Hôm trước, một người chị làm cùng cơ quan than phiền với tôi là con của chị ấy gần đây hay xem mấy video clip của “giang hồ mạng”. Chẳng những thế, cháu thỉnh thoảng còn nói theo những câu từ, làm theo những hành động trong các clip đó. Khi chị góp ý, cháu không sửa đổi mà còn cãi lại chị. Cháu dùng mọi lập luận để bảo vệ những “giang hồ mạng” như thần tượng, bất chấp việc không ít nhân vật trong số đó đã vướng vòng lao lý.
Có lẽ nỗi lo của bà chị cùng cơ quan tôi cũng là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh hiện nay, khi con em chúng ta bắt đầu có biểu hiện lệch chuẩn trong nhận thức. Nghĩa là, thay vì yêu thích, tôn vinh những hành động đẹp, những người tốt thì các bạn trẻ hiện nay lại chọn thần tượng của mình là những kẻ chỉ chuyên xử lý mọi chuyện bằng hành động mang tính bạo lực, thân thể đầy những hình ảnh xăm trổ, nói ra câu nào cũng chêm vào những từ ngữ tục tĩu, thô lỗ.
Xu hướng tất yếu của việc sùng bái thần tượng là sẽ học theo, bắt chước theo những gì mà thần tượng thể hiện. Không những thế, các bạn trẻ này còn ra sức bảo vệ thần tượng, sẵn sàng đấu tranh nếu ai dám xúc phạm đến thần tượng. Chúng ta thấy, nếu việc tôn thờ những tên “giang hồ mạng” làm thần tượng càng phổ biến, càng lan rộng thì hậu quả thật khó lường.
Vấn đề khá nan giải là đi tìm nguyên nhân vì sao không ít bạn trẻ lại thần tượng “giang hồ mạng” mà không phải là các nhân vật lịch sử lỗi lạc, các chính khách thành đạt hay những nghệ sĩ, vận động viên tài năng? Ít ai ngờ rằng đó chính là tác động của giáo dục. Dĩ nhiên, không gia đình nào hay nhà trường nào muốn giáo dục người trẻ ngưỡng mộ “giang hồ mạng”.
Thế nhưng, chính cái cách dạy con cái ở gia đình, dạy học trò trong nhà trường quá cứng nhắc, quá khuôn khổ giáo điều thời gian qua đã góp phần khiến cho giới trẻ nhàm chán với những gì được dạy. Giới trẻ mong muốn có những yếu tố mang tính phá cách, giúp bản thân vượt thoát khỏi khuôn khổ mà nhà trường và gia đình áp đặt.
Chính vì thế, khi bắt gặp những cách hành xử kiểu giang hồ, khi nghe thấy những từ ngữ chợ búa trong các clip không lành mạnh, giới trẻ lập tức bị cuốn hút. Ban đầu, giới trẻ chỉ tìm đến “giang hồ mạng” như sự tò mò, tiếp cận với trạng thái thích thú lẫn lo sợ. Nhưng dần dần, những hành động và ngôn từ trong các clip đó trở nên quen thuộc với giới trẻ. Những nhân vật trong các clip đó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của giới trẻ.
Quan sát rộng hơn một chút, chúng ta phát hiện ra ngoài các clip “giang hồ mạng”, những clip có tính chất xuyên tạc nhân vật văn học và nhân vật lịch sử cũng được giới trẻ tôn vinh. Đó là xu hướng mang tính nổi loạn trong tư tưởng và nhận thức của giới trẻ. Về cơ bản, đây là một xu hướng thể hiện gián tiếp sự phản kháng của giới trẻ với những bài học đạo đức giáo điều, không còn phù hợp với xu thế thời đại. Giới trẻ không chấp nhận những hình mẫu lý tưởng mà người lớn đưa đến và bắt buộc phải tôn thờ. Trái lại, các em tự nhào nhặn một hình mẫu cho riêng mình. Hoặc giả nếu có một hình mẫu nào do người khác đem đến mà thú vị hơn, giới trẻ sẵn sàng đón nhận.
