Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ công khai tuyên bố từ bỏ hoàn toàn số vũ khí hạt nhân (VKHN) mà Bình Nhưỡng đã có.
Ngày 27.4 tới, hai lãnh đạo Hàn-Triều có cuộc gặp lịch sử ở khu giới tuyến phi quân sự Bàn Môn Điếm, nhưng mọi sự có thể sẽ không êm đềm vì mỗi người đều có riêng những tính toán trong cuộc mặt đối mặt đầu tiên này.
Theo báo Washington Times ngày 23.4 (giờ Mỹ), Triều Tiên đã tuyên bố ngưng thử VKHN, nhưng ông Moon vẫn chịu sức ép lớn là phải kéo ông Kim vào việc tuyên bố công khai rằng ông sẵn sàng bàn chuyện hoàn toàn từ bỏ và giải giáp số VKHN mà ông đang có trong tay.
Các quan chức Hàn Quốc nói ông Kim đã phát tín hiệu sẵn sàng này với họ trong cuộc gặp riêng hồi tháng 3 ở Bình Nhưỡng, nhưng ông Kim chưa tuyên bố công khai.
Nhà nghiên cứu địa-chính trị khu vực Joonhyung Kim của đại học Handong (Hàn Quốc) nói: “Tổng thống Hàn Quốc biết nếu ông không có được tuyên bố giải trừ hạt nhân nào từ ông Kim vào ngày 27.4 tới, người ta sẽ xem cuộc gặp thượng đỉnh là một thất bại”.
Ông Joonhyung Kim là một trong nhóm các nhà phân tích cố vấn cho chính phủ Hàn Quốc, nói với báo Washington Times: “Chúng tôi cần nghe điều đó từ chính miệng ông Kim”.
Khả năng diễn ra cuộc gặp thuợng đỉnh giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng lên sau khi chính chủ nhân Nhà Trắng xác nhận dịp lễ Phục sinh, Giám đốc CIA Mike Pompeo có cuộc gặp bí mật với lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng.
Nhưng mối quan ngại về VKHN của Triều Tiên vẫn hiện hữu khi Bình Nhưỡng tự tin đã đạt mục tiêu xây dựng kho VKHN có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào.
Mỹ muốn giải quyết nhanh, Hàn Quốc thích từ từ
Việc phi hạt nhân chỉ là một trong những vấn đề lớn phủ lên cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều.
Một câu hỏi lớn khác là Tổng thống Moon hứa gì với ông Kim, vốn có thể liên quan đến ý định duy trì số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng, hoặc tốc độ nới lỏng lệnh cấm vận quốc tế mà Triều Tiên đang kỳ vọng.
Tổng thống Hàn Quốc là người miền Bắc Triều Tiên di cư qua miền Nam khi bùng phát Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và ông có chủ trương làm thân với Bình Nhưỡng.
Nhiều nhà phân tích Hàn Quốc nói ông nhắm cách tiếp cận chậm hơn, ví dụ việc phi hạt nhân là một mục tiêu sẽ đạt được sau một thời gian. Như vậy, ông có vẻ thờ ơ trước sức ép từ chính phủ Trump, vốn muốn “một thỏa thuận “được ăn cả, ngã về không” phải đạt được nhanh chóng.
Một quan chức Hàn Quốc cấp cao giấu tên nói các cố vấn của Tổng thống Moon đang tự tin đã thuyết phục được Mỹ đồng ý với kế hoạch “giải quyết từ từ sẽ dẫn đến việc đạt được mục tiêu chung là giải trừ vũ khí”.
Vị quan chức còn nói “tình hình phức tạp”, vì ông Moon giữ một vai trò tế nhị “trung gian giữa hai ông Trump-Kim”.
Lãnh đạo Mỹ-Triều gặp riêng dễ nói chuyện hơn gặp đông người
Phe đối lập ở Hàn Quốc lo ngại Tổng thống Moon có thể quá tự tin, khiến đánh mất sự tin tưởng của Mỹ vì ông sốt ruột làm thân với Bình Nhưỡng.
Nhưng hầu hết các nhà phân tích Hàn Quốc nói ông Moon biết rõ canh bạc ông đang theo. Ông Paik Hak-soon, một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Sejong, nói: “Tổng thống Moon đang tung hết nỗ lực thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên giữ đúng cam kết giải trừ hạt nhân và không rút lại cam kết mà ông đã nói riêng với đoàn đại biểu Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng”.
