Theo giới chuyên gia pháp lý, so với lệnh cấm đầu tư của cựu Tổng thống Donald Trump, sắc lệnh mà ông Joe Biden vừa ký không chỉ mở rộng về đối tượng mà còn giảm thiểu được nguy cơ bị vô hiệu hóa bằng cách kiện ra tòa, tạo cơ sở vững chắc hơn cho mở rộng thực thể trừng phạt sau này.

Lệnh cấm đầu tư vào hàng chục công ty Trung Quốc: Ông Biden lợi hại hơn Trump

Cẩm Bình | 08/06/2021, 09:05

Theo giới chuyên gia pháp lý, so với lệnh cấm đầu tư của cựu Tổng thống Donald Trump, sắc lệnh mà ông Joe Biden vừa ký không chỉ mở rộng về đối tượng mà còn giảm thiểu được nguy cơ bị vô hiệu hóa bằng cách kiện ra tòa, tạo cơ sở vững chắc hơn cho mở rộng thực thể trừng phạt sau này.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh cấm đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc – mở rộng so với danh sách 31 công ty dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Lệnh cấm nhắm đến công ty đã và đang hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng Trung Quốc hoặc lĩnh vực liên quan, trong lĩnh vực công nghệ giám sát; công ty thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát bởi cá nhân/đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên.

Trước đó, cựu Tổng thống Trump nhắm đến công ty thuộc sở hữu, được kiểm soát hoặc có liên kết với quân đội Trung Quốc, với các bộ thuộc chính phủ hoặc với cơ sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nào đó.

Luật sư Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, nhận xét: “Lệnh cấm mới rộng hơn về phạm vi và thấp hơn trong tiêu chí xác định đối tượng bị cấm, nên dễ dàng vượt qua thách thức pháp lý hơn”.

Cụ thể, sắc lệnh loại bỏ tiêu chí phải có liên kết trực tiếp với nhà nước Trung Quốc để thay bằng từ ngữ mơ hồ hơn: Đã và đang hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm.

biden-expands-ban-on-chinese-surveillance-firms-doing-biz-in-us.jpg
Ông Biden dùng từ ngữ mơ hồ hơn nhưng khó bị bắt bẻ tại tòa hơn - Ảnh: AP

Lệnh cấm của cựu Tổng thống Trump bị ngăn cản khi 3 công ty Trung Quốc kiện ra tòa, 2 vụ tòa tuyên tạm đình chỉ thực hiện và 1 vụ chưa có phán quyết.

Xiaomi là công ty Trung Quốc đầu tiên đệ đơn kiện. Một thẩm phán liên bang ra phán quyết tạm đình chỉ thực hiện lệnh cấm với lý do không đủ bằng chứng xác định Xiaomi có lên kết với quân đội hoặc chính phủ Trung Quốc, đồng thời nhận xét quy trình lập danh sách đối tượng chịu lệnh cấm của chính phủ Mỹ “quá tùy tiện”.

Đến tháng 3 năm nay, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đồng ý đưa Xiaomi ra khỏi “danh sách đen”. Công ty giành chiến thắng pháp lý tương tự là đơn vị phát triển bản đồ công nghệ Luokung.

Học giả Bill Reinsch thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Các tòa án thường không chống lại Tổng thống Mỹ khi ông ấy ra quyết định liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng họ đã làm vậy vì phía ông Trump soạn thảo lệnh cấm quá cẩu thả và chẳng bảo vệ được quyết định mình đưa ra lúc ở trước tòa”.

Xiaomi, Luokung thoát khỏi danh sách 59 công ty Trung Quốc bị Tổng thống Biden nhắm đến, nhưng hàng loạt đơn vị lớn như công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision, tập đoàn viễn thông Huawei, công ty sản xuất linh kiện bán dẫn quốc tế (SMIC) vẫn bị gọi tên.

Luật sư Wendy Wysong (Hồng Kông) đánh giá cao lệnh cấm mới của Tổng thống Biden: “Sẽ khó chống lại lệnh cấm này hơn vì lập luận trong đó không yếu ớt và tiêu chí xác định đối tượng bị cấm không hạn hẹp như trước”.

Còn theo học giả Reinsch, chỉ cần chính phủ Mỹ hiện tại muốn cứng rắn hơn thì chắc chắc sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc lọt vào danh sách. “Về lý thuyết thì lệnh cấm có thể mở rộng đáng kể”, ông nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lệnh cấm đầu tư vào hàng chục công ty Trung Quốc: Ông Biden lợi hại hơn Trump