Sau một số sự do dự, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Lệnh cấm vận dầu mỏ mới nhất khiến EU hay Nga tổn thương nhiều hơn?

Sơn Vân | 31/05/2022, 21:15

Sau một số sự do dự, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Việc thay thế dầu thô Urals của Nga bằng dầu Brent đắt tiền hơn sẽ làm phình ra hóa đơn năng lượng vốn đã rất nóng ở EU. Tuy nhiên, động thái này sẽ làm thu hẹp nguồn doanh thu xuất khẩu béo bở nhất của Nga.

Gói trừng phạt mới của EU, được các nhà lãnh đạo khối này chính thức đưa ra cuối ngày 31.5, dự kiến ​​sẽ có lệnh cấm ngay lập tức với 75% lượng dầu thô Nga nhập khẩu vào châu Âu. Con số này sẽ tăng lên 90% vào cuối năm nay. Lệnh cấm vận từng phần nhằm cho phép Hungary và các quốc gia không giáp biển khác tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga qua đường ống.

Việc triển khai không đồng đều công cụ trừng phạt mạnh mẽ nhất của châu Âu là một vấn đề. Nó cũng sẽ dẫn đến hóa đơn năng lượng cao hơn cho những người tiêu dùng vốn đã căng thẳng.

Theo Rystad Energy, EU đã nhập khẩu từ 3 đến 3,7 triệu thùng dầu Urals mỗi ngày. Thay 75% trong số đó bằng dầu Brent giá 120 USD/thùng sẽ dẫn đến chi phí tăng thêm ít nhất 2 tỉ USD mỗi tháng.

Rystad Energy là công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở chính tại thủ đô Oslo của Na Uy.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận dấu mỏ sẽ tác động đáng kể đến Nga. Xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Nga lên tới 110 tỉ USD, chiếm hơn 1/5 tổng số tiền xuất khẩu hàng hóa của nước này vào năm 2021.

Dù dầu mỏ có thể dễ dàng vận chuyển đi nơi khác hơn là khí đốt, Nga sẽ phải vật lộn để thay thế hoàn toàn những mặt hàng xuất khẩu vào EU đã mất.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Hoàng gia Canada cho biết Ấn Độ mua lượng dầu thô đang giảm giá kỷ lục của Nga, nhưng đã chạy các nhà máy lọc dầu vượt quá công suất chính thức của họ.

Ấn Độ đã nhận 34 triệu thùng dầu giảm giá của Nga kể từ tháng 2.2022, gấp hơn 10 lần tổng giá trị nhập khẩu từ nước này so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon (công ty cung cấp tin tức, thông tin và phân tích hàng đầu thị trường cho cộng đồng tài chính).

Theo bản tin, hơn 24 triệu thùng dầu thô Nga đã được cung cấp trong tháng 5.2022, tăng từ mức 7,2 triệu thùng trong tháng 4 và từ khoảng 3 triệu thùng trong tháng 3. Quốc gia Nam Á này dự kiến nhập khoảng 28 triệu thùng dầu thô Nga trong tháng 6.2022.

Năm 2021, xuất khẩu dầu thô Nga sang Ấn Độ trung bình chỉ đạt 960.000 thùng mỗi tháng, ít hơn gần 25 lần so với tổng số của tháng 5.2022.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga đã tạo ra cơ hội cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tăng cường mua dầu thô Nga, chủ yếu là dầu thô Urals giảm giá.

Ấn Độ đối mặt với một số lời chỉ trích từ phương Tây khi làm việc này. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á lưu ý rằng những mặt hàng nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu chung của họ.

Theo giới chức Ấn Độ, nước này sẽ tiếp tục mua dầu giá rẻ của Nga vì nếu nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới đột ngột dừng nhập mặt hàng này từ Nga sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.

Trước đó, truyền thông nhận định quốc gia Nam Á đang muốn mua dầu thô Nga ở mức giá dưới 70 USD/thùng để bù đắp cho những rào cản bổ sung do các lệnh trừng phạt Nga gây ra.

Trung Quốc vẫn chưa tăng cường nhập khẩu, nhưng nền kinh tế của họ đã kém khởi sắc hơn sau các đợt phong tỏa liên tiếp. Lệnh cấm vận từ EU sẽ không khuyến khích các tàu chở dầu không phải của Nga vận chuyển dầu thô nước này.

