (KFOR) bị thương trong cuộc đối đầu với người biểu tình Serb hồi đầu tuần.
Cộng đồng người Serb đã xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử địa phương hồi tháng 4, với ứng viên gốc Albania đắc cử thị trưởng một số thị trấn miền bắc Kosovo, cũng như yêu cầu nhiều quyền tự trị hơn. Bất chấp tình trạng bất ổn, chính quyền Kosovo vẫn kiên định với lập trường của mình.
Nhà lãnh đạo Albin Kurti đã cáo buộc chính phủ Serbia về sự gia tăng căng thẳng mới nhất. Ông cũng bày tỏ lo ngại diễn biến này có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn. “Điều đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, nó sẽ phụ thuộc vào Belgrade”, ông Kurti cho hay.
Được biết, Kosovo là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Belgrade cho đến nay vẫn không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Mỹ và hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận nền độc lập của Kosovo, trong khi Serbia đã dựa vào Nga và Trung Quốc để duy trì lập trường cứng rắn. Vùng ly khai từ Serbia hiện chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do bị Nga và Trung Quốc phản đối.
Kosovo hiện có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người Albania. Khoảng 120.000 người Serbia sống tại miền bắc Kosovo không công nhận chính quyền ở Pristina. Kosovo hiện vẫn là một điểm nóng tiềm ẩn ở khu vực Balkan nhiều năm sau cuộc chiến 1998-1999 kết thúc với sự can thiệp của NATO. Các nỗ lực của phương Tây nhằm dàn xếp một giải pháp cho đến nay đều thất bại.
Những lo ngại về xung đột giữa Serbia và Kosovo đã tăng vọt kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) đã làm trung gian đàm phán giữa Serbia và Kosovo kể từ năm 2011, nhưng rất ít trong số thỏa thuận đã được ký kết được thực hiện. EU và Mỹ đã thúc đẩy tiến độ đàm phán nhanh hơn vào năm ngoái.
Trong những tháng gần đây, các đặc phái viên của Mỹ và EU đã thường xuyên đến thăm Pristina và Belgrade để khuyến khích hai bên chấp nhận các đề xuất mới. Hai nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo đã gặp các đại diện cấp cao của EU bên lề một hội nghị an ninh lớn ở thành phố Munich của Đức vào tháng 2.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell, người đóng vai trò hàng đầu trong đàm phán giữa Kosovo và Serbia, cho biết trong một tuyên bố hôm 30.5 rằng ông đã liên lạc với lãnh đạo Serbia và Kosovo.