Xác định khó khăn trong việc xuất bán sang các thị trường tiềm năng lúc dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị 3 kịch bản để tiêu thụ 160.000 tấn vải thiều năm nay, trong đó chủ yếu là kích cầu thị trường nội địa.

Lên phương án tiêu thụ 160.000 tấn vải thiều 'mùa COVID'

27/04/2020, 06:33

Xác định khó khăn trong việc xuất bán sang các thị trường tiềm năng lúc dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị 3 kịch bản để tiêu thụ 160.000 tấn vải thiều năm nay, trong đó chủ yếu là kích cầu thị trường nội địa.

Sản lượng vải thiều Bắc Giang năm nay ước tính khoảng 160.000 tấn - Ảnh: TN

Chuẩn bị 3 kịch bản tiêu thụ vải

Năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.126 ha, sản lượng ước đạt khoảng 160.000 tấn. Trong đó, vải sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.126 ha, sản lượng ước đạt khoảng 115.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải sớm tập trung từ ngày 10.5 đến ngày 10.6; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10.6 đến ngày 20.7.

Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mùa vụ vải thiều năm nay, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản đối với việc tiêu thụ vải thiều. Thứ nhất là xuất khẩu được sang các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới; Thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; Thứ ba là không xuất khẩu được.

Ông Thái cho biết thêm, năm 2020, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng vải với diện tích khoảng 218 ha tại huyện Lục Ngạn, sản lượng ước đạt trên 1.500 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, EU và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu đi Nhật Bản.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã giao các đơn vị chuyên môn lựa chọn vùng trồng thích hợp, trong đó đặc biệt là diện tích vải đạt chuẩn GlobalGAP, lên kế hoạch chuẩn bị cho xuất khẩu khi vào vụ. Tỉnh đang tìm cách kết nối với các hệ thống bán lẻ lớn của Nhật Bản để làm cầu nối, đưa vải đến thị trường này thuận lợi hơn.

Hiện nay, tỉnh đã triển khai mọi biện pháp để tiến hành xúc tiến tiêu thụ vải thiều; các điều kiện chuẩn bị cho vải thiều vào Nhật Bản đã sẵn sàng; đã lắp đặt xong quy trình xông hơi của vải thiều;… Song tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, tình hình xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang các thị trường tiềm năng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, nếu diễn biến dịch bệnh có chiều hướng tốt sẽ tiến hành xúc tiến như bình thường. Nếu dịch bệnh có chuyển biến phức tạp, tỉnh sẽ xây dựng các phương án kịch bản để ứng phó kịp thời với dịch bệnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, vụ vải năm nay chịu tác động bởi hai yếu tố. Đó là diễn biến thời tiết bất thuận có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm giá trị và dịch COVID-19 sẽ gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.

Thị trường nội địa và Trung Quốc vẫn là hướng đi chính

Hiện vải thiều đang trong giai đoạn đậu quả với tỷ lệ đậu cao, chất lượng vải thiều năm nay dự kiến cũng rất tốt. Trước diễn biến phúc tạp của dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh đã bám sát diễn biến thị trường, giá cả, dự báo tình hình xuất nhập khẩu… để nghiên cứu, đề xuất các kịch bản, giải pháp xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Tấn, thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là những thị trường chính. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục, giá vải và sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm, Bắc Giang đẩy mạnh các biện pháp sơ chế, chế biến và bảo quản quả vải như sấy khô, ép nước… đồng thời, thực hiện xúc tiến trực tuyến.

Tỉnh cũng đã liên hệ sớm hơn với các đầu mối Trung Quốc để có phương án tiêu thụ phù hợp. Đối với thị trường trong nước, Bắc Giang tiếp tục chú trọng đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối và thị trường phía Nam.

Năm 2019, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ của Bắc Giang đạt trên 147.000 tấn, doanh thu từ vải thiều đạt 4.675 tỉ đồng, thu từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.690 tỉ đồng. Thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc và thị trường trong nước.

Trong một diễn biến liên quan, giá vải thiều đầu mùa tại thị trường phía Nam mấy ngày gần đây liên tục rớt giá. Nếu như mọi năm, người mua vải thiều phải chi cả trăm nghìn đồng để mua một kg vải thiều thì giá vải đầu vụ năm nay đã giảm phân nửa chỉ còn khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lên phương án tiêu thụ 160.000 tấn vải thiều 'mùa COVID'