Ông Paik nói sẽ còn nhiều vấn đề khác để bàn trong ngày 27.4 tới, gồm việc thúc đẩy các điều kiện tiến tới tiếp xúc quân sự cấp cao Hàn-Triều, nhằm tránh nguy cơ chiến tranh nếu như nỗ lực ngoại giao bị thất bại.
Nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên gần đây nhất bị thất bại năm 2009, được gọi là “Đàm phán 6 bên” gồm Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Paik cũng tin tưởng cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều sẽ mở đường cho những đột phá lớn trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào đầu tháng 6 tới. Và việc ông Trump gặp ông Kim đều là “phần thưởng” cho mỗi nhà lãnh đạo, nhất là khi không có sự hiện diện của ai khác: “Ông Trump nghĩ với hình thức đối thoại song phương, ông ấy sẽ có thể triển khai bất kỳ quyền lực nào, để kích ông Kim có những nhượng bộ. Tương tự với ông Kim, người nghĩ ông ấy có thể nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo Mỹ, đặt hết mọi vấn đề lên bàn và đi đến một gói thỏa thuận dễ hiểu”.
Giải pháp đối thoại song phương này cũng khiến Trung Quốc và Nhật đứng ngoài dõi theo. Ông Kim, nhà nghiên cứu địa-chính trị ở Đại học Handong nói đó là chiến lược từ lâu của Tổng thống Moon: “Tôi đã tư vấn về đối ngoại cho Tổng thống ở cuộc bầu cử năm 2017. Ý tưởng là càng ít người chơi càng tốt”.
“Chúng ta đã để sổng cơ hội thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng”
Dù vậy, cũng có nhà phân tích cảnh báo chớ nên tin bất cứ điều gì ông Kim có thể đưa lên bàn họp. Ông Kim Hee-sang thuộc Viện Các vấn đề an ninh quốc gia (một tổ chức nghiên cứu ở thủ đô Hàn Quốc) nói: “Tôi có kinh nghiệm làm việc với họ. Tôi biết rõ họ không đơn giản từ bỏ VKHN”.
Nhà nghiên cứu này từng có thời gian dài làm cố vấn cho chính phủ Hàn Quốc, còn nói: “Thực tế đơn giản là Triều Tiên sẽ không thật thà trong suốt các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới”. Ông còn nói lãnh đạo Triều Tiên có thể giả bộ tuyên bố ngưng chương trình hạt nhân và Bình Nhưỡng đã đem giấu nhiều phần của chương trình này để sẽ tái khởi động trong tương lai.
Ngoài ra, ông Kim còn lo ngại Tổng thống Moon có thể hứa với lãnh đạo Triều Tiên những điều vượt quá sự chấp nhận của Mỹ, ví dụ về tầm cỡ quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.
Từ lâu, Bình Nhưỡng đã nói sẽ chỉ xem xét giải trừ VKHN, nếu 28.500 quân Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. Nhưng ngày 19.4, Tổng thống Moon nói với các nhà báo: “Triều Tiên không ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào mà Mỹ không thể chấp nhận, ví dụ rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì họ muốn là Mỹ kết thúc chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, kế tiếp là bảo đảm an ninh cho Triều Tiên”.
Nhà nghiên cứu Kim nói: “Tôi không nghĩ Tổng thống Moon sẽ hứa những điều ông ấy không thể làm. Nhưng tôi lo ngại vì bất kỳ ai cũng biết khi diễn ra các đàm phán nghiêm túc cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề lính Mỹ sẽ luôn được lôi ra”.
Ông Kim còn nói rằng dù bất kỳ điều gì sẽ diễn ra sau các cuộc gặp thượng đỉnh, chính sách dài hơi đối với Triều Tiên nên là những kịch bản thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.
Ông Kim phàn nàn mặt trái của sự thúc đẩy đàm phán hòa bình là công nhận tính hợp pháp của chế độ ở Bình Nhưỡng và hệ quả là “vấn đề thay đổi chế độ bị gạt khỏi bàn”.
Vị học giả nói thêm rằng cho đến nay, chính phủ Mỹ đã khiến Triều Tiên lâm vào tình cảnh kinh tế tuyệt vọng, không còn cách nào khác là chấp nhận đối thoại với Mỹ. “Nhưng khi ông Trump tung chiến dịch “gây sức ép tối đa” hồi năm ngoái đã có cơ hội thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Còn ngay bây giờ, chúng ta đã để sổng cơ hội đó”.
Vĩnh Thụy (theo Washington Times)