Nga có thể kiếm được ít nhất 8,1 tỉ USD mỗi tháng bằng cách xuất khẩu 3 triệu thùng/ngày sang EU với giá dầu thô Ural hiện tại.

Các nhà phân tích của Rystad Energy nói rằng Nga có thể định hướng tốt nhất 1 triệu thùng trong số các thùng trước đây được dành cho EU, ngụ ý rằng xuất khẩu 3 triệu thùng sẽ nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 1,75 triệu thùng. Điều đó có nghĩa là doanh thu bị mất ít nhất 3,4 tỉ USD mỗi tháng trong giai đoạn đầu lệnh cấm vận, hoặc hơn 40% số tiền ước tính hàng tháng của Nga từ xuất khẩu vào EU, theo tính toán của Reuters. Tổn thất đó có thể tăng lên ít nhất 4,5 tỉ USD mỗi tháng khi lệnh cấm hoàn toàn của EU có hiệu lực.

Như vậy, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU sẽ gây tổn hại cho Nga nhiều hơn châu Âu.

lenh-cam-van-dau-mo-moi-nhat-se-khien-eu-hay-nga-ton-thuong-nhieu-hon.jpg
Theo các nhà phân tích, lệnh cấm vận dầu mỏ mới nhất sẽ làm tổn thương Nga nhiều hơn EU

Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm ngay lập tức 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel cho biết trong một tweet vào ngày 31.5.

Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ được 27 nhà lãnh đạo EU chính thức thông qua vào cuối cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày từ hôm 31.5, dự kiến ​​cấm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga cuối năm nay.

Khoảng 10% hàng nhập khẩu sẽ tạm thời được miễn lệnh cấm vận của EU để giúp các nước không giáp biển như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. Các nước này nhập khẩu dầu của Nga qua đường ống và không thể dễ dàng thay thế.

Slovakia nhập khẩu 105.000 thùng/ngày từ Nga, Hungary nhập khẩu 70.000 thùng/ngày và Cộng hòa Séc nhập khẩu 68.000 thùng/ngày. Các nước EU khác ít phụ thuộc hơn vào dầu của Nga, nhưng giá dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở châu Âu.

Nếu Nga không thể cung cấp dầu mỏ cho châu Âu trong tương lai gần, về lý thuyết, khu vực này có thể tìm được nguồn cung thay thế. Song điều đó vẫn phụ thuộc nhiều vào quyết định của OPEC có sẵn sàng gia tăng sản lượng khai thác hay không, cũng như chi phí vận chuyển và tải trọng của các tàu chở dầu sẵn có. Quá trình tìm kiếm sản phẩm thay thế có thể mất từ vài tháng đến vài năm.

 OPEC là tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, đảm bảo thu nhập ổn định cho các quốc gia thành viên và đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cho các khách hàng. OPEC được thành lập bởi các nước Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Saudi và Venezuela.

Tất nhiên, Nga không nắm giữ tất cả các thẻ bài. Hồi tháng 4.2022, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, sản lượng dầu mỏ của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày. Việc ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu sẽ khiến Nga phải giảm sản lượng khai thác, đóng cửa các giếng dầu và tăng chi phí vận tải khi phải chuyển hướng xuất khẩu sang các khu vực khác.

Theo các nhà phân tích, thiệt hại kinh tế với Nga và châu Âu sẽ phụ thuộc vào việc lệnh cấm này được thực hiện sớm hay muộn, trong thời gian bao lâu và phản ứng của các nước OPEC thế nào.

Các chính trị gia châu Âu cùng lúc sẽ phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ cấp bách: Tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, giải thích cho các cử tri về sự tăng giá đột biến và giảm thiểu tác động với những nước EU phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn dầu mỏ Nga.

Ngoài ra, cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu sẽ đẩy nhanh tốc độ lạm phát trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực và khiến giá cả các mặt hàng sử dụng năng lượng tăng cao.

Bài liên quan
EU đạt thỏa thuận cấm nhập 2/3 dầu mỏ Nga
Mới đây, các lãnh đạo EU thống nhất cấm 2/3 nhập khẩu dầu từ Nga, sau khi đạt thỏa thuận với Hungary tại hội nghị thượng đỉnh ở Bỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lệnh cấm vận dầu mỏ mới nhất khiến EU hay Nga tổn thương nhiều hơn?