Những xu hướng có tính chất lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ hiện nay là hồi chuông cảnh báo đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy cùng phương pháp giáo dục. Các phương thức dạy dỗ mang tính áp đặt cần hạn chế, thậm chí xóa bỏ. Chúng ta cần dạy trẻ tư duy đa chiều, tiếp cận mọi đối tượng ở nhiều góc độ với những lập luận biện chứng thuyết phục.
Nhiều bạn trẻ than phiền rằng phụ huynh áp đặt các bạn trong những cuộc tranh luận. Khi phụ huynh đuối lý thì lại không chấp nhận thua cuộc mà còn la mắng con cái. Sau vài lần như thế, các bạn ngại tranh luận với phụ huynh. Phụ huynh nói gì các bạn cũng ậm ừ cho qua dù trong lòng không phục. Ngày qua ngày, các cuộc đối thoại trong phạm vi gia đình trở nên thưa thớt. Và các bạn trẻ thay vì tâm sự với bố mẹ mình thì hiện giờ đa số chỉ ôm máy tính, ôm điện thoại “sống ảo” khi có thời gian rảnh rỗi. Như thế, nếu trẻ có lệch lạc trong nhận thức thì các bậc phụ huynh cũng khó mà biết được để can thiệp điều chỉnh.
Ở nhà là thế, khi đến trường các bạn trẻ đôi khi phải đón nhận kiểu giáo dục áp đặt từ phía thầy cô. Không thể phủ nhận rằng hiện nay nhiều giáo viên đã thay đổi phương pháp giảng dạy, đã cho học sinh trở thành trung tâm, đã biết tôn trọng chính kiến của các em. Nhưng nhà trường vẫn tồn tại không ít những giáo viên bảo thủ, cứng nhắc. Thậm chí, nhiều học sinh còn truyền tai nhau mấy câu nói vui về giáo viên của mình là: “Giáo viên luôn luôn đúng. Những gì đúng luôn thuộc về giáo viên. Mọi ý kiến thắc mắc vui lòng xem lại 2 vế trước”.
Một trong những phương pháp giúp giới trẻ phát huy tính chủ động sáng tạo đó chính là cho các bạn ấy trình bày quan điểm. Thế nhưng, ở nhà trường hiện nay, nhiều giáo viên yêu cầu học sinh trình bày quan điểm của các em nhưng lại chấm điểm theo quan điểm của thầy cô. Lâu dần, học trò không còn dám nói lên những ý tưởng của cá nhân mình nữa mà chỉ tìm bài mẫu hoặc những gợi ý của giáo viên mà trình bày theo. Rồi khi lên mạng hoặc quan sát trong xã hội, các em thấy ai dám trình bày quan điểm cá nhân dù là các quan điểm trái khoái, lệch lạc thì các em cũng ngưỡng mộ.
Xã hội ngày càng phát triển, con người được thụ hưởng những tiện nghi vượt bậc, một trong số đó là do kỹ thuật công nghệ tiên tiến mang lại. Tuy nhiên, chúng ta lại phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy trong thời đại mới này, nhất là các sản phẩm độc hại xuất hiện ngày càng nhiều trên internet và mạng xã hội. Chúng ta rất cần các cơ quan chức năng hay những đơn vị có thẩm quyền có giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu những sản phẩm độc hại trên mạng. Song, mỗi người cũng cần phải tự miễn nhiễm với nó bằng chính nhận thức đúng đắn của mình.
Riêng với các bạn trẻ, chắc chắn người lớn khó có thể cấm đoán các bạn tôn sùng điều gì hoặc bắt buộc các bạn phê phán điều gì. Chỉ có phương pháp đối thoại với các bạn trẻ một cách thẳng thắn, cởi mở mới mong uốn nắn được nhận thức, thị hiếu của các bạn. Nên lưu ý rằng, biện pháp giáo dục áp đặt hiện nay không còn phù hợp nữa. Chúng ta cần thay đổi tư duy và phương pháp giáo dục đối với người trẻ. Nếu không, một ngày không xa các bạn trẻ sẽ không còn nghe lời cha mẹ hay thầy cô nữa mà chỉ nghe theo, làm theo thần tượng của mình là các “giang hồ mạng”.
Trương Chí Hùng